Cái khó ló cái khôn
Người phụ nữ dân tộc Mông có cuộc sống khá kín đáo. Họ âm thầm và giành cả cuộc đời cống hiến hết mình vì chồng, vì con. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất vùng cao Long Hẹ, bà Vá biết và cảm thông với sự hy sinh, chịu đựng của người phụ nữ dân tộc Mông. Ngày nào cũng như ngày nào, họ mải miết bước trên những con dốc cao ngất ngưởng để lên nương lên rẫy.
Bà Phá Thị Vá- bà đỡ tình nguyện ở bản Mông nơi xã vùng cao Long Hẹ.
Phải chăng, chính những điều đó đã góp phần làm nên cách sinh hoạt khép kín của người phụ nữ Mông trong chuyện sinh con đẻ cái. Gắn bó với mảnh đất vùng cao tràn ngập khó khăn, nặng nề về những hủ tục được truyền lại từ bao đời nay, bà Vá hiểu rằng, khi người phụ nữ mang thai họ vẫn phải lao động nặng nhọc, vẫn phải đeo gùi (lù cở) lên bờ, xuống ruộng.
Khi có thai, người phụ nữ Mông thường xấu hổ và rất ngại đi khám tại các trạm y tế. Những thai phụ khi mang thai, chỉ biết giữ kín trong lòng, không dám nói với ai kể cả chồng. Có rất ít người mới thì thầm cho mẹ chồng biết. Đến cữ, người nhà thường để các sản phụ đẻ tại nhà. Không cho người ngoài đỡ đẻ…không ít ca khó đẻ, không đẻ được xảy ra tai biến rất đáng tiếc.
Trao đổi với NTNN/Dân Việt, bà Vá chia sẻ: “Người phụ nữ Mông có tính cách rất tự ti, trước đây mình cũng vậy. Những sản phụ như vậy luôn có những rủi ro rình rập, có thể cướp đi sinh mạng của mẹ và con bất cứ lúc nào. Đồng bào người Mông sinh sống chủ yếu trên những đỉnh núi cao, rất khó khăn cho việc đi lại chứ chưa nói gì đến khám thai và cấp cứu các sản phụ khi gặp nạn”.
Bà Vá quyết định học nghề bà đỡ để cống hiến cho bản làng nơi mình sinh ra. Người dạy cho bà không ai khác chính là mẹ đẻ mình – cụ Chá Thị Mai - nổi tiếng người đỡ đẻ rất giỏi. Không lâu sau bà Vá cũng trở thành người nối nghiệp bà đỡ của mẹ mình.
“Có lẽ vì đời sống trên bản Mông khó khăn như vậy, nên mình mới bén duyên với nghề này” - bà Vá tâm sự thêm. Phương thuốc gia truyền đã cứu sống hơn 100 thai phụ
Hiện nay, bà Vá đang tạm trú tại bản Hua Lương, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu. Bà sống bằng nghề kinh doanh tạp hóa nhưng luôn sẵn lòng giúp đỡ các thai phụ khi cần, dù có phải đi bộ hàng chục cây số khi trời mưa, giá lạnh… Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, bà Vá đã giúp và đỡ đẻ thành công cho hàng chục người như: Chị Vừ Thị Dếnh, chị Vừ Thị Vân (bản Hua Ty - Co Mạ); chị Giàng Thị Dợ (bản Háng Tầu - Long Hẹ)…
Hai cây thuốc trộn với trứng cho thai phụ ăn để phục hồi sức khỏe.
Chị Mua Thị Sò - bản Cha Mạy B, xã Long Hẹ người được bà Vá đỡ đẻ thành công, kể: “Bấy giờ là năm 2005, cuộc sống nhà tôi và dân bản khó khăn, lạc hậu lắm. Ai không đẻ được là chồng lại đi gọi thầy mo, thầy cúng đến cúng nhưng cúng xong vẫn không đẻ được. Ngày ấy xe máy còn chưa có, mà đi bộ xuống thị trấn Thuận Châu khám thì phải mất 2 ngày một đêm, chưa kể cõng người ốm, người chửa nữa thì không biết sẽ thế nào. Tôi hoang mang và nghĩ trong đầu là sẽ chết nếu không đẻ được. Thật may là lúc đó có bà Vá ở gần đó. Gia đình tôi đã cầu xin bà và bà Vá đồng ý giúp. Nhờ thế tôi đã sinh được đứa con gái đầu lòng khỏe mạnh, niềm vui lúc đó không thể diễn tả thành lời được”.
Còn chị Vừ Thị Vân phấn khởi, nói: “Mỗi khi giúp đỡ thành công một ca sinh con, bà Vá không đỏi hỏi điều gì. Gia đình tôi là hộ nghèo, lúc đỡ đẻ cho tôi xong, bà Vá vỗ về tôi và bảo “Em đừng đưa gì cả, chị không lấy đâu nhé”. Tôi không biết nói gì ngoài lời cảm ơn. Người dân vùng cao còn vất vả lắm, nhờ có bà Vá mà nhiều chị em khi sinh nở như tôi đã mẹ tròn con vuông, lại không hề tốn kém”.
Không chỉ đỡ đẻ tự nguyện, bà Vá còn mang bài thuốc gia truyền của gia đình mình để cứu giúp những sản phụ khi “vượt cạn” bị đuối sức. Chị Giàng Thị Dợ ở bản Háng Tàu, kể: Để mẹ tròn con vuông và sản phụ có sức khỏe tốt sau khi sinh, có đủ sữa cho con bú, bà Vá còn cho các sản phụ dùng một bài thuốc gồm 3 ngọn rau rừng trộn với trứng gà ăn trong 3 ngày đầu, ăn trước khi ăn cơm để cơ thể được phục hồi.
Bà Vá dặn phải chọn những quả trứng gà đã ấp được 10 ngày vì khi ấy bên trong quả trứng bắt đầu hình thành tim phôi và nhiều mạch máu. Dùng những quả trứng này có tác dụng bổ máu, tăng cường sức đề kháng và tái tạo lại các tế bào đã bị mất đi. Nhờ thế nên hầu hết sản phụ người Mông chúng tôi thường đuối sức khi sinh con nhưng được dùng thuốc của bà Vá thì hồi phục rất nhanh và luôn đủ sữa cho con bú. Người giỏi và tốt như bà Vá thật hiếm có ở vùng cao này.
Trò chuyện với bà Vá, bà bảo: Tuy đã đỡ đẻ cho nhiều người ở 6 xã vùng cao này nhưng với những ca khó đẻ, vượt ngoài khả năng của tôi thì tôi tích cực vận động người thân đưa ngay thai phụ xuống Bệnh viện, trạm y tế. Khi ấy, tôi sẵn sàng đi theo để hỗ trợ sản phụ và người nhà nhưng không thể liều lĩnh đỡ đẻ vì như thế là không đúng với lương tâm của bà đỡ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.