Một thời đắm say
Trong căn nhà sàn cũ kỹ, nghèo nàn trên lưng đồi bản Vạn, xã Tân Phong (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), bà Đinh Thị Muôn vừa thái rau cho lợn, vừa kể cho tôi nghe câu chuyện về những ngày hành nghề đỡ đẻ của mình. Sinh ra và lớn lên bên hữu ngạn con sông Đà, thuộc địa phận huyện Mộc Châu. Năm 17 tuổi, cô gái Mường – Đinh Thị Muôn vừa học hết lớp 7 đã toại nguyện mơ ước trở thành một nữ hộ sinh sau khóa đào tạo ở trường y tế Sơn La. “Ai đã từng sống với bà con dân tộc vào những năm khó khăn ấy, từng chứng kiến những cái chết đau thương trong mỗi kỹ sinh nở bởi thiếu hiểu biết, thiếu cán bộ và dụng cụ y tế, thiếu thuốc men… thì sẽ hiểu được mơ ước trở thành nữ hộ sinh của tôi”, bà Muôn chia sẻ.
Bà đỡ Đinh Thị Muôn vừa thái rau lợn, vừa kể lại câu chuyện hành nghề bà đỡ của mình cho phóng viên nghe.
Cuối thập kỷ 70 vừa qua, nữ hộ sinh Muôn được phân công công tác tại trạm y tế chính quê hương mình. Để hoàn thành vai trò bà đỡ của mình, chị Muôn ngày ấy phải đến với từng thôn, bản, tìm hiểu tình hình bệnh tật, nghe ngóng, dò hỏi xem phụ nữ nào có thai để tư vấn, vận động chị em và gia đình đi khám thai, kiểm tra sức khỏe và thực hiện sinh con tại cơ sở y tế.
“Ngày ấy, với bà con dân tộc, việc sinh nở cứ theo lẽ tự nhiên chứ chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe như bây giờ nên nhiều người đã có tới 3-4 đứa con mà chưa một lần tới trạm xá sinh nở. Sinh xong, nếu ốm, nếu đau hoặc có những chuyện chẳng lành thì làm lý, cúng ma, trừ tà… chứ họ ít gọi cán bộ y tế lắm. Vì thế nên tôi cùng các đồng nghiệp phải xuongs “3 cùng” với dân để giúp họ nhận thức rõ về y tế công lập cũng như cách bảo vệ sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh. Thật may là ngày ấy tôi còn trẻ, tay nghề chưa cao nhưng chỉ mấy năm trời công tác tại trạm, tôi đã đỡ đẻ cho hàng trăm ca an toàn và được coi là “cô đỡ mát tay ” – bà Muôn bảo vậy.
Lời đồn về một “cô đỡ mát tay”, trẻ trung, xinh đẹp, chưa chồng… lan xa, vượt qua cả mặt nước sông Đà sang bên bờ tả ngạn, thuộc đất huyện Phù Yên. Trong một lần vượt thác sang bờ đỡ đẻ cho một người dân bên xã Tân Phong, cô đỡ Muôn đã bắt gặp cái nhìn đầy khao khát và lời đang Mường tỏ tình da diết của chàng trai bến Vạn – Đinh Văn Sái. “Anh ấy là bộ đội. Mà ngày ấy chỉ riêng việc là bộ đội cũng đã được mọi người quý rồi. Tôi yêu anh ấy nên nhận lời làm vợ. Thế là đám cưới diễn ra, đưa dâu qua bờ sông Đà đúng ngày con nước lũ, thuyền cưới tròng trành như lòng tôi khi đó ngất ngây say đắm” – bà Muôn nghẹn ngào nhớ về những dòng ký ức đẹp đẽ của đời mình.
Bỏ lương chứ không bỏ nghề
Nhưng về ở với chồng chưa được bao lâu thì người dân bản Vạn cũng như hàng ngàn hộ dân khác hai bên bờ sông Đà thuộc địa phận Hòa Bình, Sơn La ngày ấy phải thực hiện của đại di dân vì thủy điện đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Vốn đã dói nghèo, di chuyển lên nơi ở mới, ruộng – nương cũ ngập hết nên cuộc sống lại càng đói nghèo hơn. Ngay sau khi sinh nở đứa con đầu lòng, cô đỡ Đinh Thị Muôn đành gạt nước mắt chia tay với trạm y tế xã. “Đồng lương y tế ngày ấy ít ỏi nhưng lại phải trực tại trạm và đi cơ sở quá nhiều. Chồng tôi là bộ đội, con còn nhỏ nên theo ý nhà chồng tôi đành phải xin nghỉ để làm ruộng, làm nương, chăm sóc bố mẹ chồng và con cái”.
Phải từ giã trạm y tế, lòng bà Muôn trào lên những nuối tiếc. Nhưng thật may là chỉ mấy ngày sau khi nghỉ việc, bà Muôn lại tiếp tục nhận được những lời khẩn khoản của không ít gia đình trong bản, trong xã bởi: Vợ em đang làm nương thì đau đẻ hoặc trời mưa, đường trơn, lại đau để đúng lúc đêm tối, đường về trạm y tế xa xôi… nên nhờ bà đến đỡ giúp.
Dù cuộc sống khó khăn, lương không có nhưng bà Muôn vẫn khăng định: Tôi sẵn sàng đỡ đẻ giúp mọi người để lấy phúc đức, lấy niềm vui cho mình, cho dân bản.
“Ai gọi tôi cũng có mặt ngay. Nhiều khi vừa bê bát cơm lên mồm tôi cũng đặt xuống đi đỡ đẻ cho họ. Gần 40 năm làm nghề này, tôi không còn nhớ mình đã đỡ đẻ bao nhiêu ca và nhận bao nhiêu lời cảm ơn của các gia đình. Ngày ấy, việc đỡ đẻ chỉ có lời cảm ơn suông chứ không bao giờ có vật chất kèm theo. Mấy năm gần đây, thấy hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn, chồng và các con khỏe mạnh đều đã chết, lại phải nuôi đứa cháu ngoại và người con út kém khôn nên thỉnh thoảng cũng có người biếu lại một vài trăm ngàn. Nhưng niềm vui lớn nhất của tôi là đã đỡ đẻ cả ngàn ca nhưng chưa một ca nào xảy ra điều đáng tiếc” – mắt bà Muôn ánh lên roi rói.
Ông Đinh Văn Đấu, 86 tuổi, già bản Vạn, xã Tân Phong, gật gù: Phải công nhận là bà Muôn đỡ đẻ rất mát tay. Vì thế, ngay cả bây giờ trạm y tế đã ở gần, trang thiết bị và cán bộ đầy đủ hơn nhưng không chỉ dân bản mà nhiều hộ khác ở xã này vẫn đến cậy nhờ bà ấy. Nhiều gia đình ở đây đã có tới 2-3 thế hệ được bà ấy đỡ đẻ và chăm sóc sức khỏe đấy. Dân nghèo nên không có tiền công đâu, chỉ biết trông nhờ vào y đức của bà đỡ thôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.