Ba lần thiêu tàu giặc: Pháo nổ lần đầu… nhưng tịt ngòi!

Thiên Việt (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 15/11/2014 09:00 AM (GMT+7)
Tháng 10 năm 1947, Bộ Chỉ huy quân Pháp tổ chức chiến dịch Lê –A với tham vọng tiêu diệt An Toàn Khu (ATK), đánh phá  các cơ quan đầu não của ta.  
Bình luận 0
Quân Pháp tổ chức hai gọng kìm tiến lên Việt Bắc. Gọng kìm thứ nhất gồm 1 binh đoàn dù và 1 binh đoàn cơ giới đánh chiếm Bắc Cạn. Gọng kìm thứ 2 do quan năm Com-muy-nan chỉ huy gồm một binh đoàn quân bộ, một số đại đội lính thuỷ, công binh, pháo binh dùng 40 ca nô tầu chiến ngược dòng sông Lô. Cả hai gọng kìm sẽ gặp nhau ở Đại Thi rồi càn quét lớn tại trung tâm Việt Bắc.

Pháo nổ lần đầu… nhưng tịt ngòi!

Sáng ngày 11.10.1947, 4 tầu chiến, 3 ca nô chở tiểu đoàn thứ nhất và một số đơn vị phối thuộc của binh đoàn Com-muy-nan do quan tư Pháp Lơ-dôt chỉ huy xuất phát từ Việt Trì kéo lên Sông Lô, trên trời có 3 khu trục và 1 thuỷ phi cơ hộ tống.

img

Bộ đội ta trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947.

Lực lượng ta gồm có 2 trung đoàn bộ binh của Khu 10 bố trí từ Lập Thạch, Phù Ninh, Đoan Hùng lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang), 3 trung đội pháo binh  và du kích địa phương phối thuộc .

Trung đội sơn pháo 1 do trung đội trưởng Nguyễn Siêu Hải chỉ huy được giao nhiêm vụ chặn đánh ca nô, tàu chiến của địch ngay ở cửa ngõ Việt Trì - Bạch Hạc, không cho chúng ngược lên Tuyên. Gọi là trung đội sơn pháo, nhưng thực chất khi đó, chỉ có một khẩu pháo cũ kỹ ta tước được của  giặc Pháp sau ngày Nhật đảo chính 9.3.1945. Pháo trơ trụi: không kính ngắm, khi bắn phải ngắm theo nòng pháo đến mục tiêu. Thêm vào đó, ta phải lo bảo toàn lực lượng, không để chúng cướp pháo. Ngoài trung đội sơn pháo 1 của Nguyễn Siêu Hải, ta còn bố trí một khẩu dã pháo 75 ly nặng trên 2 tấn ở Đoan Hùng; một khẩu dã pháo 75 ly khác bố trí ở Bình Ca. Cả hai khẩu đều rất cũ, chắp vá...

Mặc dù vậy, tinh thần quyết chiến quyết thắng của các chiến sĩ rất cao. Theo tính toán ban đầu, Nguyễn Siêu Hải cùng đồng đội bố trí trận địa trên một mỏm đồi cao ở Phan Dư. Ngày 11.10.1947, bảy chiếc tàu địch nối nhau chở nặng vũ khí đạn dược ngược sông Lô qua Bạch Hạc để lên Tuyên Quang. Trung đội nổ súng tấn công, nhưng chỉ bắn được một phát ở cự ly trên 2000m, không đạt kết quả. Ngày 12.10.1947, tàu của địch vượt Đoan Hùng, khẩu pháo 75 ly được ta bố trí ở đây mới bắn được một phát thì bị tụt nòng. Ngày 13.10.1947, tàu địch tiến qua Bình Ca, đến lượt khẩu dã pháo ở đây bắn được một phát thì hai bánh pháo bị gục. Thế là tàu địch lại thẳng tiến lên đánh chiếm thị xã Tuyên Quang.

Tiếp theo, ngày 14 rồi  18.10.19947, địch vẫn tiếp tục vận chuyển quân,  vũ khí đạn dược lên Tuyên, Trung đội sơn pháo tiếp tục nổ súng nhưng kết quả vẫn là con số không. Nhìn đoàn tàu, ca nô của giặc nghễu nghện vượt sông lên chiến khu của ta, các chiến sĩ lòng như có lửa đốt. Phải làm cách nào để thắng giặc, chặn đứng gọng kìm tiến công bằng đường thuỷ của chúng, góp phần giành thế thắng trên chiến trường? Đó là những nỗi khổ tâm, day dứt, trăn trở, suy nghĩ của các anh khi ấy.

Đặt pháo ở bờ sông bắn thẳng ở cự li gần

Đoàn tầu thứ hai và thứ ba của địch tiếp tục đi trên sông Lô và đều có đụng độ kịch liệt với bộ đội ta, nhưng cả hai bến đều không bị thiệt hại gì. Binh đoàn Com-muy-nan tập kết tại thị  xã Tuyên Quang, tiến lên Chiêm Hóa.

Ngày 23.10 Com-muy-nan cho 2 tầu LCM trọng tải 500 tấn chở quân và hàng lên tiếp viện.

Sau những thất bại này,  Trung đội trưởng sơn pháo Nguyễn Siêu Hải đã quan sát và thấy rõ rằng, nếu cứ đặt pháo trên đồi cao, bắn cầu vồng cự ly trên 2.000m thì không thể nào trúng tàu địch được. Nhân việc khẩu pháo 25 ly do khẩu đội trưởng Phạm Phúc và đồng đội đặt ở trận địa dưới thấp đã bắn trúng tàu giặc, nhưng sức đạn 25ly lại không đủ mạnh để phá vỡ vỏ tàu, Nguyễn Siêu Hải đã đề xuất với Ban chỉ huy tiểu đoàn cho sơn pháo xuống thấp, bắn thẳng ở cự ly gần mới chắc thắng. Trong cuộc họp cán bộ chỉ huy tiểu đoàn ngay sau trận đánh ngày 18.10, một lần nữa Nguyễn Siêu Hải lại đề đạt ý kiến này.

Ngay lập tức, có tiếng hỏi lại: Giáp lá cà hay sao? Trung đội trưởng Siêu Hải quả quyết: Đúng là giáp lá cà, nhưng phải làm như thế mới bắn trúng được tàu giặc. Một vài cán bộ bộ binh còn ngần ngại: Nó xông lên cướp pháo thì làm thế nào? (Vì với ta lúc này, khẩu sơn pháo của trung đội Siêu Hải là con cưng, nên việc bảo toàn vũ khí  trong và sau chiến đấu là một việc rất quan trọng). Siêu Hải đáp luôn: Mình bắn trúng, phủ đầu trước, liệu nó còn đủ tinh thần mà xông lên? Mà có xông lên thì bộ binh ta sẽ giải quyết chúng, không sợ gì cả! Trao đổi, thảo luận sôi nổi, và rồi, mọi người đều đi đến quyết định: Đưa sơn pháo xuống thấp, quyết tâm bắn cháy tàu giặc.

 

img

Các chiến sĩ pháo binh Trung đoàn Sông Lô trong Chiến dich Thu Đông 1947.

Trưa ngày 19.10, trung đội sơn pháo khiêng pháo ra bờ sông. Trận địa lần này được Siêu Hải và đồng đội bố trí đặt ngay mép bờ sông của làng Khoan Bộ (nay thuộc xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc). Pháo vừa khiêng ra, chưa kịp đào công sự, thì các anh bỗng nghe có tiếng "hò la xí xô" của giặc. Ngẩng đầu nhìn ra, đã thấy ngay trước mắt, lù lù hai tàu chiến Pháp LCT và một ca nô chiến đấu LCVP sau khi đã lên Tuyên hôm trước đang bồng bềnh trôi xuôi, chúng trở về để bốc thêm vũ khí đạn dược chuyển lên Tuyên. Bọn lính Pháp còn nghênh ngang đi lại trên bong, hút thuốc lá phì phèo, như dòng sông này là của chúng vậy. Anh em nhìn chúng mà thấy sôi cả tiết.

Song phải kiềm chế và tranh thủ địch mất cảnh giác, Siêu Hải  đã ước lượng kích thước tàu địch, cự ly bắn và tìm được điểm chuẩn là cây gạo ở cuối làng An Lão bờ bên kia, lòng thầm quyết định, chờ cho tới khi tàu giặc lên chấm vào điểm chuẩn đó, pháo ta sẽ bắn. Cũng phải nói thêm là: trong ba trận vào các ngày 11, 14, 18 trước đó, mỗi khi tàu chiến địch di chuyển trên sông, bao giờ cũng có bốn đến năm máy bay vừa khu trục vừa trinh sát hộ tống, bắn phá dọn đường. Gặp những điểm ở hai bên bờ mà chúng nghi có quân ta mai phục, cả máy bay lẫn tàu chiến giặc đều hùng hổ nã đạn súng cối, đại liên. Biết trước trận đánh giáp lá cà này sẽ rất ác liệt, nên cả trung đội khẩn trương bố trí trận địa để chủ động chiến đấu trong mọi tình huống.

Ngày lịch sử 23.10 đã đến. Com – muy- nan cho 2 tàu LCM trọng tài 500 tấn chở quân và hàng lên tiếp viện. Các chiến sĩ ta phục sẵn

Thời gian nặng nề trôi! Quá trưa ngày 23.10.1947, (lúc này bộ đội ta rất nghèo, không có đồng hồ để biết chính xác thời gian, Siêu Hải cũng vậy. Ông nhớ khi đó, bóng nắng đã qua đỉnh đầu), sự yên tĩnh của dòng Lô lại bị phá vỡ bởi tiếng máy tầu giặc chở nặng vũ khí ngược dòng lên Tuyên. Đó là 2 tàu chiến LCT, đây là đoàn tàu thứ 4 của địch ngược sông Lô. Với tinh thần quyết chiến đến cùng bắn cháy tàu giặc, nên cả pháo binh và bộ binh của ta bố trí mai phục ven sông đều rất bình tĩnh, chủ động chờ tàu địch vào đúng tầm ngắm mới nổ súng. Tuy nhiên, phát đạn đầu không trúng, bởi pháo ta đặt trên rệ sông, đất pha cát, khi pháo bắn, sức giật lớn đã khiến đất lún làm đạn đi chệch mục tiêu.

Sự cố này nhanh chóng được khắc phục. Và rồi ngay sau đó, khẩu sơn pháo đã gầm lên dữ dội, phụt thẳng từng luồng đạn vào tàu giặc. LTC thứ nhất, rồi LTC thứ hai trúng đạn, ngay lập tức bốc cháy ngùn ngụt, loạng choạng chạy thêm quãng ngắn rồi đâm mũi lên bãi cát giữa sông. Mỗi trái pháo nổ, vỏ tàu địch lại bị phá thủng một lỗ lớn. Dòng Lô cuộn sóng, ngầu lửa đạn. Lính địch hoảng loạn, la hét kêu gào ầm ĩ, cuống cuồng khênh hòm xiểng vứt xuống sông và nhảy xuống nước cố bơi sang bờ An Lão. Bộ binh của ta cũng nổ súng, kết hợp chính xác tiêu diệt địch. Trên đầu bộ đội ta khi ấy, 3 máy bay khu trục của địch lồng lộn xả đạn vào khu vực có trận địa của ta. Lúc này, đạn pháo của ta chỉ còn 5 viên. Một nửa trung đội nhận nhiệm vụ về lấy đạn từ xã Lãng Công, cách đó khoảng 5km.

Trong khi chờ tiếp đạn, pháo ta bắn cầm chừng, khống chế giặc. Chúng bỏ lại hai xác tàu, cố sống cố chết mang theo được một khẩu 12 ly 7 vào bờ bên An Lão, và tìm cách bắn trả. Chúng điều thêm 3 máy bay khác từ Gia Lâm lên thay thế tốp trước. Máy bay địch dường như đã phát hiện ra trận địa sơn pháo của ta, chúng lượn sát trên đầu trận địa, bắn như vãi đạn vào trung đội sơn pháo. Nhưng với công sự được chuẩn bị chắc chắn, các chiến sĩ đều an toàn. Khẩu sơn pháo chỉ bị gẫy một nan hoa bánh pháo và lõm một vết ở càng. Khi có đạn tiếp tế, Siêu Hải lại chỉ huy đồng đội tiếp tục chiến đấu, khẩu 12ly 7 của địch sau đó đã bị trúng đạn, câm họng.

Xem tiếp: Ba lần thiêu tàu giặc: Khúc vĩ thanh “Trường ca Sông Lô”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem