Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: IT
Hôm nay (20.9), Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM sẽ xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ tranh chấp giữa các thành viên trong Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, sau 3 năm bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên.
Do đây là phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm nên bản án sẽ có hiệu lực pháp luật ngay khi được tòa tuyên.
Trước đó, ngày 22.9.2017, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp nói trên giữa bà Thảo và ông Vũ.
Vụ việc bắt đầu vào khoảng giữa tháng 4.2015, chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Thảo đã bị bãi nhiệm do ông Vũ ký ban hành với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty. Tuy nhiên, quyết định này đã bị tòa sơ thẩm hủy bỏ, do theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ của công ty thì Chủ tịch HĐQT không có quyền miễn nhiệm người quản lý quan trọng của công ty.
Theo phán quyết tại phiên tòa xử sơ thẩm, một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên) đã được chấp nhận. Cụ thể, tại phiên xử sơ thẩm, tòa yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo điều hành và quản lý tại tập đoàn này.
Về phần bà Lê Hoàng Diệp Thảo, đột ngột bị bãi nhiệm ngay tại chính doanh nghiệp mà bà đang là đồng sở hữu, đồng sáng lập và bị ngăn cản không cho đặt chân vào tập đoàn, bà đã nhiều lần lên tiếng, cầu cứu các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan báo chí truyền thông để bày tỏ nguyện vọng muốn được quay về Trung Nguyên tham gia điều hành, quản lý kiểm soát lại tình hình đang rối ren về tài chính, kinh doanh.
Bà Thảo khẳng định có một nhóm đang thao túng đang làm lũng đoạn và rút ruột Tập đoàn Trung Nguyên.
Về phiên tòa hôm nay, bà Thảo mong muốn thông qua hệ thống luật pháp, bà sẽ được bảo vệ quyền lợi hợp pháp và bà không bị cản trở, gây khó dễ khi quay về điều hành Tập đoàn Trung Nguyên - sự nghiệp mà bà gầy dựng cùng chồng trong suốt 20 năm. Bởi, theo bà Diệp Thảo: "Với kết quả kinh doanh xuất sắc, tôi xứng đáng được Trung Nguyên tiếp đón và kính trọng chứ không phải để cầm trên tay tờ quyết định bãi nhiệm sai phép đầy mờ ám mà tôi đã từng cầm vào năm 2015".
Để rộng đường dư luận đang quan tâm đến các thông tin tranh chấp giữa vợ chồng “vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ và thông tin rõ hơn về khả năng bà Lê Hoàng Diệp Thảo có được khôi phục lại chức danh tại công ty hay không, chúng tôi đã trao đổi với luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM - Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp).
Luật sư Sơn có nhận định về mặt pháp lý, việc hủy bỏ quyết định bãi nhiệm bà Thảo là gần như chắc chắn.
Ông Sơn phân tích: “Theo tôi, để xác định quyết định bãi nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc đối với bà Lê Hoàng Diệp Thảo là đúng hay sai thì rất dễ. Chúng ta chỉ cần căn cứ vào Luật Doanh nghiệp, Điều lệ tại thời điểm ban hành quyết định bãi nhiệm đó là có thể trả lời được ngay”.
Cụ thể, về nguyên tắc, một quyết định bãi nhiệm chỉ có giá trị nếu thỏa mãn các điều kiện sau: (i) nó được người có thẩm quyền ban hành; và (ii) việc ban hành đó theo đúng trình tự thủ tục mà pháp luật, điều lệ quy định. Nếu quyết định bãi nhiệm không thỏa mãn hai điều kiện này thì đương nhiên nó không có giá trị pháp lý.
Theo tài liệu mà quý báo cung cấp thì người ký quyết định bãi nhiệm bà Thảo là nhân danh Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên chứ không phải là HĐQT hay Tổng Giám đốc. Quyết định bãi nhiệm này không đề ngày ban hành. Tuy nhiên, nội dung quyết định thể hiện bãi nhiệm bà Thảo kể từ ngày 14.4.2015 nên có thể khẳng định thời điểm ra quyết định bãi nhiệm không thể sau ngày 14.4.2015. Hay nói khác hơn, Luật Doanh nghiệp 2005 sẽ được áp dụng để xem xét tính hợp pháp của quyết định này vì Luật Doanh nghiệp năm 2014 đến ngày 1.7.2015 mới có hiệu lực pháp luật.
Theo điểm h khoản 2 Điều 108 Luật Doanh nghiệp 2005 thì HĐQT có quyền: “Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định”.
Trong khi đó, Điều 23.2 Điều lệ Công ty cổ phần Trung Nguyên ngày 29.2.2006 thì chỉ quy định HĐQT có quyền “bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức giám đốc (tổng giám đốc) và cán bộ quản lý quan trọng khác của công ty” mà không liệt kê các vị trí quản lý quan trọng nào sẽ do HĐQT bổ nhiệm nên dẫn đến tranh cãi.
"Một bên cho rằng phó tổng giám đốc là cán bộ quản lý quan trọng còn một bên cho rằng không quan trọng. Một khi không có quy định rõ thì tòa sẽ căn cứ vào thông lệ chung của các công ty cổ phần để xác định xem thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm chức phó tổng giám đốc có thuộc HĐQT hay không. Mà theo kinh nghiệm tư vấn nhiều năm của tôi thì chức phó giám đốc hay phó tổng giám đốc đều được các công ty cổ phần xem là cán bộ quản lý quan trọng và do HĐQT bổ nhiệm", luật sư Sơn nói.
Theo ông Sơn, do quyết định bãi nhiệm bà Thảo được ký nhân danh Chủ tịch HĐQT nên thay vì tranh cãi phó tổng giám đốc có phải là cán bộ quản lý quan trọng hay không, chúng ta có thể tiếp cận một cách khác để giải quyết vụ án. Cụ thể là cần xem xét Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên có cho phép Chủ tịch HĐQT bãi nhiệm các chức vụ quản lý trong công ty hay không.
Theo khoản 2 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều 23.3 của Điều lệ Công ty cổ phần Trung Nguyên ngày 29.2.2006 thì Chủ tịch HĐQT không có quyền bãi nhiệm bất cứ chức vụ của bất kỳ người nào trong công ty, kể cả là lao công hay bảo vệ công ty. Chủ tịch HĐQT chỉ có quyền lập chương trình, kế hoạch hoạt động của HĐQT; chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp HĐQT; theo dõi quá trình tổ chức thực hiện của HĐQT... Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh quản lý trong công ty (trừ các chức danh do HĐQT bổ nhiệm, miễn nhiệm) thuộc thẩm quyền của Tổng Giám đốc công ty (Điều 23.4 Điều lệ Công ty cổ phần Trung Nguyên).
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện tại TAND TP.HCM ngày 14.9.
Việc ông Vũ chỉ với tư cách là Chủ tịch HĐQT ban hành quyết định bãi nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc của bà Thảo là trái quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều lệ năm 2006 của Trung Nguyên. Do đó, bất kể thẩm quyền bãi nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc của bà Thảo có thuộc thẩm quyền của HĐQT hay không thì quyết định bãi nhiệm do ông Vũ ký với tư cách là Chủ tịch HĐQT cũng không có giá trị pháp lý.
Luật sư Sơn cũng tiên liệu thêm về tình hình: “Cho dù tòa có tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm của ông Vũ đi chăng nữa thì khó khăn của bà Thảo đang còn ở phía trước. Bởi phía ông Vũ có thể sử dụng lợi thế của cổ đông lớn nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, thông qua Đại hội cổ đông, HĐQT của những công ty này để tiếp tục loại bỏ vai trò quản lý của bà Thảo tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.