Việc khai thác cảng biển có thể tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, phát triển cảng biển theo hướng thân thiện với môi trường là mục tiêu mà các doanh nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang hướng tới.
Ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải - Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay có 34 cảng biển với gần 300 bến cảng, sản lượng hàng hóa năm 2022 đạt 730 triệu tấn, trong đó có 25 triệu TEU. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển không ngừng gia tăng trong những năm qua đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng miền trong cả nước và hàng trung chuyển quá cảnh cho các nước trong khu vực và quốc tế.
Ngành vận tải biển đang chiếm khoảng 3% tổng phát thải carbon toàn cầu, thải hơn 940 triệu tấn CO2 mỗi năm, đặc biệt chiếm 15% tổng lượng phát thải sulfur và 11% lượng phát thải hạt nhựa.
Ông Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á
Hệ thống cảng biển ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, chuyển đổi xanh. Trong đó, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là hai cảng biển loại đặc biệt của Việt Nam. Đặc biệt, nơi đây có cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có thể tiếp nhận được tàu container lớn nhất thế giới tải trọng lên tới hơn 200.000 DWT và là một trong 20 cảng trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng và hiện nằm trong nhóm 12 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới, kết nối đến các nước Đông Nam Á, Mỹ, châu Âu...
Thời gian qua, hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu đã theo xu thế phát triển mới trong quản lý khai thác cảng về chuyển đổi nhiên liệu sạch, đơn giản hóa và điện tử hóa các thủ tục, xây dựng cảng xanh và thông minh hơn, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu khai thác cảng trong bối cảnh mới. Với mục tiêu này, hàng hóa trong khu vực dần được vận chuyển thuận tiện hơn, hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường hơn với chi phí thấp.
"Xanh hoá" để phát triển bền vững
Năm 2021, cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã được Hội đồng mạng lưới dịch vụ Cảng APEC (APSN) trao giải thưởng Cảng Xanh 2020 và trở thành cảng thứ 2 của Việt Nam sau Tân Cảng - Cát Lái nhận được danh hiệu này (năm 2017). Chương trình Hệ thống Cảng xanh là hệ thống đánh giá các tiêu chí về cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch… cho các cảng do Mạng lưới dịch vụ cảng APEC (APSN) phát triển và được thiết kế để phù hợp với tất cả các cảng trong khu vực APEC.
Để đạt được thành tích đó, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, TCIT đã đầu tư hệ thống trang thiết bị được hoạt động hoàn toàn bằng điện như: cẩu bờ, cẩu bãi, giúp giảm thiểu lượng khí thải CO2 thay vì thiết bị hoạt động bằng dầu diesel. Thêm vào đó, TCIT luôn không ngừng đổi mới trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tự nhiên nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và bảo vệ môi trường; thay thế, sử dụng bóng đèn LED trên toàn bộ hệ thống cẩu bờ, cẩu bãi; phát triển hệ thống lọc sóng hài để bảo đảm hệ thống điện lưới ổn định, tận dụng nguồn điện dư thừa từ cẩu bờ để làm năng lượng sử dụng cho văn phòng, bãi container và hệ thống điện bãi…
Tuy "sinh sau đẻ muộn", nhưng với mục tiêu xây dựng cảng xanh hiện đại, Gemalink đã đầu tư những trang thiết bị hiện đại gồm 8 cẩu STS, 18 cẩu RTG, giàn cẩu phục vụ tàu Feeder, xe nâng và các trang thiết bị làm hàng tối tân khác. Thế hệ cẩu E-RTG của Gemalink sử dụng 100% điện lưới (full electric), được vận hành bán tự động, tích hợp công nghệ kiểm soát tải linh hoạt và cabin điều khiển thông minh cùng hệ thống DGPS kết hợp đồng bộ với phần mềm quản lý cảng CATOS hiện đại. Nhờ đó, Gemalink là một trong những điểm đến thu hút các hãng tàu bởi các tiêu chí phát triển xanh, giảm tối đa ảnh hưởng đến môi trường trong hoạt động.
Chia sẻ về các biện pháp hiệu quả, đã và đang triển khai để phát triển nguồn nhân lực cho mô hình cảng xanh và thông minh NSP, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Giám đốc nhân sự Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) cho biết, SNP là doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực khai thác cảng, logistics. Doanh nghiệp đang ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và định hướng phát triển hệ sinh thái số SNP; đẩy mạnh xây dựng cảng xanh, dịch vụ thông minh, năng động, hiện đại; quan tâm tuyển dụng, đào tạo, giữ chân, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng chiến lược phát triển bền vững.
Đối với việc phát triển cảng xanh, SNP vinh dự được chọn làm đơn vị điểm đầu tiên ở Việt Nam xây dựng mô hình xanh của tổ chức hàng hải thế giới. Nhằm góp phần giảm phát thải khí CO2. Trong nước, SNP đã thành lập ban chỉ đạo cảng xanh để thực hiện chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong khai thác, vận hành cảng và ứng dụng công nghệ thông tin để bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng xanh. Bên cạnh đó, SNP đang phát triển mạnh mảng vận tải xanh, như tăng cường vận tải đường thủy nội địa từ các cảng nước sâu tại khu trọng điểm về các cảng địa phương. Đây là phương thức vận tải phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Tham luận về ứng dụng mô hình Lean vào khai thác cảng biển, ông Ngô Huấn Thông - Trưởng phòng Cải tiến liên tục Cảng Quốc Tế Cái Mép (CMIT) cho biết, từ năm 2017, CMIT đã ứng dụng mô hình Lean với hơn 300 nhân viên đã được đào tạo liên tục qua các năm và đã thực hiên hơn 300 cải tiến với 60 cải tiến mang lại hiệu quả an toàn đáng kể, nâng cao năng suất khai thác vượt trội và tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí.
"Đơn cử như vừa qua, CMIT đạt mốc 1.000 ngày làm việc không có tai nạn mất ngày công lao động, năng suất bến đạt kỉ lục 233 container/giờ chỉ với 6 cẩu bờ đưa vào khai thác. Với kết quả này, CMIT đã tạo ra một kỉ lục khai thác ấn tượng, tiếp tục nâng tầm vị thế của khu cảng nước sâu Cái Mép và ngành cảng biển Việt Nam trên bản đồ cảng biển thế giới", ông Ngô Huấn Thông cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, phát triển cảng bền vững đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, một xu thế tất yếu của không chỉ của các doanh nghiệp khai thác cảng mà còn của của chính phủ các quốc gia, các tổ chức hiệp hội quốc tế. Trong tương lai, các cảng trong khu vực Đông Nam Á sẽ ngày càng bị siết chặt hơn về các quy định cắt giảm khí thải, giảm thiểu mức độ ô nhiễm không chỉ từ các khách hàng, hãng tàu mà còn từ các cảng đích tại nhiều khu vực trên thế giới.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam sẽ tập trung cho các mục tiêu phát triển bền vững hệ sinh thái số, xây dựng cảng thông minh cùng các giải pháp logistics xanh như: Vận tải xanh, kho xanh, cảng xanh, thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường với cộng đồng, phát triển kinh doanh bền vững theo đúng định hướng và xu hướng phát triển các cảng biển thành viên trong khu vực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.