Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Các nền kinh tế đang bỏ lỡ nhiều tài năng lớn là nữ giới

Hoàng Nhật Thứ sáu, ngày 13/07/2018 15:48 PM (GMT+7)
“Mặc dù tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp đại học ngang bằng với nam giới tuy nhiên sau tham gia vào các công việc có tính chất chuyên môn thì tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm các vị trí cao lại không nhiều như nam giới. Từ đó, các nền kinh tế đang bỏ lỡ rất nhiều tài năng lớn là nữ giới”, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết.
Bình luận 0

img

Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng" (Ảnh: Quang Phúc)

Bình đẳng giới thúc đẩy xã hội tăng trưởng toàn diện hơn

Sáng 13.7, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Đại sứ quán Australia và Dự án Investing in Women đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng".

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Phó tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định, bình đẳng giới là cơ sở, là nền tảng và là điều kiện tiên quyết, quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

"Bất bình đẳng giới đã được xác định có mối liên quan đến những yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, quan điểm và nhận thức của các chủ thể, do đó, can thiệp và cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới không phải là điều dễ dàng, mà nó đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp", ông Bình cho biết.

Cũng theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, khu vực doanh nghiệp được xác định là trung tâm của các mục tiêu phát triển, là lực lượng nòng cốt và xung kích của nền kinh tế, theo đó, không ở đâu và không ai khác, chính doanh nghiệp là một phần giải pháp để thực thi và thúc đẩy các giá trị bình đẳng nói chung và bình đẳng giới ở nơi làm việc nói riêng.

"Một nền kinh tế tăng trưởng bền vững và bao trùm không thể nào khác hơn là tăng trưởng vì bình đẳng giới, và ngược lại, bình đẳng giới sẽ thúc đẩy xã hội tăng trưởng toàn diện hơn", ông Bình nói.

Các nền kinh tế đang bỏ lỡ rất nhiều tài năng lớn là nữ giới

Trong phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề "Tạo dựng và đảm bảo các giá trị bình đẳng ở nơi làm việc: Kinh nghiệm quốc tế và góc nhìn chính sách tại Việt Nam", các chuyên gia, đại biểu đều nhấn mạnh bình đẳng giới quyết định hiệu quả, chất lượng và tính bền vững của phát triển.

Tuy nhiên, một khảo sát nhỏ được thực hiện ngay tại hội thảo cho thấy, có 33% người tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, cơ hội thăng tiến chính là khía cạnh đang thể hiện sự bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Ngoài ra, có đến 33% số người nhận định, chênh lệch về tuổi nghỉ hưu chính là bất bình đẳng giới.

img

TS. Võ Trí Thành: "Để người phụ nữ thực sự được bình đẳng là rất khó”

TS Võ Trí Thành bày tỏ sự bất ngờ với kết quả này. Ông Thành bình luận: “Đối với tuổi nghỉ hưu, chính sách nghỉ hưu là vấn đề mà bao lâu nay Việt Nam vẫn chưa giải quyết được. Còn với cơ hội thăng tiến, dù rất nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí quan trọng trên thế giới, kể cả làm thủ tướng, tuy nhiên, một người bạn của tôi đã cho rằng, điều này là không thực chất, chỉ là hình ảnh làm màu, còn để người phụ nữ thực sự được bình đẳng là rất khó”.

img

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: "Các nền kinh tế đang bỏ lỡ rất nhiều tài năng lớn là nữ giới"

Trong khi đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu nhận định, chênh lệch tuổi nghỉ hưu chính là nguyên cớ để ngăn chặn cơ hội bình đẳng của người phụ nữ.

"Để phấn đấu lên chức vụ Vụ trưởng thì theo quy hoạch là 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với phụ nữ. Người phụ nữ mất 5 năm để sinh đẻ mà còn bị trừ mất 5 năm phấn đấu, vậy để làm được điều này thì người phụ nữ Việt Nam quả là phi phàm. Tại sao các chị em có khả năng, có tiềm năng làm lãnh đạo lại bắt họ phải nghỉ sớm? Đây chính là cản trở cơ hội thăng tiến của họ", bà Ninh nói.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, dù tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp đại học ngang bằng với nam giới tuy nhiên sau tham gia vào các công việc có tính chất chuyên môn thì tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm các vị trí cao lại không nhiều như nam giới. Từ đó, các nền kinh tế đang bỏ lỡ rất nhiều tài năng lớn là nữ giới.

Quy định về hưu bất bình đẳng với nữ giới

Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, người phụ nữ đầu tiên là bắt nghỉ hưu sớm, thứ hai là 2 năm sinh con thì không đủ năm lên lương. Từ đó, khi nam giới về hưu được hưởng bậc 7/7, còn phụ nữ về hưu thì chỉ được 5/7.

"Quy định về hưu như thế là bất bình đẳng, nhưng không chỉ thiệt cho phụ nữ mà còn thiệt cho tất cả của chúng ta. Mặc dù Luật pháp, chính sách luôn đảm bảo cho quyền lợi của người phụ nữ nhưng đi vào cuộc sống còn quá chậm", bà Hằng nói.

Một chủ đề thiết thực khác cũng được các chuyên gia "mổ xẻ" trong phiên thảo luận đầu tiên là tác động từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến bình đẳng giới..

Bà Lệ Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cuộc Cách mạng 4.0 tạo ra thời cơ thuận lợi nhưng lại là thách thức lớn cho bình đẳng giới.

"Khoa học kỹ thuật tiếp cận mọi mặt, nhưng tác động đến giới rất lớn, đặc biệt là lao động sản xuất ở doanh nghiệp, cơ hội việc làm cho nữ giới. Nếu không được trang bị đầy đủ về kỹ năng, kiến thức thì phụ nữ dễ bị phân biệt đối xử. Về mặt trách nhiệm, các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, ban hành các chính sách pháp luật để đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0", bà Nguyệt nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem