Bắc Giang: Trồng cây vỏ đầy tinh dầu, ruột cho múi thơm ngọt, nông dân thu hơn 2.000 tỷ đồng/năm

Dương Thơm (TTKN Bắc Giang) Thứ năm, ngày 26/11/2020 18:43 PM (GMT+7)
Nhiều người dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã đổi đời nhờ trồng các loại cây có múi, vỏ chứa đầy tinh dầu như cam, bưởi. Mỗi năm, riêng cây có múi đã mang về giá trị hàng nghìn tỷ đồng cho người dân ở huyện này.
Bình luận 0

Ông Trương Văn Năm - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết, huyện xác định cây vải thiều là cây xóa đói giảm nghèo, còn cây cam và bưởi là cây làm giàu. Nhiều nông dân huyện này trở thành tỷ phú, doanh thu từ 3 – 4 tỷ đồng/năm từ cây cam, bưởi. 

Mỗi năm, chỉ riêng cây cam, bưởi đã mang về tổng giá trị từ 1,7 – 2,2 nghìn tỷ đồng cho người dân trong huyện. Hiện, huyện Lục Ngạn chủ trương không mở rộng thêm diện tích trồng cam, bưởi mà tập trung hướng vào sản xuất an toàn để nâng cao giá trị cho loại cây này.

Bắc Giang: Trồng cây vỏ đầy tinh dầu, ruột cho múi thơm ngọt, nông dân thu hơn 2.000 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Cam lòng vàng được trồng ở Bắc Giang

Cũng theo ông Năm, hiện nay, Lục Ngạn có gần 28.000 ha cây ăn quả các loại, trở thành một trong những vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Cây có múi có diện tích hơn 6.700 ha, sản lượng năm 2020 ước đạt khoảng 63.000 tấn. 

Nhiều năm qua, huyện Lục Ngạn tổ chức hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ cam bưởi cho bà con nông dân. Hội chợ năm nay có 180 gian hàng trưng bày, cung ứng các sản phẩm trái cây, sản phẩm đặc trưng của huyện và các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Giang, cùng các đơn vị, doanh nghiệp ở ngoài tỉnh, như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Hải Phòng... 

Bắc Giang: Trồng cây vỏ đầy tinh dầu, ruột cho múi thơm ngọt, nông dân thu hơn 2.000 tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Nhiều nông dân Lục Ngạn đã trở thành tỷ phú, doanh thu từ 3 – 4 tỷ đồng/năm từ cây cam, bưởi.

Bên cạnh đó, huyện Lục Ngạn cũng phối hợp với Công ty cổ phần Logistics để khai trương sàn giao dịch điện tử nhằm đưa sản phẩm cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn lên sàn giao dịch này; xây dựng, triển khai kế hoạch “Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi” huyện Lục Ngạn và chọn ra 25 nhà vườn làm điểm tham quan cho du khách.

Ông Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông tin, trong chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. 

Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, với những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước: Vùng chuyên canh vải thiều trên 28.000 ha; Vùng trồng cây có múi trên 8.000 ha và hàng trăm sản phẩm OCOP. 

Để nâng cao hiệu quả kinh tế các loại cây trồng này, Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất mới, nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng thương hiệu, đổi mới đóng gói, tem nhãn, nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con nông dân. 

Đồng thời, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng việc tìm kiếm, phát triển, mở rộng thị trường, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại để xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. 

“Huyện Lục Ngạn đã được tỉnh định hướng quy hoạch phát triển trở thành vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn nhất miền Bắc”, ông Lê Ô Pích nhấn mạnh.

 

 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem