“Bác Hồ luôn coi nông dân là chỗ dựa quan trọng”

Thứ năm, ngày 19/05/2011 06:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là nói đến một chiến sĩ, lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc và chống chủ nghĩa thực dân mà bản chất là giải phóng người nông dân.
Bình luận 0

 Ông Dương Trung Quốc đã chia sẻ với NTNN vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác.

Vấn đề này có thể được hiểu như thế nào, thưa ông?

- VN là nước nông nghiệp, bị chủ nghĩa thực dân đô hộ. Đối tượng bị bóc lột nhiều nhất là người nông dân. Họ bị bần cùng hoá, mất ruộng đất, phải đi phu, “nộp thuế máu” - đi lính ở Đông Dương, ở châu Âu… Điều này không chỉ ở VN mà còn ở nhiều nước thuộc địa. Các nhà cách mạng hiểu rõ họ là lực lượng chính trị hùng hậu nhất, là quân chủ lực.

img
Bác Hồ về thăm nông dân ở Thái Nguyên.

Vì thế, người nông dân trở thành nhân vật trung tâm mà những nhà hoạt động chính trị, những người cộng sản vận động, tập hợp với mục tiêu chính trị cao nhất là giải phóng dân tộc, cũng là giải phóng người nông dân khỏi ách áp bức của chế độ phong kiến lạc hậu, chủ nghĩa thuộc địa và sự nghèo đói.

Chắc hẳn chúng ta có thể tìm được rất nhiều ví dụ cụ thể trong cuộc đời hoạt động của Người?

img
Ông Dương Trung Quốc

- Bác xuất thân trong gia đình nông dân, ở vùng quê nghèo, có truyền thống đấu tranh của nông dân. Có lẽ hoạt động đầu tiên khi còn rất trẻ, học Trường Quốc học Huế là tham gia cuộc đấu tranh của người dân Huế ủng hộ nông dân kháng thuế ở Trung Kỳ.

Sau này khi tìm đường cứu nước, Bác tham gia phong trào Cộng sản quốc tế, điều mà Người quan tâm nhất, đóng góp lớn nhất, vượt khỏi sự nghiệp giải phóng dân tộc chính là làm sao cho phong trào Cộng sản quốc tế quan tâm đến người nông dân, phong trào giải phóng thuộc địa.

Bác còn tham gia Đoàn Chủ tịch Hội Nông dân quốc tế, làm luận án về nông dân trong thời gian học lý luận ở Nga. Trở về nước, Bác nêu cao ngọn cờ đoàn kết toàn dân, và luôn coi nông dân là chỗ dựa quan trọng…

Sau khi đất nước độc lập rồi, nông dân vẫn luôn là mối quan tâm lớn của Người, xin ông cho biết nhận định của mình?

- Ngay sau khi cách mạng thành công, Bác đã soạn Điều lệ Hợp tác xã, có tham khảo những mô hình tiên tiến của thế giới. Thực hiện chủ trương người cày có ruộng, trong hoàn cảnh VN lúc ấy, Bác nhận thấy tầng lớp trên có những nhân tố tích cực, nên ban đầu Bác chủ trương giảm tô, giảm tức, hiến điền, tước đoạt đất đai của bọn thực dân, địa chủ phản động chia cho nông dân.

img Bác luôn quan tâm đến nông dân vì Bác hiểu người nông dân đóng góp nhiều nhất nhưng cũng dễ bị thiệt thòi nhất. Trong di chúc, Bác yêu cầu sau chiến tranh phải nuôi sức dân, phải miễn thuế cho dân. Đó là tư duy truyền thống của một nhà lãnh đạo phương Đông, một bậc minh quân. img

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Những năm chống Pháp trước 1950, chủ trương lấy đất cho dân cày là mục tiêu chính đáng của cách mạng, kháng chiến. Đó là 2 đường lối đúng đắn trước khi có những hạn chế, bất cập trong vận dụng. Chúng ta có thể nhớ đến một ví dụ rất quan trọng là khi còn ở chiến khu, trong lá thư gửi Đoàn Kiến trúc sư VN năm 1948, Bác đã căn dặn việc phải chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê.

Hoà bình, Bác phát động phong trào “Tết trồng cây” mong giúp dân có vật liệu xây lại nhà... Quan điểm, tư tưởng của Bác được thể hiện thành những vấn đề rất cụ thể, cho thấy Bác vẫn luôn gắn bó với mục tiêu giúp người nông dân thoát cảnh nghèo khổ để phát triển.

Hiện nay khi xây dựng, phát triển nông thôn, cần học tập những gì từ tư tưởng của Bác để vận dụng vào thực tế?

- Trước kia, nêu vấn đề xây dựng chế độ mới, Bác đã cho là còn khó hơn việc lật đổ chế độ cũ. Điều đó phải được quyết định bởi sự đoàn kết và ý thức sửa chữa khuyết điểm. Nay việc đoàn kết phải được đảm bảo bởi bình đẳng, công bằng.

Chúng ta thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá là đúng, nhưng phải làm cho người nông dân được tham gia và hưởng lợi. Tuy nhiên, có quá nhiều điều chưa giải quyết được như đô thị hoá nông thôn không bài bản, nông dân bị mất đất, thiết chế văn hoá nông thôn rạn nứt.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem