Bắc Kạn: Nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức quảng bá, đưa sản phẩm OCOP... "đi Tây"
Bắc Kạn: Nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức quảng bá, đưa sản phẩm OCOP... "đi Tây"
Minh Châu
Thứ năm, ngày 25/04/2024 16:32 PM (GMT+7)
Là một tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Kạn đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế nông thôn thông qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trái ngọt từ sản xuất chuỗi của sản phẩm OCOP Bắc Kạn
Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và truyền thống canh tác lâu đời của nhiều dân tộc đang sinh sống trên địa bàn, Bắc Kạn sở hữu hàng loạt sản phẩm OCOP đặc trưng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tại xã Côn Minh, huyện Na Rì, Hợp tác xã (HTX) sản xuất miến dong Tài Hoan đã tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hoan, giám đốc HTX, chia sẻ về việc đầu tư chiếc máy tráng miến tự động gần 1 tỷ đồng. Với công suất lên đến 1 tấn mỗi ngày, chiếc máy này đã giúp HTX tráng miến không còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Chị Hoan tiết lộ: "Ngày trước, chúng tôi chỉ sử dụng máy tráng miến bằng tay, khi trời mưa thì không thể nào tráng được vì phải phơi ra ngoài trời. Nhưng hiện nay, chúng tôi đã có dây chuyền sản xuất không phụ thuộc vào thời tiết, nếu trời mưa thì sẽ phơi vào nhà màng, năng lượng mặt trời hoặc sấy khô bằng lò sấy hơi nước, đảm bảo chất lượng đồng đều" .
Với sự cải tiến về phương thức sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã bao bì, sản phẩm miến dong của hợp tác xã Tài Hoan đã được đánh giá là sản phẩm OCOP 5 sao.
Cuối năm 2019, sản phẩm miến dong của hợp tác xã này đã được giới thiệu tới người tiêu dùng tại châu Âu. Hương vị thơm ngon đặc trưng của miến dong Bắc Kạn đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng tại thị trường Séc. UBND tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ HTX nâng cấp bao bì sản phẩm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá tới nhiều thị trường tiềm năng.
Những nỗ lực của tỉnh Bắc Kạn trong việc quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đã gặt hái những trái ngọt đầu tiên. Sự thành công này đã tạo động lực lớn cho các sản phẩm OCOP khác của Bắc Kạn. Cuối năm 2022, sản phẩm rượu men lá OCOP 3 sao cũng đã bước chân vào thị trường Nhật Bản, một thị trường nổi tiếng khắt khe.
Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Bắc Kạn đã tích cực thúc đẩy thương mại điện tử. Toàn bộ các sản phẩm OCOP đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Từ đó, nhiều người dân vùng cao có cơ hội được tiếp xúc với chuyển đổi số và marketing. Ban đầu họ còn bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự chịu khó học hỏi, các sản phẩm của HTx này đều đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn. Nhờ đó, mỗi lao động có thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Chị Lý Thị Quyên, một thành viên hợp tác xã tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, cho biết: "Trước khi ứng dụng công nghệ số, các sản phẩm của chúng tôi chỉ được tiêu thụ trong tỉnh hoặc một vài tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Hà Nội. Sau khi ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, các sản phẩm đã được lan tỏa trên cả nước và thậm chí xuất khẩu."
Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Điển hình là chuỗi sản phẩm nghệ. Trước đây, nghệ của Bắc Kạn không có chỗ bán, giá rẻ và thường bị bỏ hoang. Tuy nhiên, từ khi xây dựng được thương hiệu, giá trị của nghệ đã được nâng lên đáng kể. Để quản lý tốt vùng nguyên liệu, ngành nông nghiệp Bắc Kạn đã phối hợp với doanh nghiệp hướng dẫn nông dân xây dựng các chuỗi giá trị, thành lập các nhóm hợp tác, tổ hợp tác và có cam kết ràng buộc. Đến nay, nhiều sản phẩm nghệ của Bắc Kạn đã được thị trường đánh giá cao và trở thành sản phẩm OCOP được ưa chuộng.
Xây dựng thương hiệu riêng để sản phẩm OCOP vươn xa
Chương trình OCOP đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho Bắc Kạn. Với cơ cấu kinh tế 60% là nông lâm nghiệp, tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển sản phẩm OCOP. Những sản phẩm nông sản đặc trưng như dong riềng, bí xanh thơm, trâu bò vỗ béo đã hình thành các chuỗi giá trị, tạo sức bật giúp các xã nông thôn mới cải thiện tiêu chí thu nhập.
Đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn, nhận định: "OCOP đóng góp quan trọng vào việc tăng thu nhập, thực hiện tiêu chí về thu nhập cho các xã nông thôn mới. Để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển bền vững, người dân cần thay đổi tư duy và tập quán canh tác từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa."
Bắc Kạn đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ vốn trực tiếp và gián tiếp phát triển các sản phẩm OCOP thông qua các hợp tác xã và tổ hợp tác. Nhờ các giải pháp quyết liệt, diện mạo đời sống của người dân Bắc Kạn đang ngày một thay đổi. Bà con các xã vùng cao đã có thể "sống khỏe" dựa vào chính những đặc sản của quê hương mình.
Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 218 sản phẩm OCOP từ ba sao đến năm sao. Trong đó, có 1 sản phẩm năm sao đã được xuất khẩu thường xuyên đi Cộng hòa Séc là miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì); 18 sản phẩm OCOP bốn sao; 199 sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường và trở thành hàng hóa được đông đảo người tiêu dùng ưa thích.
Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn có 48 sản phẩm mới được công nhận 3 sao trở lên, vượt 240% kế hoạch đề ra; 76 sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, 17 chủ thể tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm OCOP, 28 sản phẩm mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu...
Để đạt được kết quả này, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời mỗi năm ban hành một Kế hoạch cụ thể. Đóng góp trong đó, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp như sử dụng những nguồn vốn phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị, nâng cao năng suất lao động và sản xuất được các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường tiêu thụ sản phẩm theo hai phương thức. Thứ nhất, theo phương thức truyền thống là đăng ký tham gia đưa các doanh nghiệp, hợp tác xã mang sản phẩm đi giới thiệu tại các tỉnh bạn và các thành phố lớn. Thứ hai, theo kênh thương mại điện tử. Báo cáo của các doanh nghiệp, hợp tác xã cho thấy, sản phẩm tiêu thụ trực tiếp giờ đã không còn đóng góp nhiều trong kết quả sản xuất kinh doanh, chủ yếu là sản phẩm bán qua thương mại điện tử. Các đơn hàng online đã đi đến mọi miền Tổ quốc, thậm chí đến tận các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, trong quá trình triển khai phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn cũng còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: Đội ngũ cán bộ triển khai, thực hiện Đề án các cấp đã có kinh nghiệm triển khai chương trình nhưng hoạt động kiêm nhiệm nên chưa quan tâm dành nhiều thời gian cho đề xuất phát triển các sản phẩm OCOP tại địa phương; một số chủ thể trình độ, năng lực còn hạn chế dẫn đến điều hành hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn; Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá sản phẩm OCOP tại Quyết định 148/QĐ- TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, một số tiêu chí chấm điểm chưa có hướng dẫn cụ thể gây khó khăn trong công tác hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia chương trình; Hoạt động triển khai đề án áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 100/QĐ- TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều vướng mắc...
Những thành tựu đạt được, những tồn tại hạn chế cần được khắc phục, cải thiện và nâng cao không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của Bắc Kạn. Chương trình OCOP đã và đang là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn của tỉnh, mở ra nhiều cơ hội mới cho các sản phẩm địa phương vươn ra thị trường quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.