Bạc Liêu: Ghép mãng cầu xiêm lên gốc cây dại, tưởng "làm đại cho xong" ngờ đâu lại kiếm bộn tiền

Tùng Lâm (Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu) Thứ sáu, ngày 26/03/2021 06:15 AM (GMT+7)
Đó là mô hình trồng mãng cầu xiêm của ông nông dân Lâm Quý Nghiên, ấp Ninh Phú, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ông Nghiên ghép mãng cầu xiêm lên 300 gốc bình bát, biến vườn tạp thành vườn trăm triệu.
Bình luận 0

Vườn mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát của gia đình ông Lâm Quý Nghiên, ấp Ninh Phú, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đang cho thu nhập khá cao 70-80 triệu đồng mỗi năm. Cây mãng cầu xiêm nào cũng ra trái quá trời.

Nhờ áp dụng tốt những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và sản xuất các loại cây, con đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên hầu hết các mô hình chuyển đổi, cải tạo vườn tạp của nông dân huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) đều đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Tiên phong cải tạo vườn tạp

Là một trong những hộ đầu tiên ở xã Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) mạnh dạn phá bỏ vườn tạp để trồng mãng cầu xiêm với quy mô lớn, sau hơn 3 năm áp dụng ông Lâm Quý Nghiên (ở ấp Ninh Phú) khẳng định mình đã có hướng đi đúng với mô hình này.

Cải tạo vườn tạp, nông dân tăng thu nhập - Ảnh 1.

Mô hình cải tạo vườn tạp trồng mãng cầu ghép gốc bình bát của hộ ông Lâm Quý Nghiên, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tùng Lâm.


Ông Lâm Quý Nghiên cho biết: Với 300 gốc mãng cầu xiêm của gia đình, mấy năm nay cũng cung ứng ra thị trường gần 10.000 trái mãng cầu thơm ngọt, bán được giá và đem về khoản lời khá cao, từ 70 - 80 triệu đồng mỗi năm.

Sau khi tham quan tìm hiểu một số nông dân trồng thành công cây mãng cầu xiêm ở tỉnh Hậu Giang và nắm vững kỹ thuật, ông Nghiên trồng 300 gốc và tất cả đều được trồng bằng cách ghép gốc bình bát. 

"Với 300 gốc mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát, mấy năm nay gia đình cũng cung ứng ra thị trường gần 10.000 trái mãng cầu thơm ngọt, bán được giá và đem về khoản lời khá cao, từ 70 - 80 triệu đồng mỗi năm".

Ông Lâm Quý Nghiên

Ông Nghiên cho biết, gốc bình bát dễ bám rễ và thích nghi được ở nhiều môi trường, điều kiện thời tiết, đất, nước khác nhau nên trong quá trình trồng cây mãng cầu luôn phát triển tốt. Theo ông Nghiên, cây mãng cầu xiêm dễ trồng và ít xảy ra sâu bệnh nên không tốn nhiều công chăm sóc. 

Do đất giàu dinh dưỡng nên rất ít khi bón phân cho cây mà vẫn cho trái trĩu cành. Nhờ đó, chi phí đầu tư rất thấp. Bên cạnh, thị trường đầu ra của trái mãng cầu cũng ổn định và có giá tương đối nên liên tục nhiều năm liền cây mãng cầu đem về nguồn thu nhập khá.

Gần đây, qua tìm hiểu, ông Nghiên biết được trà mãng cầu xiêm uống tốt cho sức khỏe nên ông đã mạnh dạn sản xuất trà Mãng cầu để bán ra thị trường.

Mặc dù mới bắt tay sản xuất trà, nhưng với hương vị thơm, ngọt và những tác dụng mang lại nên trà mãng cầu xiêm của ông Nghiên được nhiều người mua dùng. 

Hiện tại, mỗi tháng, ông bán hơn 50 ký trà mãng cầu đóng gói. Vào mùa Tết Tân Sửu năm nay, gia đình đã bán hàng trăm kg, mà nhiều ngày cũng cháy hàng, cung cấp không đủ cho khách phương xa đến mua.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Quý Nghiên phấn khởi cho biết: Sau hơn 2 năm ấp ủ nguyện vọng và phấn đấu thực hiện tốt quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn OCOP; thì hiện nay sản phẩm trà Mãng cầu của gia đình ông Nghiên cũng đã được xã và huyện chọn là một trong những sản phẩm đặc trưng và đang hoàn thành hồ sơ để đề nghị xét chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Nâng thu nhập cho nông dân

Một trong những người thành công từ mô hình cải tạo vườn tạp ở xã Ninh Quới còn phải kể đến anh Nguyễn Văn Dù. 

Anh Dù cho biết: "Sau nhiều năm sản xuất lúa không mang lại hiệu quả do đất giáp ranh với vườn bị nhiễm phèn, đồng thời xét thấy diện tích đất ruộng của gia đình khiêm tốn không đảm bảo cho việc phát triển kinh tế gia đình nên trong 3 năm qua, tôi đã cải tạo ruộng thành vườn để trồng cây, nuôi cá".

Với diện tích khoảng 7 công đất, anh Dù trồng hơn 200 gốc dừa và 300 gốc cam sành. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", anh Dù còn tận dụng các khoảng đất trống để trồng xen canh một số loại rau màu theo nhu cầu của thị trường như: Dưa hấu, dưa leo, khổ hoa, bầu, mướp... Mặc dù mới chuyển sang trồng cây, nuôi cá khoảng 2 - 3 năm nay, nhưng đã mang về lợi nhuận cho gia đình anh trên 70 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, qua thời gian tích cực tuyên truyền, vận động, nhân dân trong huyện Hồng Dân nói chung và vùng ngọt ổn định của huyện, trong đó có xã Ninh Quới nói riêng đã tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi những mô hình sản xuất đạt hiệu quả thấp để áp dụng những mô hình kinh tế hiệu quả hơn. Từ đó đã cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Với tinh thần siêng năng, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, nông dân nhiều nơi trong huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất, thu nhập nhờ đó tăng lên rõ rệt. Điển hình là mô hình trồng cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát của hộ ông Lâm Quý Nghiên, xã Ninh Quới.

Cùng với sự cần cù, nhạy bén trong lao động, sản xuất của người nông dân đó là sự quan tâm của chính quyền địa phương trong định hướng phát triển sản xuất cũng như việc mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân.

Đặc biệt, chính quyền địa phương, ngành có liên quan cần có quy hoạch vùng sản xuất và định hướng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, tạo liên kết trong sản xuất và tìm đầu ra ổn định cho nông sản của nông dân.

Hiệu quả từ việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu góp phần nâng cao thu nhập của nông dân trong huyện thời gian qua.

Cải tạo vườn tạp cũng đã góp phần tích cực vào việc khai thác tiềm năng đất đai, đa dạng cây trồng, vật nuôi để tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích cho người nông dân. Nhất là về lâu dài, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) cần thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trên lĩnh vực cải tạo vườn tạp để tạo điều kiện cho phong trào phát triển rộng khắp hơn nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem