Tại Bạc Liêu, ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên được phát hiện tại hộ ông Phạm Văn Mười (ấp B1, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) với 7 con lợn nái mắc bệnh và chết. Đến ngày 1/6, ngành chức năng cho biết đàn lợn dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Cũng trong ngày 1/6, đàn lợn của hộ ông Tiền Văn Út (ấp B1, gần nhà ông Mười) gồm 94 con cũng mắc bệnh.
Clip Tiêu hủy đàn lợn tại trại lợn giống tỉnh Bạc Liêu.
Theo UBND huyện Vĩnh Lợi, toàn huyện có đàn lợn gần 28.000 con, tập trung nhiều ở xã Châu Thới và Châu Hưng A. Sau khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn, huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiêu hủy lợn bệnh theo quy định. Đồng thời, lập các chốt kiểm tra việc vận chuyển, mua bán lợn ra vào vùng dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tiêu hủy lợn bị nhiễm vi rút dịch tả lợn Châu Phi tại xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: CTV.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, tính đến ngày 4/6, toàn tỉnh đã phát hiện hàng loạt ổ dịch tại các xã Châu Thới, Châu Hưng A, Long Thạnh, thị trấn Châu Hưng và Vĩnh Hưng A của huyện Vĩnh Lợi. Tổng số lợn bị tiêu hủy là trên 300 con.
Đáng chú ý, tại trại lợn giống của tỉnh ở xã Long Thạnh, một trong những nơi mà có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quy trình ra vào trại rất nghiêm ngặt cũng bị dịch tấn công.
Theo đó, vào ngày 2/6 tại trại lợn giống của tỉnh có lợn bị bệnh, nghi là dịch tả lợn Châu Phi. Sau khi có kết quả dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn 198 con bị nhiễm bệnh.
Ngành chức năng tiêu hủy đàn lợn tại trại lợn giống tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: CTV.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, ngày 3/6, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh, các sở, ban ngành và các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu kiểm tra tình hình chống dịch tả lợn Châu Phi ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: CTV.
Ông Dương Thành Trung chỉ đạo: Khả năng lây lan của dịch tả lợn Châu Phi là rất lớn, do đó phải thực hiện công tác phòng chống dịch quyết liệt hơn nữa. Các địa phương chưa có dịch nên xem như đã có dịch để vận hành kịch bản phòng chống.
Ông Trung cũng nhấn mạnh, ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển lợn ra vào vùng dịch, kiểm soát người ra vào trang trại chăn nuôi; tăng cường kiểm soát các lò giết mổ gia súc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân vào cuộc trong công tác phòng chống dịch; hạn chế tăng đàn trong thời điểm này; không được bán lợn bệnh; Nhà nước sẽ hỗ trợ lợn bệnh bị tiêu hủy…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.