Bắc Ninh: Lập bổ sung khu vực bỏ phiếu riêng tại cơ sở cách ly tập trung để bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND

Khương Lực Thứ hai, ngày 17/05/2021 19:33 PM (GMT+7)
Ủy ban Bầu cử tỉnh Bắc Ninh vừa hướng dẫn việc thành lập bổ sung khu vực bỏ phiếu riêng tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 và kiện toàn bổ sung thành viên tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bình luận 0

Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Bắc Ninh, tại thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (diễn ra ngày 23/5/2021), cơ quan y tế tại khu vực bầu cử thấy nguy cơ dịch bệnh Covid-19 không cao thì Tổ bầu cử sẽ mang khẩu trang, găng tay để tác nghiệp. 

Nếu có nguy cơ cao thì Tổ bầu cử phải mang đồ phòng hộ phòng chống dịch Covid-19 đầy đủ (quần áo, khẩu trang, găng tay, kính mắt...).

Bắc Ninh: Lập bổ sung khu vực bỏ phiếu riêng tại cơ sở cách ly tập trung để bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND - Ảnh 1.

Các đại biểu kiểm tra niêm yết tiểu sử người ứng cử tại Ủy ban Nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Tính đến 6h ngày 17/5, dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 7/8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bắc Ninh với 255 ca dương tính với SARS-CoV-2 - cao thứ 2 cả nước. UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định giãn cách xã hội đối với 5/8 đơn vị cấp huyện theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, riêng huyện Thuận Thành giãn cách theo Chỉ thị 16.

UBND xã có thể quyết định duy trì hoặc giải thể khu vực bỏ phiếu

Ủy ban Bầu cử tỉnh Bắc Ninh đánh giá, việc thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội, cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa phương thời gian qua đã dẫn đến biến động khá lớn về danh sách cử tri của một số khu vực bỏ phiếu.

Số lượng cử tri trong danh sách cử tri ở một vài khu vực bỏ phiếu đã giảm khá nhiều so với thời điểm lập danh sách, thậm chí còn ít hơn cả số lượng cử tri tối thiểu để thành lập khu vực bỏ phiếu theo quy định.

Trong trường hợp này, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp xã có thể quyết định vẫn tiếp tục duy trì khu vực bỏ phiếu đó để tiến hành việc bỏ phiếu bình thường (dự phòng cả trường hợp cử tri quay trở lại khu vực bỏ phiếu trước ngày bầu cử).

UBND cấp xã cũng có thể quyết định giải thể khu vực bỏ phiếu và Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu đó để ghép danh sách cử tri ở khu vực đó vào khu vực bỏ phiếu khác liền kề, bảo đảm thuận tiện và phù hợp với năng lực của tổ chức phụ trách bầu cử trên địa bàn.

Quyết định giải thể khu vực bỏ phiếu phải được sự phê chuẩn của UBND cấp huyện. UBND cấp xã phải thông báo kịp thời, rộng rãi đến cử tri về việc thay đổi khu vực bỏ phiếu để cử tri biết và thực hiện việc bỏ phiếu.

Trường hợp cơ sở cách ly tập trung, địa bàn thực hiện phong tỏa có số lượng cử tri quá đông hoặc nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung hoặc địa bàn thực hiện phong tỏa xem xét, cân nhắc quyết định thành lập bổ sung khu vực bỏ phiếu riêng tại cơ sở cách ly tập trung hoặc địa bàn bị phong tỏa sau khi báo cáo và được sự phê chuẩn của UBND cấp huyện.

Trên cơ sở đó quyết định thành lập Tổ bầu cử để chủ động phụ trách công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu theo quy định.

Bổ sung, thay thế thành viên và tổ chức bầu cử trong vùng cách ly y tế

Trường hợp các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương có thành viên là người tiếp xúc gần với trường hợp xác định Covid-19 (F1, F2), dẫn đến phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà thì tùy tình hình, điều kiện thực tế và nhân sự cụ thể, các địa phương chủ động rà soát, bổ sung, thay thế thành viên tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử.

Tổ bầu cử, cán bộ Tổ bầu cử được phân công nhiệm vụ tổ chức để cử tri trong khu vực cách ly tập trung hoặc địa phương bị phong tỏa có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất đảm bảo cần thiết cho công tác tổ chức bầu cử tại cơ sở cách ly tập trung hoặc địa bàn bị phong tỏa theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Đối với những nơi không thể chuyển ngay hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì sau khi hết giờ bỏ phiếu, cán bộ Tổ bầu cử tại cơ sở cách ly tập trung được phép thực hiện việc kiểm phiếu theo quy định tại Điều 73, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và báo cáo kết quả kiểm phiếu cho Tổ trưởng Tổ bầu cử bằng cách thức phù hợp.

Cán bộ Tổ bầu cử chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin về kết quả kiểm phiếu. Sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết như: Khử khuẩn, tiệt trùng, cách ly... theo quy định, cán bộ Tổ bầu cử chuyển hòm phiếu phụ, phiếu bầu cử đã được niêm phong cùng biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử về Tổ bầu cử.

Đối với những khu vực bỏ phiếu có số lượng lớn cử tri phải cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung hoặc tại nhà, cơ sở lưu trú... đề nghị địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp, xem xét quyết định in bổ sung thẻ cử tri, phiếu bầu, hòm phiếu phụ và khắc bổ sung con dấu "Đã nhận phiếu", "Đã bỏ phiếu"... với số lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu tổ chức việc bỏ phiếu.

Tỉnh Bắc Ninh chia làm 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 15 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 74 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 937 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã; thành lập 973 khu vực bỏ phiếu và 973 tổ bầu cử.

Ủy ban Bầu cử tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khoá XV gồm 13 người và đại biểu HĐND tỉnh khoá XIX gồm 97 người theo từng đơn vị bầu cử.

Các địa phương cũng đã công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện với số đại biểu được bầu là 272 người, số đại biểu ứng cử là 449 người; đại biểu được bầu cấp xã là 3.187 người, đại biểu ứng cử là 5.349 người.


 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem