Ứng cử viên ĐBQH tại Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Kim Anh: Sẽ tập trung thúc đẩy xây dựng nông nghiệp công nghệ cao

Anh Thơ (thực hiện) Thứ hai, ngày 17/05/2021 08:59 AM (GMT+7)
Được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) muốn đề xuất các giải pháp thực hiện để góp phần xây dựng ngành nông nghiệp Bắc Ninh nói riêng, nông nghiệp cả nước nói chung phát triển thành một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.
Bình luận 0

Được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) coi đây là niềm tự hào cũng là trách nhiệm lớn lao trước cử tri và nhân dân.

Trao đổi với Dân Việt, bà cho biết, nếu được tín nhiệm được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, bà sẽ nỗ lực phấn đấu hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, lắng nghe và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp thực hiện để góp phần xây dựng ngành nông nghiệp Bắc Ninh phát triển thành một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.

Muốn xây dựng Bắc Ninh thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao  - Ảnh 1.

Ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT).

Mong muốn đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh

Được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 3 huyện Gia Bình, Lương Tài và Thuận Thành của tỉnh Bắc Ninh, cảm nhận của bà như thế nào trước vinh dự cũng như trách nhiệm lớn lao này?

- Tính đến nay, tôi đã có 23 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, với nhiệm vụ trọng tâm là tham mưu cho lãnh đạo Bộ hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật của ngành.

Trong thời gian qua, tôi đã góp phần giúp Bộ NNPTNT hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm 10 luật (như Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy lợi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều...) và hơn 200 văn bản dưới luật (Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư của Bộ trưởng...), đồng thời có ý kiến tham gia cùng các Bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản pháp luật nói chung. 

Đặc biệt, tôi tham gia giúp Bộ trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật..., góp phần hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật về nông nghiệp, là nền tảng pháp lý quan trọng để ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững như ngày nay.

Với năng lực, trình độ và kinh nghiệm công tác, tâm huyết được đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước và cho ngành nông nghiệp, tôi thực sự mong muốn được trở thành đại biểu Quốc hội. 

Tôi cũng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Quốc hội và trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội.

Do đó, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, với tôi vừa là vinh dự, vừa là trọng trách to lớn trước cử tri, trước nhân dân.

Được cử tri ở cơ quan nơi tôi công tác, cử tri nơi tôi sinh sống tín nhiệm giới thiệu, qua các cuộc hiệp thương, tôi được Hội đồng bầu cử quốc gia giới thiệu về ứng cử tại tỉnh Bắc Ninh.

Tôi thấy mình hạnh phúc, may mắn khi được gần gũi, tiếp xúc, chia sẻ với người dân trọng nghĩa, trọng tình, cần cù, sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh, đây sẽ là cơ hội, động lực để tôi tiếp tục học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân mình.

Qua tìm hiểu, tôi rất phấn khởi và tự hào về miền quê Kinh Bắc – mảnh đất "địa linh nhân kiệt", nơi phát tích Vương triều Lý; có truyền thống hiếu học, nơi có Trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam – Thái sư Lê Văn Thịnh; là quê hương của những huyền thoại – lịch sử, miền quê với nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu (như Đền thờ Kinh Dương Vương, Chùa Bút Tháp, Đền Cao Lỗ Vương...). Tôi thực sự ấn tượng với sự trù phú, phát triển của vùng đất cổ.

Là tỉnh có diện tích bé nhất nước (chỉ hơn 822km2), không giáp biển, không giàu về tài nguyên khoáng sản và cũng ít tài nguyên rừng nhưng vô cùng phong phú về tài nguyên nhân văn, cùng với tiềm năng, thế mạnh, Bắc Ninh đã có sự phát triển năng động, toàn diện trên các lĩnh vực.

Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đạt 6.200 USD, đứng thứ 3 toàn quốc; quy mô công nghiệp đứng thứ nhất toàn quốc; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ 2 toàn quốc… 

Bắc Ninh là 1 trong 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu của chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

Muốn xây dựng Bắc Ninh thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao  - Ảnh 2.

Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) đã có đóng góp quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành nông nghiệp. Bà được giới thiệu ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3 của tỉnh Bắc Ninh gồm 3 huyện: Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành.

Vậy trong chương trình hành động của một ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, bà ưu tiên những vấn đề gì để hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh thực hiện được những mục tiêu, kế hoạch đã đề ra?

Thông qua làm việc, trao đổi với chính quyền địa phương, đi thực tế, tôi nhận thấy cử tri Bắc Ninh, cũng như cử tri các huyện mà tôi ứng cử (Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài) đang quan tâm những vấn đề như: chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao; thu hút phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị.

Liên kết trong nông nghiệp để nâng cao giá trị chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; phát triển nông nghiệp đi đôi với các giải pháp bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới bền vững, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...

Với cương vị là Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT), được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tập trung làm tốt một số vấn đề ưu tiên mang tính xuyên suốt như sau:

Thứ nhất, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân về phẩm chất, đạo đức, lối sống, thể hiện bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, khát khao cống hiến để tham gia có hiệu quả các hoạt động của Quốc hội.

Thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết, gần gũi, sâu sát với cử tri, đặc biệt là cử tri Bắc Ninh, cử tri tại ba huyện nơi tôi ứng cử. 

Thực hiện tiếp công dân để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề mà cử tri quan tâm để phản ánh đầy đủ, khách quan, kịp thời và có trách nhiệm với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

Đề xuất với Quốc hội ban hành những chủ trương, quyết sách phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có tỉnh Bắc Ninh, ba huyện Lương Tài, Thuận Thành và Gia Bình nơi tôi ứng cử, nhất là chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thứ hai, bản thân tích cực thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó tập trung giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nông nghiệp, khoa học công nghệ, tài nguyên, môi trường,… bảo đảm luật được thực thi hiệu lực, hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cử tri.

Thứ ba, là nữ ứng cử viên Đại biểu Quốc hội, tôi dành nhiều sự quan tâm đến những vấn đề có liên quan đến gia đình, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, nhất là những người sống ở vùng nông thôn, như: vấn đề bình đẳng giới; vấn đề lao động, việc làm; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập; trẻ em được đến trường, được yêu thương, được hạnh phúc.

Thứ tư, bằng kinh nghiệm công tác nhiều năm trong lĩnh vực nông nghiệp, vận dụng các mối quan hệ của bản thân, tôi sẽ cố gắng là "cầu nối" để các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, vận động, thu hút doanh nghiệp tâm huyết, có tiềm năng đầu tư phát triển ngành nông nghiệp Bắc Ninh, tập trung vào các huyện mà tôi ứng cử để xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch.

Nhân rộng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị...

Tôi tin tưởng rằng, với sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền, sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, chắc chắn sẽ xây dựng ngành nông nghiệp Bắc Ninh phát triển toàn diện, hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Góp phần phấn đấu sớm đưa tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Bắc Ninh là một tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, tốc độ phát triển công nghiệp cũng nhanh nhất cả nước, chính vì vậy thách thức trong vấn đề bảo vệ môi trường đặt ra cho tỉnh không hề nhỏ. Nếu được bầu là đại biểu Quốc hội, bà sẽ ưu tiên vấn đề này như thế nào?

Bảo vệ môi trường không chỉ là vấn đề Bắc Ninh quan tâm mà cũng là trăn trở của rất nhiều địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Tôi được biết, thời gian qua, Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề môi trường mang tính cấp bách, nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt, môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn, khu vực đô thị, trường học và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh... 

Năm 2019, tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành Đề án tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025 và tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt.

Là người có nhiều năm công tác trong ngành nông nghiệp, nhất là tham mưu về xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về nông nông nghiệp, tôi luôn ủng hộ quan điểm phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường bền vững, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. 

Do vậy, được là đại biểu Quốc hội, bên cạnh việc tiếp tục đóng góp, hoàn thiện các thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tôi sẽ tích cực tham gia ý kiến đóng góp trong hoạt động giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến bảo vệ môi trường, cũng như ủng hộ Bắc Ninh phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, Bắc Ninh là một trong những địa phương đang phải căng sức chống dịch Covid-19, nhất là ở huyện Thuận Thành, địa phương nơi bà ứng cử. Bà có gửi gắm điều gì đến cử tri và nhân dân nơi đây?

- Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Bắc Ninh. Tôi xin được chia sẻ sâu sắc với chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. 

Trong hoàn cảnh khó khăn này, sự đoàn kết, chung tay, đồng lòng, đồng tâm của chính quyền, người dân là sức mạnh để Bắc Ninh sớm bình yên trở lại. 

Cùng với ngành nông nghiệp ở Trung ương và địa phương, tôi sẽ kết nối để đề xuất các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đưa ra các giải pháp nhằm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nông dân, đồng thời đưa ra phương án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất ngay sau khi dịch bệnh kết thúc, góp phần sớm ổn định đời sống của người dân.

Muốn xây dựng Bắc Ninh thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao  - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) đã có 23 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, góp phần giúp Bộ NNPTNT hoàn thiện 10 luật và khoảng 200 văn bản dưới luật.

Thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững

Có thể thấy, nhiệm kỳ vừa qua, hệ thống pháp luật ngành nông nghiệp được hoàn thiện cơ bản đầy đủ. Với tư cách là Vụ trưởng Vụ Pháp chế, bà đã có đóng góp gì cho chương trình xây dựng các dự án luật của Bộ?

Nông nghiệp là ngành với nhiều lĩnh vực (như: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, ,...), liên quan trực tiếp tới đại bộ phận dân cư là người nông dân sống ở vùng nông thôn trong phạm vi toàn quốc. 

Tâm huyết của những người làm công tác pháp chế ngành nông nghiệp là được đóng góp cho việc sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nông nghiệp, điều chỉnh tất cả các lĩnh vực quản lý, theo hướng hiện đại, theo chuỗi sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân. 

Với sự đồng tâm, quyết liệt của tập thể lãnh đạo Bộ, sự vào cuộc của tất cả các đơn vị thuộc Bộ, sự tham gia, đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp, chỉ tính riêng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, ngành nông nghiệp đã có tới 06 dự án luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua. 

Theo đó, tất cả các lĩnh vực của ngành đều đã được điều chỉnh bằng luật chuyên ngành (gồm 10 luật). 

Cùng với đó, các văn bản hướng dẫn thi hành luật đều được ban hành cùng thời điểm có hiệu lực của luật, đánh dấu một thời kỳ với nhiều thành công trong công tác xây dựng hệ thống pháp luật về nông nghiệp.

Thực tế, quy trình ban hành luật rất phức tạp và cần có sự đầu tư thoả đáng cả về thời gian và nhân lực để đảm bảo tính bền vững của luật, vì luật là hơi thở của cuộc sống. Một luật ra đời phải có tính ổn định cao, ít nhất khoảng 10 năm. 

Chính vì vậy, chúng tôi phải đồng hành cùng các đơn vị được Bộ giao chủ trì soạn thảo, phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan để nghiên cứu, xây dựng văn bản đảm bảo thực hiện mang tính xuyên suốt quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhằm thể chế hóa văn bản luật phù hợp Hiến pháp, pháp luật có liên quan, phù hợp với thực tiễn trong nước, cũng như các quy định quốc tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính đang là rào cản cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về nông nghiệp, chúng tôi cũng tập trung tham mưu cho Bộ để tổ chức thi hành luật, đưa luật vào cuộc sống, như: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật; thường xuyên trao đổi, trả lời các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi văn bản quy phạm pháp luật.

Nếu trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV, bà sẽ tham mưu cho Bộ NNPTNT ưu tiên những vấn đề gì trong chương trình xây dựng pháp luật trong thời gian tới?

Đến thời điểm này, các lĩnh vực của ngành nông nghiệp đều đã có luật chuyên ngành điều chỉnh, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.

Được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, một trong những vấn đề mà tôi quan tâm là hoạt động giám sát việc thực thi văn bản pháp luật, nhất là lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp,  nông dân, nông thôn, qua đó để kiểm chứng, đánh giá quá trình xây dựng, ban hành, cũng như việc tổ chức thực thi pháp luật trong thực tế. 

Cùng với các đại biểu Quốc hội khác, tôi sẽ đề xuất kế hoạch giám sát, để lắng nghe ý kiến của cử tri, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và nếu cần thiết thì trong khả năng của mình sẽ đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các văn bản đó để đảm bảo luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo động lực thúc đẩy  ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem