Bắc Ninh: Thời đại 4.0, vẫn còn nơi “phát canh thu tô điện”
Bắc Ninh: Thời đại 4.0, vẫn còn nơi “phát canh thu tô điện”
Gia Tưởng
Thứ sáu, ngày 18/09/2020 07:46 AM (GMT+7)
Nghịch lý tồn tại ở làng nghề sắt thép nổi tiếng Đa Hội (phường Châu Khê, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) suốt hơn 30 năm nay: người dân vẫn phải mua điện sinh hoạt, sản xuất qua “cai đầu dài” hay còn gọi là tình trạng “phát canh thu tô điện”.
Chúng tôi chưa thấy ở đâu có cách thu tiền điện lạ lùng và đắt đỏ như ở Đa Hội (phường Châu Khê, TX Từ Sơn, Bắc Ninh).
Những hóa đơn tiền điện không tưởng
Tỉnh Bắc Ninh đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ. Nhưng ở Đa Hội, người dân phải cắn răng chịu đựng việc sử dụng điện chất lượng kém, giá cao ngất ngưởng.
Lạ lùng là, Đa Hội được coi là làng nghề làm sắt thép nổi tiếng ở Bắc Ninh, nhưng tình trạng này kéo dài từ những năm 90 đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Phạm Đức Bình ở xóm 3 thôn Đa Hội đưa chúng tôi xem tờ phiếu thông báo tiền điện của gia đình tháng 7/2020.
Tờ giấy không có dấu đỏ ghi số tiền điện gia đình cần phải nộp là hơn 4 triệu đồng. Sang tháng 8/2020, tiền điện gia đình ông Bình phải đóng là 4,6 triệu đồng.
Ông Phạm Đức Bình cho hay: "Nhà tôi tổng cộng có 4 người lớn, 2 cậu con trai đi làm cả ngày, tối về có bật điều hòa. Vợ chồng tôi ở nhà, nhưng cũng chạy đi, chạy lại suốt ngày. Thiết bị điện trong nhà không có gì đặc biệt, nhưng mỗi khi xem thông báo trả tiền điện thì đúng là giật mình".
Ông Bình nhẩm tính, chi phí tiền ăn của cả gia đình mỗi tháng hết khoảng 2,6 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với tiền điện phải nộp mỗi tháng.
"Tiền điện cao thế, nhưng dân Đa Hội không dám khất nợ. Người dân sợ tổ điện còn hơn chủ nợ, lôi thôi họ cắt điện ngay. Đa Hội sống bằng nghề gia công sản phẩm sắt thép, nên cắt điện đồng nghĩa với trói tay trói chân, không có cái mà ăn" – ông Bình kể tiếp.
Nhiều lần, do tiền điện cao ông Bình đã phải xin đóng làm 2 lần trong một tháng.
Cũng mang phiếu thông báo tiền cho chúng tôi xem, ông Lưu Quang Ánh (54 tuổi xóm Tây Trúc, khu phố Đa Hội) nói: "Nhà tôi chỉ có 3 phòng ngủ, 2 cháu nhỏ 5 người lớn. Nhưng lên đến 4,6 triệu đồng tiền điện một tháng, đúng là cao đến tức thở, rất khó sống.
Ngày xưa không có điện thì quạt tay, đèn dầu bếp củi nấu cơm. Còn bây giờ mất điện thì coi như mất hết, không ai có thể cưỡng lại được tổ điện với những quy định không nộp tiền là cắt.
Nên dù có biết giá điện và số điện cao bất thường cũng phải cố mà chịu. Họ bán điện độc quyền nhưu thế, không mua được ở nơi nào khác".
"Ma trận" trạm điện tư nhân
Theo thông tin Công ty Điện lực Bắc Ninh cung cấp cho chúng tôi, hiện nay ngành điện đang bán điện tới công tơ tổng tại khu phố Đa Hội qua 12 trạm biến áp từ lưới điện cao thế, để đấu nối vào trạm hạ thế. 100% những trạm hạ thế này đều do tư nhân quản lý.
Ông Lê Minh Hải - Trưởng Phòng Thanh tra Công ty Điện lực Bắc Ninh cho biết đơn vị chỉ bán điện đến công tơ tổng, còn lưới điện và khách hàng mua điện ở Đa Hội phía Điện lực Bắc Ninh và Chi nhánh Điện lực Từ Sơn không quản lý.
Được biết, ngày 29/9/2010 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đa Hội ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực I.
Nhưng theo tìm hiểu của PV, từ năm 2015 HTX Dịch vụ nông nghiệp Đa Hội đã "tan đàn xẻ nghé".
12 trạm biến áp kể trên đang được điều hành, quản lý bởi những cá nhân: bà Trần Thị Lam, ông Trần Thái Hòa (hộ khẩu tại khu phố Đa Hội), ông Trần Đại Việt (người làng Đa Hội cũ nay đã chuyển ra sinh sống tại phường Đình Bảng).
Ông Việt xác nhận, hiện ông đang đầu tư quản lý 5 trạm biến áp tại Đa Hội, còn lại là bà Lam (em gái ông Việt) và một số người khác đầu tư.
Là một trong những người đầu tiên kéo điện về Đa Hội, ông Lưu Quan Toàn (78 tuổi) kể lại: "Từ năm 1990, tôi làm trong Ban Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đa Hội. Tôi đã chủ động liên hệ với ngành điện, trực tiếp đi mua 1 máy biến thế 190KVA để đấu nối với lưới điện cao thế để phục vụ bà con".
Khi đó, mỗi gia đình đóng góp 150kg thóc để kéo điện, với mỗi công tơ điện đóng thêm 50 nghìn đồng. Sau đó, làng nghề Đa Hội bùng nổ nghề cán kéo thép, nhu cầu về điện tăng vọt.
Đến năm 1994 ông Toàn nhận thấy có dấu hiệu bất minh trong quản lý mua bán điện tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đa Hội nên đã chủ động rút lui khỏi Ban chủ nhiệm.
Trong thời gian đó bà Lam, ông Việt dưới danh nghĩa là xã viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đa Hội đã bỏ tiền ra để đầu tư những trạm biến áp hạ thế, để bán điện cho những hộ sản xuất cán kéo thép.
Từ đó, dịch vụ cung cấp điện ở Đa Hội do tư nhân "điều khiển", mỗi cá nhân tự thành lập ra các tổ điện, để điều hành bán điện cho người dân.
Ông Trần Minh - Trưởng khu phố Đa Hội cho hay: "Hiện nay chúng tôi không nắm được quy trình mua bán, vận hành lưới điện trên địa bàn Đa Hội, không biết chính xác đang có bao nhiêu tổ điện hoạt động tại đây".
Kể từ khi ông Minh làm Trưởng khu phố năm 2018, hình thức mua bán điện này đã diễn ra hàng chục năm.
Hợp tác xã kinh doanh điện không phép
PV Dân Việt tiếp tục tìm gặp những người đã tham gia quản lý, kinh doanh mạng lưới điện ở Đa Hội từ hàng chục năm trước để nắm thêm thông tin.
Năm 2005, ông Trần Đức Thi là người tiếp quản HTX Dịch vụ nông nghiệp Đa Hội. "Khi tôi tiếp quản, lúc đó đã có 11 trạm biến áp. Thời gian đó nghề thép ở Đa Hội phát triển cực thịnh, giá bán điện của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đa Hội do UBND xã Châu Khê quy định" – ông Thi cho hay.
Nhưng theo ghi nhận từ người dân, đây cũng là thời kỳ vô cùng nhức nhối về điện ở địa phương này. Người dân đã bị thu tiền điện với giá "cắt cổ" từ thời gian đó.
Đến năm 2015, ông Trần Đức Thi bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt tạm giam, cùng bị bắt có ông Trần Đại Việt và bà Trần Thị Lam là 2 xã viên đầu tư lớn nhất trong hoạt động kinh doanh điện ở Đa Hội để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về cung ứng điện.
Sau đó, ông Thi bị xử phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo và 30 tháng thử thách.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đa Hội "tan đàn xẻ nghé" vì thực tế hợp tác xã này không còn xã viên, không kinh doanh hoạt động nông nghiệp.
Trong thời gian thi hành án tù treo, ngày 28/7/2016 ông Trần Đức Thi lại thành lập hợp tác xã khác cũng mang tên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh mua bán điện dựa trên lưới điện cũ.
Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Thi thừa nhận hiện nay hợp tác xã vẫn đang kinh doanh điện, nhưng không được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nghành nghề mua bán điện từ năm 2015 tới nay.
Đồng thời, tuy là người đứng đầu hợp tác xã, nhưng ông Thi không trả lời được hiện nay tổ điện hoạt động ra sao, có bao nhiêu người?
Ông Thi cũng thừa nhận, hợp tác xã không có thợ kỹ thuật, không có kỹ sư chuyên nghành điện, cũng không có cả hợp đồng lao động với bất cứ lao động nào đang tham gia vận hành lưới điện của khu phố Đa Hội.
Ngay cả việc thu nộp tiền điện đến Chi nhánh điện Từ Sơn và nộp các khoản thuế phí kinh doanh, thu nhập, ông Thi cũng rất "mù mờ".
Ông Thi chỉ biết tất cả đã có kế toán làm chứ mình không trực tiếp làm gì hết?!.
Khi tìm hiểu về sự lộn xộn trong kinh doanh điện tại khu phố Đa Hội,chúng tôi đã làm việc với Công ty Điện lực Bắc Ninh.
Ông Lê Minh Hải - Trưởng Phòng Thanh tra đại diện cho Công ty Điện lực Bắc Ninh thông tin Điện lực Bắc Ninh vẫn bán điện cho Hợp tác xã một cách bình thường.
Hiện Điện lực Bắc Ninh đang bán điện tới công tơ tổng của 12 trạm biến áp được lắp đặt trên địa bàn khu phố Đa Hội theo hợp đồng ký kết ngày 29/9/2010.
Về tình trạng tư nhân quản lý kinh doanh lưới điện tại Đa Hội, ông Hải cho biết: "Nhiều năm qua và nhiều lần Điện lực Bắc Ninh đã kiến nghị yêu cầu, tiếp nhận, thu hồi lưới lưới điện ở Đa Hội để ngành điện quản lý, trực tiếp bán điện cho người dân.
Tuy nhiên, không thống nhất được giá đền bù đối với những tập thể, cá nhân đang đầu tư và sở hữu lưới điện ở đây. Nguyên nhân vì họ đòi giá quá cao, ngành điện không thể đáp ứng được giá đền bù như vậy".
Khi PV thông tin đến ông Hải rằng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đa Hội do ông Thi đứng đầu, không có giấy phép kinh doanh điện vì không đủ điều kiện để cấp giấy phép, ông Hải cũng đã trả lời điện lực Bắc Ninh vẫn phải bán điện ở Đa Hội vì chưa có giải pháp nào khác?!
Vậy là hàng chục nghìn người dân ở Đa Hội vẫn bị "bóc lột" tiền điện hàng tháng và chưa biết đến bao giờ được dùng điện lưới của Nhà nước?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.