Bác sĩ không cười sẽ... đói?

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 17/10/2015 06:42 AM (GMT+7)
Báo NTNN số ra ngày 16.10 đưa ý kiến của đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, “tăng viện phí theo giá thị trường sẽ thay đổi quan điểm ban ơn của nhân viên y tế cũng như thái độ nhờ vả của người bệnh. Kết cấu giá dịch vụ y tế phải có cả chi phí nụ cười, lời nói ngọt”... Nên hiểu điều đó như thế nào?
Bình luận 0

“Tăng tiền mà tăng chất lượng cũng đáng”

Chị Minh Nguyệt (Tây Hồ, Hà Nội) vừa đi khám thai tại một bệnh viện (BV) tư quận Tây Hồ – nơi chị đăng ký khám bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu. Chị Nguyệt cho biết, BV tư nên giá cả nhiều dịch vụ chênh gấp 2-3 lần so với BV công. Chị chỉ được BHYT chi trả một phần theo giá “nhà nước”. “Tuy nhiên, “đắt xắt ra miếng” vì tôi vào viện đã có người đón tiếp, đưa tôi tới từng khoa phòng, cũng không phải chờ đợi lâu. Làm mẹ lần đầu nên tôi có vô vàn câu hỏi thắc mắc nhưng bác sĩ vẫn kiên nhẫn giải thích với thái độ nhã nhặn, vui vẻ. Trước đây, tôi đăng ký BHYT ở BV công nhưng chờ đợi lâu, bác sĩ cũng trả lời chỏng lỏn. Tôi nghĩ tiền đắt cũng đã bao gồm “nụ cười” trong thái độ phục vụ của họ. Nếu viện phí tăng mà người dân được  hưởng sự phục vụ chu đáo, an tâm như vậy thì thấy cũng đáng” - chị Nguyệt cho biết.

img

Thái độ ân cần, niềm nở với bệnh nhân là tiêu chí “hài lòng người bệnh”. Ảnh chụp tại BV Bạch Mai.  Ảnh: Dương Ngọc

Theo ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), khi viện phí cộng thêm tiền lương thì Nhà nước sẽ không trả tiền cho nhân viên y tế như hiện nay nữa. BV sẽ tự thu tự chi. Giá thị trường thì BV cũng phải cạnh tranh thị trường. Nếu chất lượng khám chữa bệnh không tốt, thái độ phục vụ xấu thì không có bệnh nhân, bác sĩ  sẽ “đói” mà BV cũng có nguy cơ phải đóng cửa. 

Bác sĩ phải thay đổi thái độ

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội) nhận định, hiện nay, ngân sách nhà nước trả lương cho bác sĩ và theo đầu giường bệnh mà Nhà nước phân bổ. Nghĩa là dù BV ít bệnh nhân thì vẫn nhận lương, vẫn có tiền giường, tuy không giàu nhưng cũng không đến mức đói. Nhưng hiện nay, nếu BV không nâng cao chất lượng, không thu hút được bệnh nhân thì các bác sĩ sẽ thất nghiệp.

Theo bà Hường, một trong những phần quan trọng của nâng cao chất lượng chính là thái độ phục vụ. Nhân viên y tế ở mỗi vị trí phải biết cách đối xử với bệnh nhân cho phù hợp: Biết cười nhẹ nhàng khi đón tiếp; ân cần, quan tâm khi đối diện với sự đau đớn, mệt mỏi của bệnh nhân… “Trong BV có nhiều tình huống đau đớn, khổ sở mà nụ cười của bác sĩ lúc đó lại phản cảm. Dù thế nào, bác sĩ chỉ cần giúp bệnh nhân và người nhà cảm thấy sự cảm thông, nhiệt tình, quan tâm chu đáo là đủ” – bà Hường phân tích.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong xu hướng tăng viện phí, việc thay đổi, chấn chỉnh tác phong, thái độ đối với người bệnh, làm hài lòng người bệnh chính là sự tồn tại phát triển của đơn vị. Nếu cán bộ y tế nào không tự giác thay đổi, chỉ làm qua loa, chiếu lệ, không thực chất, không bền thì sẽ ảnh hưởng đến BV, dẫn tới hệ quả là mất khách hàng (người bênh), mất thu nhập, mất việc... 

 Từ tháng 4.2015, Bộ Y tế đã phát động phong trào “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” trong toàn ngành. Hàng chục BV T.Ư và nhiều Sở Y tế đã tiến hành ký cam kết giữa các nhân viên trong cơ sở y tế của mình. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem