Bác sĩ tình nguyện về... huyện nghèo cũng khó!

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 24/06/2017 06:13 AM (GMT+7)
Sau 4 năm khởi động dự án, ngày 28.6 tới, Bộ Y tế sẽ làm lễ “bàn giao” 7 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các huyện nghèo. Sinh viên ngành y đăng ký tình nguyện không thiếu, nhưng theo Bộ Y tế, tìm đầu ra cho các bác sĩ trẻ tình nguyện mới là điều khó nhất.
Bình luận 0

Ra trường hai năm đã mổ chính

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Chiến Quyết vừa thực hiện thành công ca mổ thoát vị bẹn cho 1 bé trai 4 tuổi người Mông tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Bắc Hà (Lào Cai) ngày 21.6. Bác sĩ Quyết cho biết, đây là ca mổ đầu tiên mà anh là phẫu thuật viên chính, được thực hiện tại BV huyện mà anh sẽ về công tác 3 năm.

img

Đoàn bác sĩ tình nguyện từ Hà Nội khám chữa bệnh cho người dân tại Điện Biên. Ảnh: Nhật Anh

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc cử bác sĩ đi tình nguyện trong vòng 2-3 năm là quá ngắn, chưa đủ thời gian nâng cao công tác khám chữa bệnh tại địa phương, chưa tương xứng với chế độ đãi ngộ mà các bác sĩ được hưởng. Do đó, chúng tôi cũng sẽ bàn bạc và cân nhắc xem có nên kéo dài thêm thời gian tình nguyện hay không”.

TS Phạm Văn Tác

Quyết chia sẻ, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội đã được 3 năm. Từ đại học năm cuối (2013), anh đã nghe về dự án đưa bác sĩ tình nguyện về huyện nghèo nên đã tham gia đăng ký. Nhưng sau đó hơn 1 năm, anh mới được tuyển và theo học lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa I (CKI) trong vòng 2 năm, chuyên ngành ngoại sản. Đến giờ, anh tin tưởng mình có thể khám chữa bệnh hiệu quả cho bà con ở Bắc Hà.  Bác sĩ Quyết là 1 trong 7 bác sĩ là “sản phẩm” đầu tiên của dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn” được Bộ phê duyệt từ tháng 3.2013. 7 bác sĩ này sẽ được đưa về nhiều huyện nghèo tại Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên.

Theo dự án, các sinh viên y khoa vừa mới ra trường, đạt bằng khá, giỏi, có nguyện vọng sẽ được lựa chọn. Các sinh viên sẽ được được tuyển dụng về các BV đầu ngành tuyến T.Ư. Sau đó được đào tạo bác sĩ CKI trong 2 năm và được cử về công tác tại các BV huyện vùng sâu, vùng xa 3 năm đối với nam, 2 năm đối với nữ. TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) chia sẻ, mục tiêu của dự án là tiến tới cung cấp nguồn nhân lực y tế (cụ thể là các bác sĩ) đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cho các vùng khó khăn nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế ngay tại cơ sở.

Theo báo cáo của các Sở Y tế có huyện nghèo cho thấy nhu cầu tại 62 huyện nghèo lên tới 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa, trong đó thiếu nhiều nhất là chuyên khoa nội với 53 bác sĩ; ngoại 49 bác sĩ; sản 55 bác sĩ; hồi sức cấp cứu 47 bác sĩ; nhi 44 bác sĩ; truyền nhiễm 35 bác sĩ... Một số BV huyện của các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang...  chỉ có 4 - 5 bác sĩ, thậm chí có huyện chưa có bác sĩ. Trong khi đó, như tại huyện Hải Hậu của Nam Định có tới 140 bác sĩ.

Theo TS Tác, tính đến nay đã có 78 bác sĩ tình nguyện tham gia dự án (ngoài 7 người sắp được “bàn giao”, còn các bác sĩ khác đang được đào tạo). Trong đó 25 bác sĩ được tuyển dụng vào 12 BV trực thuộc Bộ và 53 bác sĩ được tuyển dụng tại 30 huyện nghèo. 

Khó tìm “đầu ra”

PGS-TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ, theo quy tắc, sinh viên y khoa học 6 năm, ra trường đi làm 2 năm rồi mới được quay lại học bác sĩ CKI. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phải công tác độc lập, các bác sĩ tình nguyện được đào tạo CKI ngay khi ra trường. Đồng thời được đào tạo như chương trình bác sĩ nội trú, đảm bảo các bác sĩ khi về huyện có thể khám chữa bệnh độc lập theo chuyên ngành mình được đào tạo, thậm chí có thể “tác chiến”, hỗ trợ các chuyên khoa khác khi cần. Các bác sĩ này vừa được đào tạo tại trường, vừa được các GS, TS chuyên khoa đầu ngành ở các BV “cầm tay chỉ việc”.

Vì thế, PGS Hinh tin tưởng sau khi hoàn thành khoá đào tạo CKI, các bác sĩ tình nguyện sẽ đảm đương tốt công tác khám chữa bệnh tại địa phương. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất vẫn là tìm “đầu ra” cho các bác sĩ sau 2-3 năm công tác tình nguyện trở về.

Như trường hợp của bác sĩ Quyết, TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, quá trình để tìm kiếm cung - cầu cho bác sĩ Quyết khá mất thời gian. BV Bắc Hà thiếu bác sĩ ngoại sản và “đặt hàng” với Bộ. Bộ lại tìm BV T.Ư có thể tuyển dụng bác sĩ Quyết. Sau một thời gian dài, may mắn BV Bạch Mai đã tiếp nhận tuyển dụng và đào tạo Quyết.

TS Tác nhận định, số lượng sinh viên y khoa xung phong đi tình nguyện không thiếu, tuy nhiên, việc tìm được BV tiếp nhận các sinh viên này không dễ. Bộ cũng chỉ vận động các BV trực thuộc Bộ (tuyến T.Ư) còn các BV  sẽ cân nhắc dựa trên nhu cầu sử dụng của BV, chứ không ép được. Do đó, đến nay mới chỉ có 25 bác sĩ tình nguyện được các BV T.Ư tuyển dụng.  Đó là lý do dự án mở rộng sang cả các đối tượng sinh viên tình nguyện có hộ khẩu tại huyện và tình nguyện công tác lâu dài tại huyện nhà (53 người). “Các BV hầu hết cũng đã đủ cầu nên tìm được chỗ cho các sinh viên này không dễ. Đó là lý do chúng tôi chưa thể mở rộng đào tạo, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của các BV thiếu bác sĩ, cho dù các sinh viên tình nguyện không thiếu” – TS Tác cho biết.

Theo TS Tác, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở là mục tiêu quan trọng của ngành y tế trong thời gian tới, trong đó có việc nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực y tế. Nhưng hiện dự án mới thí điểm ở cấp Bộ nên “đầu ra” hạn chế. Do đó, thời gian tới, Bộ Y tế đặt mục tiêu nâng tầm dự án, mở rộng tới các tỉnh, để các BV tuyến tỉnh cũng có thể tuyển dụng các bác sĩ tình nguyện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem