Góp phần xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng thực chất hơn, đảng viên "sạch" hơn
Bổ sung quy định góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực chất hơn, giúp đảng viên "sạch" hơn (Bài 2)
Thành An
Chủ nhật, ngày 31/10/2021 14:00 PM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, một số chuyên gia chính trị cho rằng, một trong những quy định mới về những điều đảng viên không được làm là "nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định", là cơ sở góp phần quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Túc – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, trong báo cáo Chính trị cũng như báo cáo công tác xây dựng Đảng ở Đại hội XIII đã nêu ra một đề xuất lớn về công tác cán bộ. Trong đó, có điều chúng ta thấy trước năm 1990 không hề xảy ra, nhưng từ năm 1990 trở lại đây, trong Đảng có một số đội ngũ cán bộ đã vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, thậm chí có đảng viên vi phạm luật pháp và điều này có xu hướng gia tăng.
Đơn cử, thời gian vừa qua đã có hơn 130 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật, thậm chí có nhiều người bị xử lý hình sự…Từ thực tiễn trên buộc Đảng phải có những quy định bổ sung, đáp ứng tình hình mới. Ví dụ như trường hợp Trịnh Xuân Thanh từng bỏ trốn ra nước ngoài, nếu không bị xử lý thì sẽ trở thành tiền lệ với những kẻ tham nhũng lớn, có tiền là tìm cách chuyển đi nước ngoài, nếu thấy động là trốn ngay, đơn cử như bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, hay như Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc nhà máy xơ sợi Đình Vũ hiện nay vẫn đang trốn truy nã.
"Tôi rất tâm đắc với những nội dung được bổ sung vào 19 điều đảng viên không được làm lần này. Đó là những điều được đúc kết, chứng minh trong thực tiễn. Cụ thể, thời gian vừa qua, trong đội ngũ đảng viên đã có những người tham nhũng, "ăn cắp" của công rồi chuyển ra nước ngoài, sau đó tìm mọi cách để nhập thêm quốc tịch, khi bị phát hiện sai phạm thì trốn ra nước ngoài và nó đang trở thành một "lệ" xấu. Chúng ta phải ngăn chặn những hành vi ấy chứ không phải chỉ làm mới quy định", ông Nguyễn Túc nói.
Vẫn theo ông Nguyễn Túc, việc bổ sung quy định đảng viên không được "nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định", góp phần nâng cao công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra 3 bước phấn đấu và mục đến năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao. Nếu toàn Đảng không có quyết tâm cao, đặc biệt Đảng không trong sạch, vững mạnh, không chỉnh đốn đến nơi đến chốn thì người dân không tin và làm theo, như vậy không thể thực hiện được những mục tiêu đã đề ra.
Đồng quan điểm, PGS-TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, đây là một quy định rất cần thiết, nhưng để thực hiện đòi hỏi phải kiểm tra, giám sát.
"Sau khi ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm, chúng ta phải thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên và phải đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng. Bên cạnh đó cần sự gương mẫu, tự giác chấp hành quy định của mỗi đảng viên, có như vậy Đảng mới vững mạnh", PGS-TS Lê Quốc Lý nói.
Vẫn theo PGS-TS Lê Quốc Lý, khi chúng ta bổ sung một số quy định mới đối với đảng viên thì phải đề cao tính kỷ luật, khi áp dụng vào thực tiễn phải thực hiện nghiêm minh. Bởi thực tế có những đảng viên có chức, có quyền vẫn có thể tìm cách "lách" quy định. Đây là vấn đề cần quan tâm để quy định mới được ban hành sẽ "bịt" những kẽ hở, để người dân thấy quy định của Đảng đi vào đời sống một cách có ý nghĩa.
Làm sáng thêm tấm gương đảng viên
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: Quy định đảng viên không được nhập quốc tịch nước ngoài, chuyển tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài là việc thuộc quy chế quản lý đảng viên, về mặt nhà nước là quản lý cán bộ, công chức.
Vừa qua, trong thực tế có những cán bộ đảng viên tham nhũng, "lấy" tiền của nhà nước, của nhân dân sau đó gửi ra ngân hàng nước ngoài. Theo nguyên tắc của ngân hàng nước ngoài họ giữ bí mật tên người gửi, thông tin về tiền gửi trong ngân hàng, khi phát hiện những vụ tham nhũng lớn chúng ta nhận thấy có hiện tượng như vậy, điều này gây ra khó khăn trong việc thu hồi, tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế rất ít.
"Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, xuất hiện trường hợp đại biểu có thêm quốc tịch Síp (ông Phạm Phú Quốc, đã bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 - PV), điều đó cho thấy quy định trước đây chưa bao phủ hết các vấn đề nảy sinh trong công quản lý cán bộ đảng viên, kiểm soát quyền lực liên quan đến đảng viên, nhất là những cán bộ là đảng viên có cương vị, giữ trọng trách trong cơ quan quản lý", PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nói.
Vẫn theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, để quản lý đảng viên cho tốt, nhằm tránh những sai phạm, đặc biệt là những sai phạm không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân đảng viên mà ảnh hưởng đến đất nước và chế độ nên quy định của Đảng đã bổ sung những nội dung quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cũng đề cập về quy định đảng viên không được "nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định", trao đổi với PV Dân Việt, TS Bùi Đức Thụ - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, kiểm soát tài sản đang là vấn đề "nóng", cấp bách và cấp thiết trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta hiện nay.
Nói về quy định đảng viên không được nhập quốc tịch, ông Thụ nêu rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, khi đứng trong hàng ngũ của Đảng để lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo xã hội, người đảng viên phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân. Để trung thành với lợi ích của Đảng, hướng về mục tiêu cao cả thì đảng viên chỉ có một quốc tịch.
"Việc Ban Chấp hành Trung ương bổ sung quy định như trên có tác dụng rất lớn trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng", TS Bùi Đức Thụ nhấn mạnh và phân tích: Thứ nhất, đảng viên là lực lượng tiên tiến, ưu tú trong xã hội, tuân thủ theo mục đích, cương lĩnh, điều lệ Đảng và Đảng của chúng ta là đảng của giai cấp công nhân, đại diện cho lợi ích của người lao động hướng về lợi ích của đất nước, lợi ích của người dân… đó là kim chỉ nam về tư tưởng và hành động của người đảng viên.
Khi ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm, có lẽ Ban Chấp hành Trung ương muốn quán triệt làm rõ tính đảng của mỗi đảng viên, thậm chí quán triệt trong tư tưởng, trong suy nghĩ của từng người. Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành tư cách, nhân cách của người đảng viên.
Bên cạnh đó, trong quy định mới, Trung ương cũng truyền tải và nhấn mạnh thông điệp đã là đảng viên phải tránh những điều cấm kỵ, vi phạm những điều cấm là vi phạm các nguyên tắc, quy định của Đảng và sẽ bị xử lý kỷ luật. Đặc biệt, thông qua quy định này sẽ điều chỉnh các hành vi của các đảng viên, nhất là các đảng viên tham gia vào công tác lãnh đạo, những đảng viên tham gia vào hệ thống công quyền.
"Tôi cho rằng, nếu như chúng ta thực hiện nghiêm quy định mới về những điều đảng viên không được làm thì loại bỏ được những sai phạm, những sai phạm không chỉ trong tư tưởng mà trong cả những hành vi làm tổn hại lợi ích của đất nước, của nhân dân,… Như vậy, việc bổ sung quy định có ý nghĩa tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng và cũng làm sáng thêm tấm gương của người đảng viên", TS Bùi Đức Thụ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.