Bài 2: Để khát vọng Việt vươn xa, lòng tin là vô giá!
Đại hội XIII của Đảng: Để khát vọng Việt vươn xa, lòng tin là vô giá! (Bài 2)
Minh Thi
Thứ hai, ngày 11/01/2021 10:32 AM (GMT+7)
Khởi đầu từ màu áo đỏ phủ đầy tuyết ở Thường Châu của đội tuyển U23 Việt Nam năm 2018 với tinh thần chiến đấu quả cảm, phi thường đã làm lay động hàng triệu con tim, khát vọng Việt thực sự bừng sống dậy.
Tiếp mạch bài 1 trong loạt bài Đại hội XIII: Khơi dậy khát vọng phát triển nước Việt Nam hùng cường, ở góc độ nhỏ hơn, chúng ta cùng nhìn lại trận đấu giữa cơn mưa tuyết trắng trời của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam năm 2018 ở Thường Châu, để thấy rõ rằng không có bất cứ thứ gì có thể ngăn được ý chí chiến thắng của người Việt trẻ. Chính họ đã cho thế giới tận mắt thấy một thế hệ mới năng động, bản lĩnh, trong sáng và tuyệt vời, với ước muốn đưa bóng đá Việt Nam vươn tới tầm châu lục.
Đánh thức khát vọng
Và thực ra, khát vọng ấy chưa bao giờ vụt tắt, năm 2020 vẫn tiếp nối bằng câu chuyện hai học sinh lớp 10 và 11 đạt Huy chương vàng Olympic toán học quốc tế, vượt qua 614 thí sinh từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiếp đó là 5 học sinh thi vật lý quốc tế cũng đều có huy chương. Và đâu đó ở khắp Việt Nam, hàng loạt bạn trẻ khởi nghiệp thành công, khát khao làm giàu cho mình và cho cộng đồng.
Khát vọng Việt sống dậy trong mỗi cá nhân ở những thời khắc lịch sử khác nhau, mỗi một lần trỗi dậy lại làm nên những cú chạm tuyệt vời. Thế nhưng, để nuôi dưỡng những khát vọng ấy thành niềm tự hào và sức mạnh của một dân tộc, rất cần sự đầu tư và hỗ trợ của nhà nước, cũng như những chiến lược để nâng tầm ước vọng.
Nếu như ở bóng đá, là sự đầu tư tiền bạc lẫn chất xám và tài năng cùng ý chí chiến thắng, thì ở các lĩnh vực tài năng tự nhiên, việc đầu tư vào con người, từ học sinh đến giáo viên giảng dạy là hết sức cần thiết.
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, lý giải: Thực ra, khát vọng vươn lên thì ai cũng có, vấn đề là làm gì để vươn lên? Cuối cùng, vẫn sẽ trở về với cái gốc là làm điều gì mình giỏi nhất và tạo ra giá trị nhiều nhất!
"Người Việt ta luôn có một khát khao mãnh liệt là làm gì đó để ngẩng cao đầu trước thế giới. Điển hình như cách đây vài năm, chúng ta có U23 Thường Châu tuyệt vời và những khoảnh khắc hạnh phúc trong bóng đá đó đã tạo nên được một sức rung động mạnh mẽ mang tầm quốc gia về sự tự hào dân tộc. Tinh thần của U23 ở Thường Châu là đại diện cho một Việt Nam trẻ trung và khát vọng, một Việt Nam kiên cường và quả cảm. Đó là một Việt Nam mà chúng ta muốn khát khao vươn tới, một Việt Nam mà mọi người Việt muốn nhìn thấy", ông Trung phân tích.
Chúng ta dậy sóng, tự hào, hạnh phúc, mơ về một Việt Nam như thế và U23 Việt Nam ở Thường Châu đại diện cho giấc mơ của người Việt. Tình yêu đó không hẳn dành cho từng cá nhân cầu thủ như Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường…, cũng không hẳn dành cho U23, mà dành cho hình ảnh hào hùng của "U23 Thường Châu rực lửa trên tuyết trắng". Hàng triệu ánh mắt tự hào, hàng triệu trái tim thổn thức đã tạo niềm xúc cảm mãnh liệt. Đó là khát khao hướng đến cái đẹp như một phần bản năng của con người.
Trong giấc mơ của Việt Nam, "U23 Thường Châu rực lửa trên tuyết trắng" cũng có thể được xem là một biểu tượng cho khát vọng của dân tộc. Làm sao thổi bùng khát vọng trong mỗi cá nhân, mỗi cá nhân làm sao nghĩ về tiềm năng của họ lớn hơn những gì mà họ vẫn tưởng, làm sao khai mở tâm trí của mỗi người và giải phóng hết tiềm năng của họ? Có thể nói, khát vọng quốc gia được hiện thực hóa bởi khát vọng công dân. Khi mỗi người làm được điều đó thì dân tộc tự dưng hùng mạnh lên thôi.
Nuôi dưỡng lòng tin
Bên cạnh đó, người Việt cũng có những đức tính nổi bật có thể biến khát vọng thành hành động và đi xa hơn nữa.
Theo ông Giản Tư Trung, về văn hóa, một ưu điểm là người Việt có khả năng thích ứng cao, thường đón nhận cái mới ở thế giới bên ngoài rất nồng nhiệt và nhanh chóng.
Về kinh tế, năm 2020 tuy nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đạt tăng trưởng dương cũng như khống chế tốt dịch Covid-19 là điều đáng mừng và chúng ta có thể tự hào về điều này.
Về mặt quốc gia, cần có những hoạch định mang tính chiến lược hơn. Ví dụ, quốc gia sẽ nói cho công dân của mình về thế mạnh của đất nước, con đường mà đất nước sẽ đi để công dân biết tìm ra con đường phát triển của riêng mình trong con đường chung của đất nước. Song tất cả chỉ mang tính gợi ý, cái chính là tự do lựa chọn của mỗi cá nhân.
Nhiệm vụ của chính quyền là tạo ra môi trường chính trị, pháp lý và văn hóa lành mạnh để giúp người dân phát huy tối đa tiềm năng của họ, phát triển bản thân, gia đình và tổ chức. Đặc biệt là ở nền giáo dục của nước nhà. Một hệ thống quản trị quốc gia tốt là một hệ thống giúp tất cả người dân đều có cơ hội khai mở tâm trí và giải phóng tối đa tiềm năng của họ.
Tựu trung lại, chúng ta xây dựng quốc gia bắt đầu từ những công dân với những đóng góp tốt nhất. Đóng góp tốt nhất của mỗi công dân đối với đất nước là đóng góp một con người tử tế. Và nếu muốn làm nhiều hơn nữa - hãy đóng góp cho đất nước một gia đình tử tế, một tổ chức tử tế. Thiết nghĩ, người yêu nước nhất là người cống hiến nhiều sự tử tế nhất. Công việc và cách sống tốt của mỗi người chính là cống hiến lớn nhất của người đó cho xã hội!
Còn theo PGS.TS xã hội học và đô thị học Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM, muốn khơi dậy sức mạnh của một dân tộc phải bắt đầu bằng niềm tin. Quan trọng niềm tin đó là một niềm tin chính trị, tức tin rằng chính quyền này là thật sự vì nhân dân, không có lợi ích riêng tư nào cả. Phải hiểu đó không phải là khát vọng của một cá nhân, mà của cả một dân tộc, một quốc gia. Muốn khơi dậy sức mạnh của một quốc gia thì phải thống nhất được ý chí. Muốn thống nhất ý chí thì cũng trở lại vạch xuất phát ban đầu - phải tạo dựng được niềm tin.
"Và khi nhân dân tin rồi thì sẽ không tiếc công, tiếc sức, tiếc của, bỏ hết tài sản ra để cùng với chính quyền xây dựng đất nước phát triển. Đấy là khát vọng vươn lên, khát vọng trở thành các quốc gia hùng cường", ông Hòa nhấn mạnh.
Năm nay khủng hoảng kinh tế dẫn theo khủng hoảng giáo dục, y tế, khủng hoảng chung của xã hội. Ví dụ như vấn đề ly hôn tăng lên, mâu thuẫn trong gia đình, cộng đồng tăng lên, phân hóa giàu nghèo cũng tăng. Không tránh khỏi tệ nạn xã hội như cướp giật, lừa đảo, bán dâm… Có điều, Việt Nam giữ mức khủng hoảng xã hội không quá trầm trọng, hay cực đoan. Khủng hoảng xã hội này sẽ qua trên cơ sở khắc phục khủng hoảng kinh tế. Một khi kinh tế lên thì mọi thứ sẽ phục hồi.
(Còn nữa)
Tin cùng chủ đề: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
Vui lòng nhập nội dung bình luận.