Bamboo Airways và giấc mơ hàng không 5 sao của ông Trịnh Văn Quyết

Nguyên Phương Thứ năm, ngày 07/02/2019 08:00 AM (GMT+7)
Sau hàng loạt nỗ lực chuẩn bị cho ngày cất cánh, hãng hàng không Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết đã chính thức thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên trong những ngày đầu năm 2019. Song giấc mơ đưa Bamboo Airway vươn mình trở thành hãng hàng không 5 sao sẽ gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh phải cạnh tranh với hai “ông lớn” cùng ngành là Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Bình luận 0

img

Bamboo Airways đã chính thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên từ Sài Gòn đi Hà Nội vào lúc 6h ngày 16.1.2019.

Tiềm năng thị trường và giấc mơ hàng không 5 sao của ông Trịnh Văn Quyết

Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới với tỷ lệ trung bình 16,6%/năm trong giai đoạn 2001-2014. IATA cũng dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Còn theo nghiên cứu của Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương, ngành hàng không Việt Nam phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Lượng hành khách hàng không Việt Nam đã đạt tăng trưởng trung bình 14,9%, giai đoạn năm 2010-2015 và sẽ vẫn đạt con số 13,9% trong 5 năm tiếp theo.

img

Với một thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam, không khó hiểu khi nhiều doanh nghiệp, hãng bay như Air Asia, Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar  có ý định gia nhập cuộc đua giành thị phần trong ngành dịch vụ vận tải hàng không.

Tuy nhiên, sự kiện thu hút nhiều sự chú ý nhất của của công chúng trong 2 năm qua chính là việc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC quyết định thành lập công ty con với tên gọi Công ty TNHH Hàng không Tre Việt vào cuối tháng 5.2017 với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không dân dụng và vốn góp 700 tỷ đồng vào công ty mới. Và sau hai lần lỡ hẹn cất cánh, Bamboo Airways đã chính thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên mang mã số QH202 từ Sài Gòn đi Hà Nội vào lúc 6h ngày 16.1.2019.

img

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC trao đổi với báo giới

Không hề giấu diếm tham vọng của mình, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC tự tin bày tỏ tham vọng: “5 năm tới, tôi kỳ vọng Bamboo Airways sẽ trở thành hãng hàng không 5 sao, phục vụ tốt nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Quốc tế sẽ biết tới Bamboo Airways với tư cách một hãng hàng không 5 sao của Việt Nam”.

Theo ông Quyết, Bamboo Airways chắc chắn sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Số lượng du khách quốc tế tới với Việt Nam sẽ tăng trưởng đột biến trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Tự tin lựa chọn mô hình Hybrid, một mô hình khá mới mẻ, kết hợp giữa hàng không truyền thống (đầy đủ dịch vụ) và hàng không chi phí thấp (dịch vụ có cắt giảm), lãnh đạo Bamboo Airways kỳ vọng mô hình này sẽ giúp hãng có thể chiếm khúc thị phần nằm giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Điều này được thể hiện qua việc Bamboo Airways tuyên bố lựa chọn tập trung vào các đường bay "ngách" đi các tỉnh thay vì chen chân vào đường bay Hà Nội - TP.HCM, sân chơi chính của Vietnam Airlines và Vietjet Air.

img

“5 năm tới, tôi kỳ vọng Bamboo Airways sẽ trở thành hãng hàng không 5 sao", ông Trịnh Văn Quyết bày tỏ tham vọng.

“Người đi sau bao giờ cũng phải chọn con đường vừa phù hợp với sức, vừa phù hợp với chiến lược của mình. Chúng tôi sẽ đầu tư để Bamboo Airways vừa phục vụ nhu cầu cho du khách trung - cao cấp, vừa phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng có nhu cầu di chuyển bằng đường không với giá siêu rẻ.

Tôi hay nói là sẽ có giá vé siêu rẻ phục vụ du khách. Cụ thể, tới năm 2020, FLC sẽ có 20 khu nghỉ dưỡng nằm trải dài khắp Việt Nam. Chúng tôi sẽ có chính sách riêng, cứ khách hàng bay trên chuyến bay của Bamboo Airways mà nghỉ dưỡng tại các quần thể của FLC, chúng tôi có thể sẽ lấy tiền vé theo cách “gọi là lấy cho có”, thậm chí miễn phí nếu như có sự hợp tác trước đó. Phục vụ nhu cầu cách siêu rẻ là như vậy”, ông Trịnh Văn Quyết nói.

Khi được hỏi về lợi thế cạnh tranh của Bamboo Airway với các “ông lớn” cùng ngành, ông Trịnh Văn Quyết chỉ chia sẻ ngắn gọn: “Đó là chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Cố gắng tối đa để phục vụ khách hàng chu đáo nhất có thể. Đó là thước đo giá trị của một hãng hàng không”.

Miếng bánh thị phần và bài toán của Bamboo Airways

Là hãng hàng không thứ 5 của Việt Nam tham gia vào một trong những thị trường hàng không phát triển nóng nhất thế giới, Bamboo Airways dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

img

Hiện tại, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tham gia khai thác của 63 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam.

Các hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific Airlines và Vasco hiện đang khai thác khai thác 105 đường bay quốc tế. Trong đó, VietJet Air với 43% thị phần, Vietnam Airlines với 42% là 2 hãng hàng không nắm giữ thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

img

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, lĩnh vực hàng không có tính chất độc quyền tự nhiên và độc quyền Nhà nước (độc quyền giấy phép). Do suất đầu tư và chi phí đầu tư lớn nên hãng càng vận hành với công suất cao, sử dụng máy bay nhiều, chi phí trung bình sẽ giảm. Từ đó, tạo ra lợi thế cạnh tranh.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận định: "Lợi thế cạnh tranh khiến những doanh nghiệp gia nhập sau khó tham gia vào lĩnh vực hàng không, lĩnh vực này mang tính chất độc quyền tự nhiên là như vậy.

Những hãng hàng không tham gia sau sẽ khó cạnh tranh với những hãng hàng không trước vì những hãng hàng không trước đã khấu hao tài sản khá lâu, chi phí trung bình đã giảm. Những hãng hàng không mới vào sẽ có chi phí rất cao, giá vé phải đặt ở mức cao, hoặc phải có một nguồn lực mạnh đề bù vào nhằm chống chịu được giai đoạn đầu, chịu lỗ được".

Lấy ví dụ trường hợp hãng hàng không Bamboo Airways, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn tiếp lời: "Bamboo Airway đầu tư vào ngành hàng không thì nguồn lực hỗ trợ từ các mảng khác phải đủ mạnh, ổn định để bơm cho hàng không trong giai đoạn đầu. Nếu không, họ sẽ khó vượt qua gia đoạn thua lỗ ban đầu, đó là thực tế.

Nhưng các hãng hàng không mới chỉ có thể đi vào thị trường ngách và tạo ra khác biệt hóa. Đó là cơ hội để họ thành công. Hiện Vietnam Airlines và Vietjet Airs đã thống lĩnh những đường bay lớn thì anh có thể đi vào những thị trường ngách những cực tăng trưởng mới nổi lên. Ngoài ra, là bài học Vietjet Air vượt qua Vietnam Airlines trên một số phân khúc nhờ sự khác biệt hóa”.

Điểm nghẽn hạ tầng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam sẽ tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020, và 8%/năm giai đoạn 2020-2030. Hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn đến 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020-2030.

img

TS. Huỳnh Thế Du, ĐH Fulbright Việt Nam

Tuy nhiên, một rào cản lớn đối với sự bùng nổ này chính là điều kiện cơ sở hạ tầng của ngành vận chuyển hàng không nước ta đang trong tình trạng quá tải trầm trọng, khó có khả năng đáp ứng sự tăng trưởng mạnh nếu không nhanh chóng có những giải pháp kịp thời.

Theo TS. Huỳnh Thế Du, ĐH Fulbright Việt Nam, sự phát triển của thị trường hàng không Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề hóc búa, đó là hạ tầng còn hạn hẹp. Trong đó, tắc nghẽn là vấn đề hiện hữu. Thực trạng này rất cần sự tham gia của tư nhân vào phát triển hàng không, và mô hình đối tác công tư là mô hình tiềm năng nhất để phát triển hàng không Việt Nam trong trương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem