Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho rằng, nhờ sự vào cuộc mạnh của 3 nhà máy đường hoạt động trên địa bàn tỉnh, việc tiêu thụ mía của nông dân đến nay cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, theo ông, do giá mía nguyên liệu xuống thấp, chỉ 700-800 đồng/kg, trong khi giá nhân công thu hoạch lại tăng gấp đôi (300.000 đồng/tấn) so với vụ trước nên nông dân trồng mía của Hậu Giang lỗ nặng.
Hậu Giang sẽ giảm diện tích mía xuống còn 6.000 héc ta đến năm 2020. Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh
Lý giải nguyên nhân khiến giá mía nguyên liệu thấp, ông Đồng cho biết, do bất ổn về cung cầu, mà cụ thể là đường lậu từ Thái Lan tràn vào biên giới Việt Nam với giá chỉ 9.500 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất đường của Việt Nam là trên 10.000 đồng/kg, cho nên không thể cạnh tranh nổi với đường Thái.
Ngoài ra, theo ông, các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo tiêu thụ đường lớn ở trong nước, thì lại nhập khẩu đường lỏng với giá rất rẻ, “cho nên, nhiều vấn đề như thế khiến giá đường mình (Việt Nam) dội chợ, rất là căng thẳng, mía nguyên liệu xuống thấp”, ông cho biết và thông tin khi vào vụ, riêng Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO) đã tồn kho khoảng 30.000 tấn.
Ngành mía đường gặp khó nên tỉnh Hậu Giang có kế hoạch tiếp tục kéo giảm diện tích sản xuất mía xuống, chỉ còn 6.000 héc ta đến năm 2020.
Theo ông Đồng, cách đây 2 năm, diện tích sản xuất mía của tỉnh Hậu Giang là 14.000-15.000 héc ta, nhưng do sản xuất mía gặp khó nên nông dân đã giảm diện tích sản xuất và hiện chỉ còn 10.500 héc ta.
Dù diện tích đã giảm, nhưng ông Đồng cho biết, sản xuất mía vẫn không “chịu nổi”, cho nên, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đang xây dựng đề án tiếp tục cho chuyển đổi và giữ lại khoảng 6.000 héc ta mía đến năm 2020. “Với diện tích này, chúng tôi sẽ đi sâu đầu tư bao tiêu theo chuỗi giá trị để đủ sức cạnh tranh”, ông cho biết.
Theo đó, định hướng của địa phương sẽ cho nông dân chuyển đổi sang trồng xoài cát chu và mãng cầu xiêm, hai loại cây trồng vốn rất thích hợp với vùng đất Hậu Giang là đất phèn.
Ông Đồng thông tin, hiện nay trà mãng cầu xiêm của Hậu Giang được Ấn Độ đánh giá rất cao. “Một Hiệp hội tại Ấn Độ hiện cũng đã tìm hiểu và nếu không có gì thay đổi thì quý 1/2019 họ sẽ cử đoàn qua nghiên cứu về cây mãng cầu và cũng tính chuyện làm nhiên liệu sinh học từ cây mía”, ông cho biết: “Chúng tôi đang có định hướng nông nghiệp như thế, chứ cây mía hiện rất mệt mỏi rồi”.
Trung Chánh (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.