Khi điểm du lịch rừng thông bản Áng được hình thành, diện mạo bản làng bắt đầu đổi thay.
Bản Áng là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Thái, với hơn 350 hộ, được chia thành Áng I, Áng II và Áng III. Tên gọi của bản phần nào nói lên địa hình nơi đây (tiếng Thái, “áng” nghĩa là cái chậu). Trước kia, vùng này có một cái ao nhỏ. Các thế hệ người dân bản Áng đã mở rộng ao thành hồ nước rộng gần 40ha. Những rặng thông xanh mát ven hồ tạo cho bản Áng phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Người đầu tiên nghĩ đến làm du lịch ở bản Áng là bà Lữ Thị Huyền Mai. Năm 2006, dự một lớp tập huấn ngắn ngày về phát triển du lịch tổ chức tại xã Đông Sang, bà Mai nghĩ tới chuyện làm du lịch ở bản Áng. Việc đầu tiên, bà tổ chức Câu lạc bộ Dịch vụ du lịch tuổi trẻ Hoa Ban.
Theo bà Mai, khi khách du lịch đến bản Áng, phải có người biết cách đón khách, phải biết giới thiệu với khách về bản Áng, về bản sắc của dân tộc Thái. “Tôi xây dựng một câu lạc bộ nho nhỏ tập trung các cháu thanh niên để tập văn nghệ, những điệu múa dân gian. Sau đấy, tôi dạy các cháu làm ẩm thực” - bà Mai cho biết.
Tiếng lành đồn xa, số lượng các đoàn khách lui tới ngày càng đông. Các làn điệu dân ca, dân vũ; các món ăn, bài thuốc truyền thống của người Thái trở thành sản phẩm của du lịch bản Áng. Bây giờ ở bản Áng đã có khá nhiều hộ tổ chức đón khách du lịch.
Theo ông Lường Văn Khiết - Trưởng bản Áng II, du lịch là nghề rất mới nhưng đã đem lại nguồn thu đáng kể cho dân bản. “Tính ra bản Áng có 1/3 số hộ đã tham gia làm du lịch cộng đồng, có thu nhập rất khá, bình quân có những tuần thu từ 5-10 triệu đồng. Ít nhất cũng được 3-4 triệu. Có những hộ tuần thu đến 10 triệu đồng từ dịch vụ ăn uống, nhà trọ...
Đời sống dân bản không những khá lên mà bản sắc văn hóa dân tộc Thái không ngừng được phát huy. Từ 1 đội văn nghệ của Câu lạc bộ Dịch vụ du lịch trẻ Hoa Ban ở bản Áng II do bà Mai khởi xướng, bây giờ bản có tới 4 đội văn nghệ. 2 đội của thanh niên, một đội của Chi hội Phụ nữ, một đội của Chi hội Người cao tuổi.
Thanh niên bản Áng 1 và bản Áng II liên kết, lập nên đội văn nghệ xung kích. Các cháu thanh niên cũng chú ý đến bản sắc nhiều hơn, bắt đầu may thêm áo cóm, đội khăn piêu, học xòe, học làm các món ăn truyền thống... Bây giờ nhiều cháu đã giỏi nấu nướng, múa hát, xòe Thái. Các cháu thường xuyên học thêm với những người biết nấu nướng và ôn lại những nét đẹp của truyền thống của các cụ ngày xưa” - ông Khiết cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.