Nhiều hộ dân người S’tiêng, M’Nông, Khmer… bán điều non, cầm cố ruộng đất, quyền sử dụng đất (QSDĐ) đang gây nên tình trạng xã hội phức tạp tại Bình Phước.
Anh Điểu Huy (phải) đang trao đổi với phóng viên NTNN về việc bán 2 sào đất vườn điều. Ảnh: T.Đ
Năm 2010, trước tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong dân bùng phát, gây mất trật tự an ninh xã hội, xáo trộn đời sống nhân dân, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Chỉ thị 14/2010/CT-UBND nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Những tưởng chỉ thị này sẽ kéo giảm số hộ cầm cố, bán đất sản xuất…, thì đến cuối 2014 việc bán điều non, thậm chí bán luôn đất Chương trình 134 (hỗ trợ đất sản xuất- PV) cấp lại tiếp tục gia tăng.
Từ bán điều non…
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Điểu Lôi (ngụ ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) để hỏi về việc bán đất. Nghe tin có người muốn mua đất, anh Điểu Huy (con ông Lôi) tất tả chạy về nhà tiếp chúng tôi trong trạng thái… ngà ngà say!
Điểu Huy cho biết, gia đình anh còn lại khoảng 9 sào (9.000m2) đất trồng điều, trong đó đã bán điều non 7 sào cho ông Q ngụ cùng thôn trong vòng 5 năm, tính từ mùa điều năm nay 2015, với giá 40 triệu đồng để có tiền chữa bệnh cho ông Lôi. Hiện số tiền chữa bệnh đã lên gần 200 triệu đồng và gia đình ông Lôi vẫn còn nợ một số người.
Chúng tôi vờ nói muốn mua 2 sào đất còn lại, Điểu Huy cho biết giá là 72 triệu đồng, sau đó còn gạ chúng tôi mua nốt 7 sào đất nữa. Chúng tôi hỏi 7 sào đó đã bán điều non cho ông Q làm sao được bán đất thì Điểu Huy đáp: “Các anh cứ mua, sau 4 mùa điều 4 năm tới, đất sẽ là của các anh”.
Theo ông Tô Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Bình Minh, tính đến tháng 5.2015, toàn xã có tổng cộng 90 hộ dân người S’tiêng, M’Nông bán điều non với diện tích trên 100ha. Những hộ bán điều non hầu hết không phải hộ nghèo! Lý do các hộ này bán đất vì không có điều kiện chăm sóc điều, cần tiền đầu tư sản xuất... Thời hạn bán điều từ 1-10 năm, cá biệt có hộ bán… trên 15 năm.
“Những hộ bán điều non với thời gian dài cỡ chục năm xem như mất luôn đất” - ông Nam buồn bã nói.
Tương tự, tại xã Bom Bom (huyện Bù Đăng), tình hình bán điều non cũng khá sôi động. Báo cáo của xã cho thấy có tổng cộng 50 hộ ở xã này bán điều non.
…đến bán luôn đất được cấp
Ngoài thực trạng bán điều non, tỉnh Bình Phước đến nay có 459 hộ cầm cố, thế chấp đất ở, đất sản xuất với diện tích 565,64ha, riêng huyện Bù Gia Mập là 345 hộ.
Trong số 459 hộ cầm cố đất, có không ít hộ ở các huyện huyện Lộc Ninh, Bù Đăng và Bù Gia Mập thế chấp đất có nguồn gốc Nhà nước cấp, hỗ trợ theo các chính sách 134 của Chính phủ, 33 và 1592 của tỉnh. Cụ thể Bù Đốp có 29 hộ, Bù Gia Mập 12 hộ, thị xã Đồng Xoài 2 hộ. Điển hình có thể kể trường hợp ông Điểu Hơn (ngụ phường Sơn Giang, thị xã Phước Long) được cấp 0,5ha đất theo Chương trình 134, tuy nhiên, ông Hơn đã đem thế chấp với giá 2 triệu đồng/năm.
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước nhận định, ngoài một số hộ DTTS gặp thiên tai, mất mùa nên khó khăn phải bán đất, có không ít hộ chạy theo lối sống thực dụng, mua sắm các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày quá mức cần thiết, chi tiêu không biết tính toán dẫn đến vay lãi suất cao, đến khi không có tiền trả phải bán điều non, cầm cố đất hoặc bán đất.
Để dẫn chứng về lối sống đua đòi của nhiều hộ dân, vị này dẫn chứng: Khi các Chương trình 134, 135 được thực hiện, các thôn, xã có đường nhựa, có điện nên nhu cầu mua sắm vật dụng trong gia đình như xe máy, tivi... cũng tăng theo. Nhiều hộ khác thấy nhà bên cạnh có xe máy, tivi, karaoke... mà nhà mình không có liền bán đất để mua. “Thậm chí, có trường hợp đua đòi, bán đất mua ôtô về sử dụng, lúc xe hư không biết sửa đành bỏ luôn”- vị này nói.
Theo ông Điểu Giá - Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, trước tình trạng bán điều non, cầm cố và bán đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS, hàng năm huyện đều báo cáo số liệu, thực trạng đáng buồn này về tỉnh. Tuy nhiên, biện pháp của chính quyền địa phương vẫn chỉ dừng ở mức vận động vì đất của dân (đa số đất có được từ phá rừng), dân có quyền bán. Riêng với đất trong diện chính sách được cấp mà đồng bào bán đi, ông Giá cũng cho rằng rất khó để xử lý, thu hồi vì không có chứng cứ do giao dịch mua bán chỉ bằng miệng!
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, tính đến giữa năm 2014, toàn tỉnh có 668 hộ bán điều non với diện tích 1.086ha, thời gian bán từ 1-11 năm, tổng số tiền bán trên 11,8 tỷ đồng, tăng 201 hộ/404ha so với năm 2013.
Bán điều non là hình thức bán nông phẩm lấy tiền trước khi gặt hái, thu hoạch. Lợi dụng người dân thiếu hiểu biết lại cần tiền gấp, người mua thường ép giá xuống còn 1/2 hoặc 1/3 giá trị thật. Chính vì mua điều non của hộ DTTS khá lời nên thời gian mua bán thường kéo dài ít nhất là 5 năm, cho đến 10 – 15 năm. Sau khi mua điều non, người mua tự bỏ phân, chăm sóc và thu hoạch vườn điều đó. Nhiều trường hợp cho vay nặng lãi không trả nợ nổi, người cho vay cũng ép người vay phải bán rẫy điều với giá cực rẻ để trừ nợ.
(Còn nữa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.