Bán một loại hạt bé tí ra khắp thế giới, Việt Nam thu về hơn 615 triệu USD
Bán một loại hạt bé tí ra khắp thế giới, Việt Nam thu về hơn 615 triệu USD
Trang Ngân
Thứ bảy, ngày 16/09/2023 06:07 AM (GMT+7)
Xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 8/2023 của Việt Nam đạt 20.137 tấn hạt tiêu các loại, tăng 6.330 tấn (45,85%) so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Việt Nam thu về hơn 615 triệu USD nhờ xuất khẩu loại hạt bé tí này đi khắp thế giới.
Xuất khẩu hạt tiêu tăng về lượng, giảm về kim ngạch
Theo con số thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu các loại trong tháng 8/2023 đạt 20.137 tấn, tăng 4.880 tấn so với tháng 7 (tăng 31,99%) và tăng 6.330 tấn, tức tăng 45,85% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 188.059 tấn tiêu các loại, tăng 13.551 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 8 đạt 75,34 triệu USD, tăng 18,41 triệu USD, tức tăng 32,36% so với tháng trước và tăng 18,61 triệu USD, tức tăng 32,71 % so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lượng tiêu xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch lại giảm so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, tính chung 8 tháng qua, Việt Nam đã thu về 615,50 triệu USD từ xuất khẩu hạt tiêu, giảm 154,88 triệu USD, tức giảm 20,11% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam thời gian qua giảm. Bình quân giá tiêu xuất khẩu của nước ta trong 8 tháng ước đạt mức 3.263 USD/tấn, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ duy trì ở mức thấp. Nguyên nhân do nguồn cung nội địa không còn dồi dào, nhu cầu thu mua từ các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc chưa thực sự khởi sắc.
Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang là quốc gia chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần hồ tiêu toàn cầu, luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu. Hạt tiêu của nước ta đã có mặt ở khoảng 110 thị trường trên thế giới. Tổng sản lượng hạt tiêu xuất khẩu trong năm 2022 đạt 228.700 tấn, trong đó sản phẩm chính vẫn là hạt tiêu đen, chiếm 71,9% tỷ trọng với 166.793 tấn.
Đứng thứ hai là tiêu đen xay đạt 33.410 tấn, chiếm 14,4%; tiếp theo là tiêu trắng nguyên hạt với 20.517 tấn, chiếm 8,89%; còn lại 4,1% là tiêu trắng xay và 0,8% là tiêu ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng…
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong ngành cũng dự đoán sản lượng hạt tiêu của nước ta trong những năm tới có thể giảm, do nhiều nông dân đã chuyển đổi một phần diện tích trồng tiêu sang trồng sầu riêng, cà phê hoặc các loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Tại thị trường trong nước, giá tiêu hôm nay giảm nhẹ 500 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) giảm 500 đồng/kg, còn 70.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông cũng đồng loạt giảm 500 đồng/kg, hiện ở mức 71.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại khu vực Bình Phước về mức 72.000 đồng/kg, còn tại huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đạt 72.500 đồng/kg.
Hiện nay tổng diện tích trồng tiêu cả nước khoảng hơn 131.800ha, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên với diện tích chiếm trên 95% diện tích trồng hồ tiêu của nước; còn lại trồng rải rác ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Từ sau năm 2016, giá hồ tiêu liên tục lao dốc, nên người trồng hạn chế hoặc không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh, hệ quả là năng suất giảm. Để có đủ lượng tiêu phục vụ xuất khẩu, nước ta cũng đi nhập khẩu hồ tiêu từ các nước khác như Campuchia, Brazil, Indonesia. Đến năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 36.682 tấn hồ tiêu, tăng 44,7% so với năm 2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.