Bà có đánh giá gì về xu hướng chọn nghề của học sinh hiện nay so với nhu cầu của thị trường lao động?
- Xu hướng chọn nghề ở đây không chỉ là của học sinh mà còn nằm ở tư tưởng của phụ huynh. Trước đây, phụ huynh và học sinh đều nghĩ rằng con đường ngắn nhất và dễ nhất để thành công là vào ĐH. Cứ có tấm bằng ĐH là có thể giải quyết được vấn đề.
Tuy nhiên, hiện nay mối quan tâm của các em đã có chiều sâu hơn. Qua các buổi tư vấn, các em đã biết đặt câu hỏi: Ngành nào ra trường dễ xin việc làm? Bây giờ trường nào đào tạo dễ ra xin việc? Học công lập dễ xin việc hơn so với dân lập chăng? Bố em lựa chọn trường này, mẹ em lựa chọn trường khác, vậy em nên theo cái gì?... Đây có thể được coi là 1 tín hiệu vui trong việc nhận thức của học sinh và phụ huynh về chọn nghề. Sự thay đổi này có lẽ cũng bắt nguồn từ cảnh báo của xã hội trước tình trạng mỗi năm có hàng ngàn cử nhân thất nghiệp, cử nhân…dấu bằng đi làm công nhân?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm Thanh niên Hà Nội.
"Trong quá trình tuyển sinh tư vấn, chúng tôi nói với các em, vào ĐH không phải là con đường khởi nghiệp duy nhất và dễ nhất. Đỗ ĐH mà thất nghiệp thì cũng chẳng vẻ vang gì. Vì vậy, các em tùy theo tình hình thực tế, điều kiện cho phép để lựa chọn hướng vào đời cho mình".
|
Vậy theo bà, thí sinh nên dựa vào những tiêu chí nào để lựa chọn ngành nghề phù hợp?
- Thực tế, hiện nay, không phải đào tạo ra là làm đúng nghề. Thậm chí, nguồn cung đào tạo và nhu cầu sử dụng còn đang chênh lệch nhau rất lớn. Vì vậy, nhu cầu thị trường là 1 tiêu chí thí sinh cần xác định đầu tiên khi chọn nghề. Tiếp đó là khả năng, nguyện vọng, trình độ, sức khỏe, điều kiện gia đình và bản thân.
Trong số đó, yếu tố đam mê rất quan trọng để khẳng định các em gắn kết cả đời mình với 1 cái nghề. Khi có đam mê sẽ xác định mục tiêu, xác định nghề nghiệp rồi sẽ giúp các em thành công trong nghề đó. Dựa vào tư vấn của Trung tâm, nhiều em nhìn nhận lại, biết mình là ai, lực học của mình thế nào?
Để không rơi vào “bẫy” thất nghiệp sau khi ra trường, theo bà các cử nhân tương lai phải làm gì?
- Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngoài kiến thức cơ bản, sinh viên cần phải có kỹ năng nghề nhất định. Đặc biệt là chú trọng kỹ năng mềm. Chúng tôi luôn nói với các em, đi học hiện nay, bằng cấp là một phần, ít nhất cần phải có kỹ năng, nhiều sinh viên được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay từ năm cuối cùng. Đừng nghĩ có tấm bằng ĐH là dễ xin việc. Quan trong là việc thực hành. Học cái gì, làm gì cũng cần phải đầu tư và xác định rõ mục tiêu để học đến nơi đến chốn.
Trung tâm tư vấn không chỉ tư vấn định hướng mà còn đưa cả thông tin thực tế: những trường hợp cụ thể học ĐH ra khó xin việc, lương thấp, công chức viên chức lương thu nhập 2,3 – 2,6 triệu so với công nhân lành nghề rất dễ xin việc mà lương lại từ 4- 5 triệu hoặc cao hơn.
Thí sinh tham dự mùa tuyển sinh ĐH CĐ năm 2015 tìm hiểu thông tin về các nhóm ngành trước khi nộp hồ sơ (Ảnh chụp tại ĐH Sư phạm Hà Nội).
Vậy bà có lời khuyên nào cho những thí sinh đang đứng trước những băn khoăn chọn nghề?
- Trong quá trình tuyển sinh tư vấn, chúng tôi nói với các em, vào ĐH không phải là con đường khởi nghiệp duy nhất và dễ nhất. Đỗ ĐH mà thất nghiệp thì cũng chẳng vẻ vang gì. Vì vậy, các em tùy theo tình hình thực tế, điều kiện cho phép để lựa chọn hướng vào đời cho mình.
Nếu em thích kinh doanh có thể mở quán nước nhỏ, mở quầy tạp hóa, hoặc yêu thích nấu ăn sẽ đi học cấp tốc về mở hàng quán nhỏ, dần dần nâng cấp… Nếu gia đình khó khăn về kinh tế có thể theo cách học lâu dài, vừa học vừa làm từ trung cấp liên thông lên. Hoặc nhiều gia đình có điều kiện hơn cho con đi du học, tu nghiệp sinh, lao động nước ngoài, học nghề, mở ra cho các em con đường nếu như em đó chăm chỉ. Trung tâm luôn tư vấn cho các em những con đường tắt, đi ngang, đi dọc để giúp các em định hướng, lựa chọn cho mình một nghề phù hợp, tốt nhất. Không phải cứ “gồng” lên thi đại học mới thành công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.