Chuyện khó tin ở xã đảo
Năm 2005, xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) như một ốc đảo tách biệt với bên ngoài. Cả xã có đến hơn 75% hộ nghèo. Nhiều người còn chưa một lần nhìn thấy ánh đèn điện.
Nhiều hộ dân trong xã đã xây dựng được nhà cửa kiên cố. Ảnh: Lê San
Đến với Bản Sen những ngày đầu năm mới thấy được cuộc sống của người dân ở đây thay đổi đến không ngờ. Con đường từ đầu xã đến cuối xã được trải nhựa, đường liên thôn cũng được bê tông hoá thay thế con đường đất đá gập ghềnh khi xưa. Hai bên đường là những ngôi nhà mới còn vương mùi sơn, ngói.
Ông Lê Hồng Phương – Chủ tịch UBND xã Bản Sen kể: “Từ những ngày còn nghèo khó, chính quyền xã Bản Sen quyết tâm thay đổi tỷ lệ từ 75% hộ nghèo thành 75% hộ khá, giàu. Chuyện lúc đấy có vẻ khó tin nhưng không phải không có cơ sở, chúng tôi có thế mạnh là trồng lúa, trồng rừng, trồng cây ăn quả và nuôi thuỷ hải sản là con tu hài và hàu biển”. Cùng với việc đầu tư triển khai xây dựng NTM, Bản Sen tập trung hỗ trợ cây trồng, con giống cho người dân phát triển những thế mạnh đó. Xã Bản Sen có 6 thôn, trong đó có 3 thôn chuyên về trồng lúa, chăn nuôi, 3 thôn còn lại chủ yếu trồng rừng, cam, chè và nuôi trồng thủy, hải sản. Hiện nay cả xã 70ha cam sen, một cây trồng của địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Diện tích cam cũ còn 20ha. Chúng tôi xác định, mỗi năm sẽ tăng diện tích từ 10 – 20ha, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 150ha theo quy hoạch” – ông Phương cho hay.
Phát triển đúng hướng, cộng thêm sự hỗ trợ kịp thời về cây giống, con giống của Nhà nước nên các hộ dân ở Bản Sen đều có cơ hội phát triển kinh tế. Gia đình ông Kiều Văn Tân, thôn Nà Na sống ở trên đảo này đã mấy đời. Ông Tân kể: “Ngày xưa nghèo lắm, đường sá đi lại toàn phải lội qua suối. Đến cái xe đạp cũng chẳng biết là cái gì, muốn ăn miếng thịt cũng chẳng có mà ăn. Dân trên đảo toàn tập trung vào nghề biển, nuôi thuỷ hải sản nhưng thiên tai xảy ra liên miên khiến nghề đánh bắt nuôi trồng thuỷ hải sản gặp nhiều khó khăn. Chẳng ai còn có vốn liếng gì để làm ăn, lúc ấy được Nhà nước hỗ trợ cây giống trồng cam, chè, trồng rừng mới bắt đầu khá lên được”. Gia đình ông Tân hiện có hơn 1.000 gốc cam, mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng. Hàng năm ông vẫn ở mở rộng trồng thêm hàng trăm cây cam, mở cửa hàng tạp hoá để cung cấp nhu yếu phẩm cho cả thôn.
Nhờ tập trung phát triển kinh tế, từ 75% hộ nghèo, hiện Bản Sen chỉ còn 9,17% hộ nghèo, các hộ khác đều vươn lên khá giả và làm giàu.
No con chữ, thêm ánh điện
Nằm giữa trung tâm xã Bản Sen, các trường THCS và và tiểu học, mầm non của Bản Sen đã được đầu tư xây dựng khang trang. Cách đây chục năm hầu như các em chỉ học hết THCS rồi theo người lớn lên rừng, ra khơi. Số em sang đất liền học cấp 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng nay mọi thứ đã đổi khác. Cô giáo Hoàng Thuý Phương – Hiệu trưởng Trường THCS Bản Sen cho hay: “Trường được xây dựng khang trang từ đầu tháng 9.2012. Tháng 10.2014, nhà trường đã xây dựng được nhà bán trú để tiện cho các em học sinh theo học. Toàn trường có 132 em học sinh, trong đó có 20 em ở bán trú. Các em tốt nghiệp theo học ở các trường cấp 3 trong đất liền cũng rất nhiều. Năm 2015, trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia”.
Cuối tháng 12.2014, niềm mơ ước nhiều năm của người dân đã thành hiện thực khi Bản Sen chính thức được sử dụng lưới điện quốc gia. Nghe thông tin sẽ được đóng điện trong tháng 12, nhiều hộ dân đã chủ động sắm sửa tivi, tủ lạnh và các thiết bị điện trong gia đình.
Có điện, người dân Bản Sen nghĩ ngay ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp của mình. Trước nay, để diệt sâu bọ, tưới nước cho cây trồng, ông Kiều Văn Tân vẫn phải sử dụng phương pháp thủ công, mất rất nhiều công sức nhưng hiệu quả không cao. Từ ngày có điện, gia đình ông đã mua sắm máy bơm nước để tưới cho vườn cam. Gia đình ông cũng sắm được tủ lạnh, ti vi để phục vụ sinh hoạt.
Tính đến nay, trên toàn xã có khoảng 200 hộ nuôi thủy sản cho giá trị kinh tế cao như tu hài, hàu... với hàng nghìn ha, đạt thu nhập từ 2-4 tỷ đồng mỗi năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.