Bàn thảo về mỹ thuật thời Lý

Thứ năm, ngày 26/08/2010 23:00 PM (GMT+7)
(Dân VIệt) - "Mỹ thuật thời Lý - Mối quan hệ nghiên cứu đa ngành" là tên hội thảo diễn ra trong ngày 25-8 tại Bảo tàng Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội).
Bình luận 0
img
Móng tháp được phát hiện trong quá trình tôn tạo chùa Phật Tích.

Tại đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra các phát hiện, cũng như những ý kiến cá nhân của mình trong quá trình nghiên cứu về mỹ thuật thời Lý như: Hình tượng con rồng, tượng sư tử, các họa tiết hoa văn trang trí, các bức chạm khắc gỗ, điêu khắc đá… có sự ảnh hưởng giao thoa của văn hóa Chăm pa, văn hóa Trung Quốc.

Đặc biệt, các vấn đề gốm sứ, Phật giáo thời nhà Lý cũng được đề cập. Qua các bài tham luận về Phật giáo, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: Thời Lý, Phật giáo được coi là quốc pháp, và hình tượng đặc trưng của Phật giáo là con rồng, tòa tháp. Các ý kiến phát biểu cũng khẳng định thời Lý đã có đồ gốm đạt đến độ tinh xảo, với chất lượng của hoàng gia…

Tuy nhiên, giá trị mỹ thuật Lý cao siêu là thế, di sản còn lại cũng phong phú và đồ sộ là thế, nhưng đâu đó, sự coi trọng bảo tồn và phát huy lại ở "dưới mức cần thiết", kể cả với những di sản đang trong tình trạng cần bảo vệ cấp thiết.

Ngay với chùa Phật Tích ở Bắc Ninh - một trong những đối tượng chính của cuộc triển lãm và hội thảo thì những năm qua, việc trùng tu, tôn tạo đã làm không gian và cảnh quan chùa biến đổi rất nhiều. Việc phát hiện móng tháp thời Lý tại chùa tưởng chừng đã đem lại hy vọng lớn cho giới khảo cổ, văn hoá… nhưng móng tháp sau đó lại được lấp đi để xây công trình bề thế ở trên, điều này vẫn còn gây nhiều bức xúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem