Bọn ít tiền hiếm khi được đi đâu đành phải ngồi nhà háo hức bứt rứt đọc. Ô, hóa ra có những vùng đất lạ kỳ thú vị quá. Không những núi non sông biển đã khác ta, mà nhà cửa cây cối cũng khác. Nếu cố gắng trầm lắng suy tư quan sát, tự dưng run rẩy thấy ở nó chứa đựng cả một sự sâu sắc triết học.
Thế nhưng lạ nhất vẫn là con người, đặc biệt là ở mấy nước Âu Mỹ mang vẻ tiên tiến văn minh. Người ở đấy chả hiểu được nuôi dưỡng bằng thứ thức ăn gì mà hễ cứ mở miệng là “I'm sorry”, là “Excusez-moi”. Sau khi lần hồi xem cước chú dưới cuối trang, thì bọn ít được đi đâu đại loại mới biết, mấy cái chữ tiếng Tây đấy nôm na nghĩa là “Xin lỗi”.
Văn hóa xin lỗi ở ta gần đây được tràn lan tranh luận trên mọi diễn đàn. Người nghiêm khắc đứng đắn cho là chưa có. Người tử tế phóng khoáng lại cho là quá nhiều. Đám bảo “có” thường đem quan chức ra làm ví dụ. Đám bảo “không” lại đem thảo dân ra để chứng minh. Bên nào thì lý cũng đạt, tình cũng thấu.
Quan chức hay phải nói lời xin lỗi thì là chuyện đương nhiên, bởi nghề làm quan là một trong những thứ nghề rất hay tạo ra lỗi. Cứ nhìn những phiên tòa xử các quan mà xem. Khi được nói lời cuối cùng bao giờ bọn họ cũng nức nở xin người thân tha lỗi. Có người nhớ được dai hơn thì sẽ xin lỗi đồng nghiệp, thậm chí cả dân phố khu đó. Còn làm dân thì hình như khó mắc lỗi hơn. Lý do tại sao thì mọi người đều biết.
Trong giáo lý của một vài tôn giáo lớn, chủ đề về những chuyện vấp ngã đạo đức ở con người, thường biểu hiện qua khái niệm tội hay lỗi, luôn được quan tâm. Nhờ sự chân thành vất vả sám hối (sám là ăn năn lỗi trước, hối là chừa bỏ lỗi sau), được trời thương đất thứ, người vấp ngã suýt soát quay trở về trong trắng.
Chính vì lẽ đó, trên một tinh thần thương yêu đẫm đầy bao dung vị tha, hầu hết các tôn giáo lớn đều tạm chia sự “vấp ngã” ra thành nhiều mức độ. Có thể đấy mới chỉ là mong manh “lạc”, là non nớt “lầm”, nặng hơn sẽ là sơ suất “lỗi”, còn hơn nữa thì mới là “tội”. Ngay cả vấn đề “tội” cũng phân thành những lẽ trọng khinh. Và tùy theo mức phạm nặng nhẹ, sẽ là những hình thức tự sám hối tương hợp. Làm gì có chuyện “gây hậu quả nghiêm trọng” mà lúc bị ra tòa lại ra vẻ âu sầu rồi nhăn nhở xin lỗi.
Đa phần đàn ông thị dân bây giờ thường hay cố tình nhầm “tội” là “lỗi”. Khi nhỡ dẫm phải chân người mẫu hay khẽ chạm vào vòng một của hoa hậu, bọn họ thường nức nở gào: “Mong quý bà, quý cô tha tội”. Còn khi lừa tình làm tan đời một mới lớn thiếu nữ, bọn họ chỉ sụt sịt thốt “ai em xo di”.
Bọn họ “hậu hiện đại” quan niệm, khi xã hội ngày nay phát triển đến chót vót văn minh thì mọi ứng xử tự thân đều mang một giá trị ngang nhau, một phép lịch sự xin lỗi cũng ngang như một nghi lễ tạ tội. Có lẽ vì thế, bọn họ thường nhăn nhó khó hiểu khi đứng trước sự ân hận của các lỗi lạc anh hùng.
Bản chất của con người hầu hết không muốn nhận lỗi về mình chứ đừng nói gì tới việc nhận tội. Cứ nhìn những cặp vợ chồng ở phố đang sắp sửa ly hôn hay đám người tình thị dân một thời say đắm yêu nhau đang chuẩn bị chia tay thì thấy. Hầu như ai nấy cũng đều rạo rực chính khí mồm năm miệng mười đổ lỗi cho người khác.
Hình như càng đổ được nhiều lỗi cho người khác, người ta càng thấy tội của mình nhẹ đi. Phẩm chất này tồn tại một cách đặc biệt điển hình ở những quý ông trót vào vai cao thượng cao quý. Lúc bị rơi mặt nạ, thường câu cửa mồm ở bọn họ là: “Thế các người cứ tưởng tôi ngu lắm à”. Vâng, thưa quý ông. Chẳng ai tưởng ông ngu cả, mà chỉ cay đắng xót xa nghĩ, tại sao ông lại khôn ngoan đến vậy.
Văn bia “Thái phó Trương thăng phủ mộ bi” của nhà Nho người Việt là Vũ Phạm Khải có mở đầu bằng một câu “Ôi, quân tử luận về con người không phải ở chỗ họ không có lỗi mà ở chỗ họ có lỗi”. Đã sống là người, cho dù tử tế đến mấy cũng đều có lỗi. Chỉ có điều, khi lỗi đã tha hóa thành tội thì xin đừng nhẹ nhàng nói “I'm sorry”.
Nghe lịch sự cứ như văn chương du ký.
Nguyễn Việt Hà (An ninh Thủ đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.