Bảng chữ nổi đặc biệt không cần dùng giấy cho học sinh khiếm thị

Tào Nga Thứ bảy, ngày 24/12/2022 18:05 PM (GMT+7)
Bảng chữ nổi đặc biệt ở chỗ, khi người khiếm thị dùng viết chữ nổi không cần dùng giấy mà vẫn có thể đọc các ký tự chữ nổi, có thể vừa viết vừa đọc chữ nổi mà không cần phải mở bảng ra.
Bình luận 0

Tặng bảng chữ nổi cho học sinh khiếm thị là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án KOICA CTS Seed 2, được thực hiện bởi Overflow, Hàn Quốc phối hợp cùng Trung tâm Vietnam And Friends (VAF) triển khai tại Việt Nam. Dự án dự kiến sẽ cung cấp tổng 300 bộ sản phẩm bảng viết chữ nổi Versa cho đối tượng là người khiếm thị tại Việt Nam.

Với chiếc bảng này, học sinh khiếm thị dùng viết chữ nổi không cần dùng giấy mà vẫn có thể đọc các ký tự chữ nổi, có thể vừa viết vừa đọc chữ nổi mà không cần phải mở bảng ra. Ngược lại hoàn toàn so với bảng chữ nổi truyền thống.

Bảng chữ nổi đặc biệt không cần dùng giấy cho học sinh khiếm thị - Ảnh 1.

Các em học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội được tặng bảng chữ nổi. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội là những người nhận món quà này đầu tiên của dự án. Các em cùng thầy cô đã có những trải nghiệm mới rất thú vị so với những bảng viết chữ nổi truyền thống cần dùng giấy để lưu lại chữ viết.

Cô Khương Thị Bích Hằng, giáo viên tiếng Anh của dự án One World One Language, VAF chia sẻ: "Bảng rất hữu ích đối với các bạn học sinh khiếm thị, đặc biệt với các bạn khiếm thị nhỏ tuổi vì nó không chỉ là một công cụ ghi lại chữ viết mà các bạn có thể sử dụng để tạo các trò chơi bằng chữ nổi, qua đó các bạn sẽ học và viết chữ nổi một cách hiệu quả hơn mà không sợ tốn giấy".

Còn đối với thầy giáo Ngô Văn Hiếu, giáo viên dạy Toán trường PTCS Nguyễn Đình Chiều, chiếc bảng này đặc biệt quan trọng với môn Toán, môn mà các bạn học sinh khiếm thị phải dùng rất nhiều các phép tính. Bảng cho phép các bạn làm phép tính, ra kết quả xong và có thể xoá đi để làm các phép tính mới. Việc này hoàn toàn chưa từng có trước đó mà các bạn học sinh chủ yếu là dùng tính nhẩm ở trong đầu nên nhiều khi bị các phép tính bị lẫn lộn kết quả.

Em Nguyễn Mai Anh, học sinh khiếm thị chia sẻ: "Không chỉ học, bọn em còn có thể chơi trên bảng này, vẽ nữa. Em rất thích".

Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ sâu rộng hơn tới đối tượng thụ hưởng là người khiếm thị tại Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem