Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc - trung thần tiết nghĩa triều Lê

Xuân Thắng Thứ ba, ngày 07/04/2015 17:32 PM (GMT+7)
Tiết Nghĩa Từ, tức đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc - Danh nhân lịch sử triều Lê, một trung thần tiết nghĩa của Đại Việt ta ở thế kỷ XVI, nay thuộc xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Bình luận 0
Sinh thành trong thế gia vọng tộc, có cha là tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung (đỗ tiến sĩ năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 - 1469 đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Lại), Nguyễn Mẫn Đốc đã sớm phát huy được truyền thống thi thư, lễ nghĩa. Trong khoa thi năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3, đời vua Lê Chiêu Tông - 1518, Nguyễn Mẫn Đốc đã đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập Đệ nhị danh (Bảng nhãn). Theo các sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (thế kỷ XVIII), Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) đều ghi Ông đỗ tiến sĩ năm 27 tuổi. Riêng trên bia khoa bảng dựng năm 1793 đặt ở Văn chỉ làng Dòng, ghi ông đoạt học vị Bảng nhãn năm 21 tuổi (?). 
img
Một số Sắc phong qua các triều Vua cho Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc. (Ảnh: tư liệu)
Theo chính sử vào năm 1527, Mạc Đăng Dung đã tiếm ngôi nhà Lê, lập ra triều Mạc. Trước đó, vào năm 1522, trong biến cố triều chính, Lê Chiêu Tông phải tạm dời kinh thành Thăng Long vào Bảo Châu (xưa thuộc trấn Thanh Hoa; nay là tỉnh Thanh Hóa) lánh nạn. Tại đây, Vua Lê Chiêu Tông đã thảo tờ mật chiếu kêu gọi các bậc đại thần, công khanh phò tá giúp triều đình. Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc cùng thầy dạy học là Trạng nguyên Vũ Duệ và nhiều đại thần trung thành với vua Lê Chiêu Tông, quyết tâm ứng nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng ngàn nghĩa binh được chiêu mộ, đã cùng nhau vào Thanh Hoa. Vua tôi gặp nhau ở Lạc Thổ (Đời Lê thuộc phủ Thiên Quan, trấn Thanh Hoa, sau đó thuộc phủ Nho Quan, Ninh Bình). Mạc Đăng Dung biết tin đã cử tướng lĩnh đem binh mã vào tiến đánh và xảy ra trận giao chiến lớn ở Cẩm Thủy.

Nhờ mưu trí, lòng dũng cảm trung vua của tướng Lê Duy Hàn và thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc, vua Lê Chiêu Tông đã thoát khỏi vòng vây và lui về vùng rừng núi châu Lang Chánh. Tuy nhiên, do lực lượng ít, lại gặp cường địch nên vua tôi mỗi người thất lạc một nơi. Khi chạy đến địa phận Lam Sơn, biết không thể thoát nạn nhưng để giữ trọn khí tiết, Vũ Duệ bèn rút gươm chỉ lên trời mà hét to: Ta liều thân để đáp đền nợ nước. Nhưng than ôi, sức cùng, lực tận rồi!. Nói xong, thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc cùng một số trung thần khác sửa soạn mũ áo chỉnh tề, cùng hướng về lăng vua Lê Thái Tổ bái lạy, rồi tự vẫn. Hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm 1522, ông hưởng thọ 31 tuổi.

Hành động tuẫn tiết của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc đã thể hiện rõ lòng “trung quân, ái quốc” của một vị đại khoa, đại thần triều Lê. Ông được triều đình nhà Lê, Nguyễn nhiều lần ban sắc phong và truy phong Tiết Nghĩa Đại Vương, thụy Nhã Lượng và được đặc cách phong Thành hoàng làng Xuân Lũng, bên cạnh Thành hoàng làng là Cao Sơn Đại Vương. Năm 1667 (Đinh Mùi), đời Cảnh Trị thứ 5, niên hiệu vua Lê Huyền Tông cho phép lập "Tiết Nghĩa từ" ở quê hương để tưởng nhớ công lao to lớn của Ông. Ở Văn miếu Quốc Tử Giám, tại bia số 13 khắc ghi tên ông - Nguyễn Mẫn Đốc, đề danh tiến sĩ khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3.

img

Tiết nghĩa từ (Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc) tại xóm Chùa, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Hằng năm, cứ vào ngày 22 tháng Hai âm lịch (là ngày chính kỵ của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc), con cháu dòng họ cùng dân làng và nhân dân xã Xuân Lũng lại long trọng tổ chức tế lễ tưởng nhớ, tri ân công lao, đóng góp to lớn của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc - Danh nhân lịch sử tiêu biểu, một trung thần tiết nghĩa của đất nước Đại Việt thế kỷ XVI.

Ngày 28.01.2015, tại Quyết định số 226/QĐ-BVHTTDL, Tiết Nghĩa Từ - Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Đây không chỉ là sự vinh danh, tri ân công lao của những người có công với dân với nước; khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa đang được bảo tồn, lưu giữ tại Đền, mà còn là sự xác lập cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, trùng tu tôn tạo nhằm phát huy giá trị văn hóa lịch sử lâu dài của Di tích.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia được tổ chức vào 8h00, ngày 10.4.2015 (tức ngày 22 tháng Hai năm Ất Mùi) tại xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Tài liệu tham khảo:

Theo "Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc - nhân vật lịch sử đời vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522)" - Tác giả: Đặng Thị Tuyết Thanh; Sách Toàn thư, tập 2,3; Đại Việt sử k‎ý toàn thư ...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem