Tuy nhiên, từ gần nửa thế kỷ nay, bánh tét truyền thống đã được hóa thân thành một món ăn hấp dẫn, với màu sắc và nhân bánh được cách tân một cách tài tình trông rất “điệu đàng”, và phong phú, tuỳ theo gia vị. Nổi bật nhất của sự cách tân đó là bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ.
Bà Huỳnh Thị Trọng (bên trái) và cô cháu nội, người đang nối nghiệp bà làm bánh tét lá cẩm.
Ở T.P Cần Thơ từ 40 năm trước đã có bánh tét lá cẩm nhà họ Huỳnh do nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng (Phường An Thới – Bình Thủy) làm từ những đòn bánh tét trắng trơn, đơn điệu. Qua bàn tay khéo léo của bà Trọng, món bánh tét lá cẩm trở nên ngon nổi tiếng và “quyến rũ” đẹp mê mắt với màu lá cẩm đặc trưng. Với nhân bánh, bà đưa tôm khô, lòng đỏ hột vịt muối, lạp xưởng... vào trong đòn bánh tét truyền thống (vốn chỉ đơn giản với đậu xanh nhân mỡ) để biến thành món bánh tét lá cẩm ngon nổi tiếng.
Theo nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng: Để có những đòn bánh tét như ý, khâu nào cũng quan trọng. Đầu tiên là nếp, để có những hột nếp ngon, phải là nếp không lộn gạo. Lá cẩm tươi, rửa sạch, nấu, lược lấy nước làm màu bánh. Đậu xanh ngâm, nấu nhừ, nước cốt dừa nạo... Cho gạo trộn nước lá cẩm và nước cốt dừa, nêm nếm muối, đường, xào trên bếp lửa, khoảng 1 tiếng đồng hồ cho màu lá cẩm cũng như nước cốt dừa ngấm đầy hột nếp, vừa chín khoảng 30%. Xào là khâu quan trọng. Xào dư nước, bánh nhão, bời rời, chèm nhẹp. Để có bánh ngon còn phải buộc bánh bằng dây nylon.
Ngon lành dĩa bánh tét lá cẩm.
Mười năm nay, những ngày trước và sau Tết cổ truyền, bánh tét lá cẩm nhà họ Huỳnh “xuất” ra thị trường các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, T.P Hồ Chí Minh, thậm chí cả Đà Nẵng, Hà Nội. Bánh bán đi xa là nhờ để được đến 7 ngày vẫn ngon.
Hiện nay, ngày nào bánh tét nhà họ Huỳnh cũng hoạt động 6 lò liên tục khoảng 1.000 đòn/ngày/lò. Những ngày Tết phải mướn thêm thợ mới đủ cung ứng cho thị trường. Bắt đầu từ 20 tháng Chạp là giao cho khách... Ngày mồng 3 Tết, bánh tét là một món chính trong mâm “cúng ra mắt” ngoài trời theo phong tục.
Những ngày đầu năm, tiết trời còn hanh lạnh, bên trong gian nhà sum vầy cùng với những người thân yêu, quây quần đầy đủ, tét bánh lát mỏng xếp trên đĩa ăn với thịt kho tàu, chấm nước mắm, kèm củ kiệu, dưa chua thật đậm đà hương vị ngày Xuân. Chỉ từng ấy thôi, cũng làm nên một mâm cổ đầy màu sắc, như hội tụ cả đất trời trong không khí giao thời của năm mới.
Phương Nghi (Phương Nghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.