Nhiều năm nay, tôi thường xuyên cộng tác với mục “Giải đáp pháp luật” của Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt. Cá nhân tôi thấy đây là một mục rất hay và ý nghĩa, giúp người dân được tiếp cận, hiểu biết pháp luật một cách tốt hơn.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, theo tôi, các bài viết của mục chủ yếu vẫn bám các sự kiện thời sự, còn các bài viết tư vấn pháp luật dành riêng cho đối tượng là nông dân, khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực vùng sâu vùng xa chưa nhiều và chưa có bản sắc.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm hành nghề luật, trực tiếp tham gia hàng trăm vụ việc có liên quan tới nông dân, nông thôn, tôi cho rằng đây cũng là thực trạng chung không chỉ đang tồn tại ở báo ta mà cũng là vấn đề đang khiến các cơ quan chức năng hết sức đau đầu. Bởi hiện nay công tác này được thực hiện chưa tốt.
Trước tiên, phải nói rõ rằng, tiếp cận pháp luật ở đây được hiểu là hoạt động tuyên truyền, giáo dục đưa pháp luật về với người dân, giúp người dân tại cơ sở có cái nhìn đúng đắn về pháp luật, bảo đảm điều kiện đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật. Thực hiện bảo vệ và phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ngay tại cơ sở, phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội.
Mỗi người dân đều được quyền tiếp cận thông tin pháp luật, quyền được hiểu pháp luật và quyền được sử dụng, thực hiện pháp luật hoặc bảo vệ các quyền của mình đã được pháp luật quy định. Với thế mạnh là tờ báo của giai cấp nông dân, đối tượng phục vụ chủ yếu là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, tôi nghĩ rằng thời gian tới đây, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt hoàn toàn có thể thực hiện tốt việc tuyên truyền thông qua mục “Giải đáp pháp luật”.
Vị luật sư cho rằng, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt cần phải sản xuất nhiều bài tư vấn pháp luật cho nông dân. Ảnh: Hà Hoàng
Để thực hiện tốt việc này, thứ nhất Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt phải tiếp nhận được thông tin từ người dân, nhưng để làm được việc này, Báo cần phải khảo sát tại các vùng cơ sở để biết được cách mà người dân ở đây tiếp cận pháp luật như thế nào và họ thường quan tâm đến vấn đề gì.
Ví dụ người dân tiếp cận qua sách, báo, đài hay qua các trang mạng xã hội. Còn vấn đề họ qua tâm là về nạn bạo lực gia đình, chống xâm hại tình dục trẻ em hay phá hoại tài sản…
Khi đã nắm được những thông tin trên, việc thực hiện các bài viết sẽ đúng chủ đề, đối tượng có thể dễ dàng hơn. Cũng cần thiết phải có một số điện thoại đường dây nóng phục vụ riêng cho việc tiếp nhận các thông tin liên quan đến những vấn đề trên, số điện thoại này sẽ đặt ở cuối các bài viết để người dân có thể dễ dàng phản ánh. Làm được việc này thì sự tương tác giữa Báo và người dân sẽ tốt hơn.
Thứ hai, Báo nên đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật miễn phí bằng cách liên kết với các công ty, văn phòng luật để cùng thực hiện. Việc này nên tổ chức thường xuyên một tháng một lần hoặc ba tháng một lần.
Địa điểm tổ chức là ngay ở trụ sở của Báo hoặc trực tiếp về địa phương. Văn phòng luật chúng tôi sẵn sàng phối hợp để thực hiện. Tuy nhiên, tốt nhất Báo nên hợp tác cố định với một công ty, văn phòng luật nào đó để hai bên làm việc được lâu dài, không bị ngắt quảng.
Thứ ba, tôi thấy hiện nay mục “Giải đáp pháp luật” trên Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt có vị trí không đẹp, bị ẩn quá sâu xuống dưới chân trang, các bài viết cũng không thường xuyên được xuất hiện trên trang chủ nên việc tìm kiếm bài rất khó.
Bản thân tôi, khi có bài cộng tác, hoặc bài của phóng viên phỏng vấn, muốn đọc lại phaỉ mất rất nhiều thời gian mới tìm thấy. Chính vì thế, tôi cho rằng, mục này phải có một vị trí đẹp, dễ tìm kiếm hơn.
Cuối cùng, tôi cho rằng, Báo cần thiết phải xây dựng được đội ngủ cộng tác viên là các chuyên gia pháp lý uy tín, am hiểu về người nông dân và khu vực nông thôn. Với vốn hiểu biết của mình, họ sẽ có những bài viết phân tích sâu, sắc nét về vấn mà người dân đang quan tâm.
Báo cũng nên lên kế hoạch tổ chức các chuyên đề về tư vấn pháp luật để người dân được theo dõi tốt hơn. Ví dụ tổ chức chuyên đề về “Bạo lực gia đình ở nông thôn” chẳng hạn, các bài viết chỉ tập trung vào vấn đề này thôi. Kết thúc chuyên đề này mới triển khai chuyên đề khác để tránh bị loãng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.