Báo động ở Phú Thọ: 85 hồ, đập xuống cấp, hư hỏng nhưng chỉ theo dõi thấm, rò rỉ bằng... mắt thường

Hoan Nguyễn Thứ ba, ngày 02/08/2022 10:30 AM (GMT+7)
Nhiều hồ, đập trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang xuống cấp, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, việc theo dõi diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập chủ yếu bằng… mắt thường!
Bình luận 0

Nhiều hồ, đập xuống cấp, hư hỏng

Tỉnh Phú Thọ hiện có 365 công trình đập, hồ chứa nước có chiều cao đập từ 5m trở lên. Đây là những công trình cung cấp nguồn nước để phục vụ sản xuất và đời sống, phát huy vai trò trị thủy, cấp nước, cũng như phòng chống lũ, tạo tăng trưởng lớn cho các ngành kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, nhiều đập, hồ chứa nước hiện đã hư hỏng, xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp hoặc sửa chữa, nâng cấp không đồng bộ. Điều này ảnh hưởng đến an toàn đập, hồ chứa, hạn chế chức năng tưới, tiêu... Trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay, nguy cơ mất an toàn là rất lớn.

85 hồ, đập ở Phú Thọ xuống cấp, hư hỏng, báo động mùa mưa lũ - Ảnh 1.

Đập chứa nước Đầm Thìn (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) rộng hơn 15ha, chứa khoảng 600.000m3 nước. Ảnh: Hoan Nguyễn

Ông Lâm Việt Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Thọ cho biết, hệ thống các hồ phân bố trên địa bàn được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc khảo sát, thiết kế và thi công còn hạn chế.

Đến nay, phần lớn các hồ, đập xuống cấp, nhiều công trình giao cho các hợp tác xã làm dịch vụ thủy lợi tại các địa phương nhưng năng lực quản lý còn hạn chế; nhiều đơn vị quản lý, vận hành chưa định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đập, hồ chứa; không giải phóng bờ chắn trước tràn xả lũ; dẫn đến tình trạng xây dựng chuồng trại chăn nuôi và xả nước trái phép vào công trình thủy lợi, đổ đất lấn chiếm hành lang đập và lòng hồ.

Qua kiểm tra hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ năm nay, Chi cục phát hiện 85 hồ, đập bị hư hỏng như: Sạt trượt mái đập, thấm mái đập, vai đập; mặt đỉnh đập bằng bê-tông xuất hiện vết nứt, chân mái hạ lưu bị dầm thấm, có vị trí nước chảy tập trung; hư hỏng cống và tràn xả lũ…, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.

85 hồ, đập ở Phú Thọ xuống cấp, hư hỏng, báo động mùa mưa lũ - Ảnh 2.

Đập chứa nước Đầm Thìn bị vỡ lúc 7 giờ ngày 28/5/2020. Ảnh tư liệu, chụp bởi Hoan Nguyễn

Cụ thể, tại huyện Hạ Hòa có 22 công trình hồ, đập bị hư hỏng, Yên Lập có 15 công trình bị hư hỏng, Thanh Sơn có 14 công trình bị hư hỏng, Tân Sơn có 10 công trình bị hư hỏng...

Một số hồ xuống cấp nặng như hồ: Tải Giang, Đá Mài, Khoang Tải (huyện Thanh Sơn); Suối Rồng, Phượng Mao (huyện Thanh Thủy); Trầm Sắt (huyện Thanh Ba); Suối Đẫu (Đoan Hùng), hồ Dộc Giang, hồ Kén (huyện Yên Lập), hồ Đá Trắng, hồ Đát Đội, hồ Khán Thanh (huyện Cẩm Khê)…

Để kiểm soát hồ, đập an toàn trong mùa mưa lũ

Theo các cơ quan chức năng, để kiểm soát an toàn các công trình hồ, đập, cần lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn, hệ thống quan trắc mực nước thấm, quan trắc đường bão hòa nước... Tuy nhiên, những việc này đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.

Đáng bàn, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chưa có công trình hồ chứa nào được lắp đặt các thiết bị quan trắc và đo đạc các số liệu khí tượng thủy văn. Việc quan trắc mực nước hồ chứa hằng ngày và theo dõi diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập chủ yếu bằng... mắt thường. Điều này dẫn đến việc kiểm soát, theo dõi mực nước tại các hồ chứa không chính xác.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ Trần Quốc Bình nhấn mạnh, để bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ, nhất là đối với các công trình hư hỏng, Sở sẽ cân đối để bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục ngay những hư hỏng lớn, tuyệt đối không tích nước đối với những công trình này.

Đồng thời hạ thấp mực nước trong hồ chứa, bảo đảm nhu cầu phục vụ sản xuất và an toàn công trình; tổ chức theo dõi, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm "bốn tại chỗ", sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.

85 hồ, đập ở Phú Thọ xuống cấp, hư hỏng, báo động mùa mưa lũ - Ảnh 3.

Một số đơn vị hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ dù hết hạn giấy phép vẫn lấp sông, gia cố bờ sông gây nguy cơ biến đổi dòng chảy, an toàn đê điều…. Trong ảnh, Công ty TNHH Mạnh Anh Đức (xã Sóc Đăng, Đoan Hùng, Phú Thọ) tự ý lấp sông, gia cố bờ sông Lô, đổ cọc, bê tông để mở rộng mặt bằng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép (Ảnh tư liệu, chụp tháng 5/2021).

Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ cho biết, để đảm bảo công tác kiểm soát an toàn mùa mưa lũ, đơn vị đã phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ, áp dụng phương châm "4 tại chỗ". 

Đồng thời, công ty đã phân công cụ thể từng tổ, nhóm như tổ thông tin cảnh giới, tổ vận hành xả lũ, tổ cứu hộ, cứu nạn, tổ xử lý sự cố, tổ chuyên chở vật tư vật liệu...

Ngoài ra, đơn vị đã lên phương án phối hợp cụ thể với các lực lượng ứng cứu địa phương để phối hợp sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố trong bão, lũ xảy ra.

Thiết nghĩ, trước thực tiễn cấp thiết của việc bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cần sớm có hướng dẫn cụ thể việc lập quy trình bảo trì công trình thủy lợi đang khai thác.

Cần xem xét bố trí kinh phí để chủ động tổ chức thực hiện sửa chữa, nâng cấp công trình đập, hồ chứa nước đang bị hư hỏng, xuống cấp nặng.

Đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.

Kiểm tra, rà soát các hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ công trình, xử lý nghiêm đối với các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đập, hồ chứa theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem