Bao giờ cà phê hết là “trái đắng”? (Bài cuối): VICOFA hiến kế

Đình Thắng (thực hiện) Thứ năm, ngày 14/03/2019 19:20 PM (GMT+7)
Xung quanh câu chuyện khó khăn của ngành cà phê, bao giờ cà phê hết là "trái đắng" và để nông dân có thu nhập cao, có đời sống ổn định từ cây trồng này, phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (VICOFA).
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam. Ảnh: I.T

Ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với thực trạng giá cà phê xuống thấp kéo dài, một số nông dân chán nản đã bỏ vườn trồng cây khác. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

- Đúng là thời điểm hiện nay ngành cà phê, nông dân trồng cà phê đang ở tình cảnh khó khăn. Niên vụ vừa qua, sản lượng cà phê giảm đến 20% do thời điểm tháng 9, cây cà phê bị ảnh hưởng bởi mưa quá nhiều, gây rụng trái, hạt bé nên cuối vụ thu hoạch (tháng 12.2018), sản lượng giảm. Trong khi đó giá cà phê lại thấp, hiện chỉ khoảng 33.000 đồng/kg.

2 tháng đầu năm 2019, lượng xuất khẩu cà phê giảm 10,1% so với cùng kỳ 2018, giá trị kim ngạch cũng giảm 19,3%. Đây là mức giá thấp nhất trong 5 năm gần đây. Xu hướng thời gian tới giá cả như thế nào đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nông dân.

img

Dây chuyền chế biến cà phê ướt ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kiết, Đăk Lăk.  Ảnh: K.N.Đ.L

Sau khi thu hoạch cà phê, người nông dân phải đầu tư phân bón, tưới nước, thực hiện tất cả các quy trình cho vụ sau, nhưng vì khó khăn nên đầu tư giảm. Hiện nay, một người nông dân trồng cà phê giỏi, có áp dụng nhiều kỹ thuật thì thu hoạch được khoảng 10 tấn/ha, trừ chi phí lãi chừng 70-100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, so về giá trị tương đối lại giảm 40-50% so với thu nhập trước kia, vì giá trị tuyệt đối không thay đổi trong khi công lao động cao, giá bán cà phê lại thấp hơn…

Về vấn đề này, tôi cho rằng Nhà nước nên có chính sách cho nông dân vay vốn với mức lãi suất tối ưu; bên cạnh đó, với giá cà phê xuống thấp như hiện nay, nên giãn nợ cho bà con để tạo điều kiện cho bà con đầu tư vụ mới tốt hơn.

Điều dễ nhận thấy là người nông dân được hưởng lợi ít nhất trong chuỗi sản xuất, theo ông các doanh nghiệp cần sát cánh với  nông dân như thế nào trong hoàn cảnh khó khăn này?

- Đúng như vậy. Thị trường cà phê đang chịu áp lực bởi các nhà đầu tư, họ tìm cách ép giá cà phê xuống và tạo thông tin rằng Việt Nam và Brazil được mùa. Do thị trường có nhận định theo xu hướng đó nên các nhà đầu tư tài chính trên sàn giao dịch quốc tế ép giá thị trường xuống. Đó là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá cà phê.

Trong khi đó, các hợp đồng xuất khẩu cà phê là những hợp đồng ký dài hạn nên doanh nghiệp vẫn phải mua để xuất khẩu, nhưng cũng chỉ xuất khẩu cầm chừng chứ không đẩy mạnh bán ra vì giá cả bấp bênh. Lượng cà phê xuất khẩu  tháng 2.2019 giảm sâu hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Thực tế trong chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối thì người nông dân được hưởng mức lợi nhuận thấp nhất. Chính vì vậy trong bối cảnh này, tôi cho rằng các nhà thu mua, nhà xuất khẩu, nhà rang xay cà phê cần chia sẻ giá trị cho nông dân”.

Ông Nguyễn Nam Hải 

Với mức giá giảm sâu như hiện nay, người nông dân trồng cà phê không có lãi, thậm chí vườn cà phê cho năng suất thấp còn bị lỗ nặng. Do vậy, nhiều hộ đã hạn chế đầu tư, phá bỏ các vườn cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, nhiễm sâu bệnh hại, cho năng suất thấp, để trồng tái canh hoặc trồng loại cây khác.

Nếu không có biện pháp tốt tăng thu nhập thì người nông dân sẽ giảm dần diện tích cà phê. Thực tế trong chuỗi sản xuất – chế biến – phân phối, người nông dân được hưởng lợi nhuận thấp nhất. Chính vì vậy trong bối cảnh này, tôi cho rằng các nhà thu mua, nhà xuất khẩu, nhà rang xay cà phê phải chia sẻ lợi nhuận cho nông dân.

Về phía ngành nông nghiệp cần làm gì để giúp nông dân tăng thu nhập, trồng cà phê bền vững?

- Bên cạnh các hỗ trợ kỹ thuật, giống cây trồng, tín dụng, tôi cho rằng Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến, tạo ra sản phẩm chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê. Bởi nếu mình cứ xuất thô thì giá không cao, từ đó thu nhập người dân không thể cải thiện.

Trong vài năm gần đây chúng ta đã xuất khẩu cà phê hoà tan, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư cà phê hoà tan nhưng số lượng này còn khiêm tốn so với 1,6 triệu tấn cà phê nhân/năm. Hiện nay cà phê hòa tan đã chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và được dự báo sẽ tăng trưởng rất tốt trong nhiều năm tới. Cà phê chế biến sâu là khâu cho giá trị gia tăng tốt nhất.

Tôi cho rằng Bộ NNPTNT cần khuyến khích các địa phương đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cà phê hòa tan thành phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến cà phê hòa tan tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ... 

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem