Bao giờ cho đến ngày xưa?

Chủ nhật, ngày 29/01/2012 10:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kỹ thuật canh tác trên thửa ruộng của cha ông ta từ ngàn đời xưa không dựa vào phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Hệ sinh thái đồng ruộng vì thế mà ổn định, các loài cộng sinh, thiên địch như cá, cua, ốc, ếch... sống khỏe. Còn ngày nay, nguy cơ từ những thửa ruộng bị ô nhiễm đang ảnh hưởng đến chất lượng của cả giống nòi.
Bình luận 0

Đừng “nuông chiều” cây lúa

Từ việc săn bắt, hái lượm đến việc tra lỗ tỉa hạt là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tiến hoá của loài người. Cột mốc đánh dấu nền văn minh của loài người chính là việc trồng lúa nước bởi phải phát triển đến một trình độ nào đó, con người mới có thể thuần hóa được các giống cây trong tự nhiên để biến chúng trở thành lương thực nuôi sống mình.

img
 

Bón phân hóa học hay phun thuốc cho lúa là một hành động “nuông chiều” hơi thái quá của con người với một loại cây đã khẳng định được sự tồn tại vững chắc của nó trong tự nhiên. Bởi trong hệ sinh thái đồng ruộng, mối quan hệ giữa cây lúa và thiên địch, sâu hại là một hệ sinh học thống nhất mà cây lúa đóng vai trò rất quan trọng.

Một mặt, cây lúa với cương vị là yếu tố ngoại cảnh quyết định điều kiện sinh thái tại nơi cư trú của sâu hại và thiên địch. Mặt khác, khi với cương vị là nguồn thức ăn của sâu hại thì cây lúa đã ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái sinh lý của sâu hại, điều này cũng gây ảnh hưởng đến thiên địch.

Trong mối quan hệ này, thiên địch có vai trò hạn chế số lượng quần thể sâu hại và nếu không có các tác động khác ảnh hưởng đến mối quan hệ này thì các thiên địch có thể kìm hãm được số lượng sâu hại chính ở dưới mức gây hại có ý nghĩa kinh tế mà không cần tiến hành các biện pháp phòng trừ. Bởi vậy, thiên địch được coi là cốt lõi của hệ thống quản lý tổng hợp sâu hại lúa.

Trong kỹ thuật trồng lúa nước từ xa xưa truyền lại cho tới ngày nay, làm đất sớm và vệ sinh đồng ruộng sau mỗi vụ gieo trồng rất có ý nghĩa để diệt trừ mầm mống sâu bệnh trong đất và trên tàn dư cây trồng. Cày lật đất sớm có thể diệt được nhiều sâu non và nhộng đục thân, sâu keo trong gốc rạ. Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây trồng có nghĩa là làm mất nơi cư trú của các loại rầy và tiêu diệt hạch nấm bệnh khô vằn...

Mối nguy từ nông nghiệp hiện đại

Do sự bành trướng của kỹ thuật canh tác hiện đại mà ô nhiễm đất đang ngày càng phổ biến ở khu vực nông thôn và đặc biệt là trên các thửa ruộng. Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng phân bón tiêu thụ của thế giới đã gia tăng 16 lần từ năm 1964 – 1986, cho đến đầu thế kỷ XXI này, con số đó phải tăng ít nhất 30 đến 40 lần. Sự thâm canh tăng năng suất đã khiến xáo trộn dòng năng lượng và chu trình vật chất trong hệ sinh thái nông nghiệp.

img
Những chú ếch đang vắng bóng dần ở đồng ruộng.

Lượng hấp thu chất nitơ qua rễ thực vật rất nhỏ, một lượng lớn hơn lưu lại trong đất, qua phân giải chuyển hoá, biến thành muối nitrat trở thành nguồn ô nhiễm cho mạch nước ngầm và các dòng sông. Điều này lý giải vì sao đồng ruộng ngày nay không còn sản vật, từ các loài cua, ốc, cá, ếch, rắn nước, lươn, chạch... đã bao đời gắn bó với bữa cơm của nhà nông. Chúng không thể tồn tại khi môi trường trong thửa ruộng bị ô nhiễm, các loài thủy cư cũng theo đó mà bị ảnh hưởng dẫn đến tuyệt diệt.

Ngày nay, ở các vùng nông thôn, người ta phát hiện ra một thực tế kinh hoàng, đó là các “làng ung thư” ngày càng lan rộng và phổ biến. Người nông dân không phải là nhà nghiên cứu khoa học, họ hoang mang không biết vì đâu tai họa đổ xuống đầu mình, nhưng giá như họ biết rằng, chính những loại thuốc diệt cỏ, diệt dịch họa mà họ sử dụng trên thửa ruộng của mình hàng ngày là nguồn gốc của những bệnh tật quái ác vô phương cứu chữa đó.

Vì số lượng lớn nông dược tích luỹ trong đất, đặc biệt là các thuốc có chứa các nguyên tố như chì, asen, thuỷ ngân... có độc tính lớn, thời gian lưu lại trong đất dài, có loại nông dược thời gian lưu trong đất tới 10 đến 30 năm, những loại nông dược này có thể được cây trồng hấp thu, tích trong quả và lá và đi vào cơ thể người và động vật qua thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Các nhà khoa học đã phát hiện được 344 loài thiên địch, gồm 199 loài côn trùng ăn thịt, 137 loài côn trùng ký sinh và 8 loài vi sinh vật gây bệnh cho sâu hại.

Việc lạm dụng phân bón không chỉ đe dọa sức khỏe con người, mà còn làm mất ổn định hệ sinh thái nông nghiệp. Kiểu canh tác dùng nhiều phân vô cơ, kết hợp với việc ngừng quay vòng của chất hữu cơ trong đất trồng, tạo nên một đe dọa nghiêm trọng trong việc giữ phì nhiêu của đất. Sự tích lũy liên tục các chất tạp (kim loại, á kim) có trong phân hóa học và sự biến đổi cấu trúc của đất. Chất mùn không còn quay về đất, đất nông nghiệp của chúng ta đã bị biến chất và ô nhiễm, nghèo nàn hơn xưa rất nhiều, nhưng làm sao có thể quay về được ngày xưa, vậy nên chỉ có thể thay đổi tập quán canh tác và ý thức bảo vệ môi trường của nhà nông.

Không thể ngừng quá trình thâm canh tăng năng suất, không thể không đối phó với các loại sâu bệnh giờ đã “nhờn thuốc”, nhà nông nên có sự chọn lựa khi sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Lối thoát duy nhất là phân bón sinh học, phân hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học.

Hãy cho cây lúa một môi trường trong lành, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang cho giống nòi của mình thêm một cơ hội để thoát khỏi tình trạng bệnh tật hoành hành trong tương lai gần nếu không ý thức sớm ngay từ hôm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem