Khoan vội mừng, nếu các hàng rào kỹ thuật được dựng lên, nào là an toàn thực phẩm, nào là dịch bệnh thú y, hay thậm chí chỉ mua heo đông lạnh thôi, heo Việt sẽ bị ngáng chân. Đổi lại, Việt Nam phải mở cửa cho phía Trung Quốc gà giống, thậm chí là gà đẻ thải loại.
Môi trường chăn nuôi quá tệ
Trước 2012, Trung Quốc từng đồng ý nhập thịt heo Việt Nam theo đường chính ngạch. Thời điểm đó, từng có doanh nghiệp giết mổ, xuất khẩu được thịt heo đông lạnh sang Trung Quốc, việc bán heo qua đường cửa khẩu không đáng kể. Tuy nhiên, từ năm 2012, do xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng trên con trâu bò, con heo nên họ tạm thời cấm nhập khẩu heo sống từ Việt Nam. Điều này cũng lý giải vì sao, nhiều năm nay, mặc dù thương nhân Trung Quốc vẫn mua heo sống từ Việt Nam qua con đường cửa khẩu, thực chất đây là nhập lậu, trốn thuế, bị chính quyền địa phương truy quét liên tục nên tình hình xuất khẩu thi thoảng bị gián đoạn là vậy.
Một lò mổ hiện đại tại Thái Lan – Việt Nam chưa có để tìm được “visa” cho con heo. Ảnh: TLHB.
Do bị coi là buôn bán lậu nên có thời điểm, như cuối năm 2016, công an cửa khẩu Trung Quốc ra quân, bắt truy tố bảy doanh nghiệp Trung Quốc nhập lậu heo sống từ Việt Nam. Đôi khi, phía Việt Nam cũng biết vấn đề này, nhưng vì mong muốn giải quyết đầu ra nên cũng “khuyến khích” cho xuất khẩu. Truyền thông, nhiều khi cũng vô tình tuyên truyền thái quá, đã biết là dân mình bán heo lậu nhưng vẫn vô tư tung hô, đưa tin theo lối “lạy ông tôi ở bụi này”…
Nay, Trung Quốc đồng ý nối lại nhập heo Việt Nam, nhưng điều kiện họ đặt ra là yêu cầu các cơ quan chuyên môn ở Việt Nam phải rà soát và xử lý các vấn đề kỹ thuật liên quan tới quản lý, kiểm soát dịch bệnh lở mồm long móng.
Cũng như dịch cúm gia cầm hoành hành từ cuối năm 2003 khiến cho từ đó đến nay không có quốc gia nào dám nhập sản phẩm gia cầm từ Việt Nam, bệnh lở mồm long móng cũng làm xấu xí hình ảnh ngành chăn nuôi heo của Việt Nam vốn có quy mô không hề thua kém quốc gia nào. Trên bảng sắp hạng của tổ chức Thú y thế giới, Việt Nam có tổng đàn heo đứng thứ 6, chỉ sau một số đại gia như Trung Quốc, Đức, Brazil, Ba Lan…Tuy nhiên, an toàn dịch bệnh ở Việt Nam lại luôn làm đau đầu các nhà chuyên môn và người chăn nuôi. Hàng năm, tỷ lệ hao hụt trong ngành chăn nuôi liên quan đến các loại dịch bệnh (đang được thế giới đặc biệt quan tâm) ở Việt Nam thường rất cao. Các bệnh như lở mồm long móng, tai xanh, tiêu chảy, cúm gia cầm… chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm. Người chăn nuôi phải sử dụng kháng sinh, đây cũng là nguyên nhân làm cho giá thành chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn các nước và bị các quốc gia có nhu cầu nhập thịt tẩy chay.
Trong thời gian tới, phía Trung Quốc cho biết sẽ sang Việt Nam để kiểm tra, rà soát quy trình kiểm soát an toàn dịch bệnh. Khi thấy an toàn mới tiến hành cho nhập. Liệu phía Việt Nam có thể đáp ứng được không? Đây thực sự là câu hỏi khó, bởi tình trạng chăn nuôi quy mô hộ gia đình ở Việt Nam vẫn chiếm đa số. Một khi trại heo của gia đình này sát sạt hộ kia, không có vùng đệm cách ly thì khó có thể đảm bảo an toàn.Có chăng, chỉ một số các trang trại lớn, đầu tư hiện đại, xa dân cư, có vùng đệm cách ly là có thể kiểm soát tốt dịch bệnh. Các trang trại này, do các công ty nước ngoài nắm nhiều hơn, trong nước cũng có nhưng chưa nhiều nên nếu Trung Quốc đánh giá, cấp phép thì các trang trại quy mô hộ gia đình khó có phần…
Cái lò mổ cũng là rào cản
Một số doanh nghiệp ở TP.HCM như Vietfarm, An Hạ hay Dabaco chỉ đang ở giai đoạn gấp rút hoàn thành các thủ tục hồ sơ, việc có được lò giết mổ sớm nhất cũng phải đến quý 1 năm sau mới có thể hoạt động được.
|
Trước đây, con heo đi tiểu ngạch, xuất lậu thì còn dễ dãi, xuê xoa, nhưng khi đi đường thẳng, chính ngạch thì các điều kiện ràng buộc về an toàn vệ sinh thú y, thực phẩm… ở các nước là như nhau. Xuất vào Mỹ, châu Âu, châu Á, hay Trung Quốc cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cần thiết. Do đó, một khi chứng minh cho đối tác Trung Quốc biết là có vùng nuôi an toàn, heo sạch bệnh rồi thì cũng phải chứng minh thịt heo xuất khẩu được giết mổ trong nhà máy hiện đại, đáp ứng tất cả điều kiện liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại thời điểm này, trên khắp cả nước hình chữ S vẫn chưa có được lò mổ đó. Có thể khẳng định, hàng triệu người dân Việt Nam, vẫn đang ngày ngày ăn thịt heo, thịt gia cầm, thịt trâu bò giết mổ trong các lò mổ chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Trong khi đó, khâu vận chuyển, buôn bán lẻ ở chợ, lòng lề đường… còn tệ hơn không biết bao nhiêu mà nói.
Muốn xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc phải có hệ thống lò mổ chỉn chu, đầu tư công nghệ hiện đại, đồng bộ từ khâu giết mổ, pha lóc, cấp đông, trữ đông. Đây là yêu cầu được phía Trung Quốc nêu ra, bên cạnh việc phải đáp ứng điều kiện thú y. Trong khi, theo tính toán, suất đầu tư một nhà máy như vậy lên tới hàng chục triệu USD và phải có quỹ đất, có quy hoạch chứ không thể thích đặt ở đâu thì đặt.
Công nghệ nhà máy giết mổ đạt tất cả các tiêu chuẩn chỉ có châu Âu là đáp ứng được. Ngay cả Trung Quốc, dù là nước nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới, có công nghệ cơ khí phát triển nhưng cũng đòi hỏi nguồn thịt phải được giết mổ ở lò mổ có công nghệ châu Âu, bởi đây là công nghệ đáp ứng được điều kiện vệ sinh cao nhất.
Nói như vậy để thấy, việc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu đàm phán để đến cuối năm nay xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc là rất khó. Bộ có thể chứng minh được vùng nuôi sạch bệnh từ hệ thống các trang trại của một số doanh nghiệp nước ngoài như C.P, CJ, Japfa… chứ còn chứng minh cho họ thấy lò mổ đủ tiêu chuẩn là vô phương. Hiện nay, một số doanh nghiệp ở TP.HCM như Vietfarm, An Hạ hay Dobaco ở phía Bắc cũng chỉ mới đang ở giai đoạn gấp rút hoàn thành các thủ tục hồ sơ, việc triển khai xây dựng và hoàn thành thì nhanh nhất cũng phải đến quý 1 năm sau mới có thể hoạt động được. Như vậy, từ nay đến cuối năm, người chăn nuôi không thể hy vọng bán heo qua Trung Quốc theo đường chính ngạch như thông tin bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa công bố. Con heo, chắc chắn không được giải cứu trong giai đoạn ba bốn tháng tới. Nếu đến cuối năm, giá heo có tăng thì đó chỉ là do người chăn nuôi giảm đàn, có biến động cung cầu mà thôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.