Bảo hiểm nông nghiệp: Tháng 10 ký hợp đồng với nông dân

Thứ hai, ngày 05/09/2011 14:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là khẳng định của ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT) với phóng viên NTNN sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 121 hướng dẫn về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013.
Bình luận 0

Thưa ông, với việc Nhà nước sẽ hỗ trợ từ 60-100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp khi tham gia thí điểm BHNN, sẽ có bao nhiêu nông dân được hưởng chính sách này?

- Chúng tôi hiện chưa thống kê chính xác, nhưng sẽ có hàng nghìn hộ nông dân và cá nhân sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN thí điểm trên cả nước được hưởng chính sách này. Thông tư của Bộ Tài chính vừa ban hành sẽ là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp, địa phương bắt tay ngay vào việc triển khai BHNN cho nông dân theo chủ trương của Chính phủ.

img
Tham gia bảo hiểm nông nghiệp, nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa.

Vậy cho đến thời điểm này, chúng ta đã triển khai Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm BHNN tại 21 tỉnh, thành phố đến đâu?

img
Ông Tăng Minh Lộc

- Quyết định 315 đã chính thức có hiệu lực từ 1.7.2011. Bộ NNPTNT đã ban hành các văn bản quan trọng để bà con nông dân nắm rõ về chủ trương thí điểm bảo hiểm của Chính phủ như thông tin cho người nông dân biết thế nào là thiên tai, thế nào là dịch bệnh, thế nào là quy mô sản xuất hàng hóa... để được bảo hiểm.

Chúng tôi cũng đã mời tất cả các tỉnh trong diện thí điểm bảo hiểm tham gia tập huấn, định hướng cho các địa phương này về BHNN để họ hướng dẫn tới nông dân...

Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, Bộ NNPTNT đang định hình và sắp xếp lại quy trình chăn nuôi để các địa phương ban hành quy trình chăn nuôi cụ thể cho nông dân áp dụng thì mới có thể triển khai bảo hiểm.

Dự kiến hết tháng 9 này, tất cả các văn bản về thí điểm BHNN sẽ ban hành xong. Chúng tôi sẽ xuống các địa phương trao đổi cùng doanh nghiệp, nông dân tham gia các hợp đồng bảo hiểm, ít nhất cũng phải tháng 10 mới bắt đầu được ký kết. Nhưng tinh thần là chúng ta sẽ triển khai càng sớm càng tốt, và chúng tôi cùng các địa phương đang đốc thúc việc này.

Nhiều nông dân hiện nay vẫn chưa nắm rõ được chủ trương thí điểm BHNN. Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng chỉ quy định mức phí hỗ trợ nông dân. Vậy làm sao để nông dân có thể tham gia, thưa ông?

- 21 tỉnh được lựa chọn thí điểm BHNN theo chủ trương của Chính phủ lần này đều đại diện cho sản xuất hàng hóa, sản xuất vùng. Ở mỗi tỉnh, chúng tôi sẽ chỉ chọn một vài địa bàn để thực hiện bảo hiểm. Trong thiết kế sản phẩm bảo hiểm, các doanh nghiệp cũng sẽ đến tận các xã, thôn để bán bảo hiểm cho nông dân, người dân sẽ được hướng dẫn tới nơi tới chốn.

Thông tư của Bộ Tài chính cũng đã quy định: Với cây lúa sẽ được thực hiện bảo hiểm theo đơn vị huyện; vật nuôi, thủy sản thực hiện bảo hiểm theo từng xã, hộ nông dân, cá nhân hoặc tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí về quy mô theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT.

Về phần mình, để được bảo hiểm sản phẩm, nông dân cần phải sản xuất nông sản theo đúng quy trình đã được đề ra và thực hiện đúng theo các nguyên tắc của hợp đồng bảo hiểm. Tới đây chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để vùng nào thí điểm bảo hiểm thì vùng đó nông dân đều nắm rõ chủ trương.

Nhưng từ trước tới nay, nông dân sản xuất nông sản dựa chủ yếu vào kinh nghiệm hoặc theo truyền thống. Chưa có "ai" hướng dẫn họ làm theo quy trình, vậy chúng ta sẽ thực hiện bảo hiểm như thế nào?

- Đã tham gia bảo hiểm thì nông dân phải sản xuất theo quy trình. Nếu sản xuất của nông dân không theo quy trình, để dịch bệnh tràn lan thì bảo hiểm cũng không thể có đủ kinh phí để đền bù hết cho dân được. Do vậy, không chỉ thực hiện bảo hiểm chúng tôi sẽ còn hướng nông dân sản xuất chuyên nghiệp hơn, an toàn hơn.

Những năm qua, Bộ NNPTNT đã ban hành các quy trình sản xuất, trồng trọt theo tiêu chuẩn với rất nhiều sản phẩm. Nhiều ngành như lúa, thủy sản, hồ tiêu, cà phê, điều, trái cây... đang ngày càng áp dụng quy trình sản xuất này. Tới đây các cơ quan quản lý địa phương sẽ phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình một cách chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, trong thời gian đầu thí điểm BHNN, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ linh hoạt xem xét các điều kiện khách quan hay chủ quan về việc nông dân sản xuất theo quy trình để bồi thường cho dân khi rủi ro xảy ra.

Theo ông Tăng Minh Lộc, việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là hoạt động phi lợi nhuận. Các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia đều là các doanh nghiệp lớn, có uy tín và bề dày kinh nghiệm. Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp và nông dân tham gia bảo hiểm một cách hiệu quả.

Vai trò của các địa phương tới đây sẽ như thế nào trong việc phân loại đối tượng nông dân được hỗ trợ bảo hiểm và trong quá trình thực hiện bảo hiểm, thưa ông?

- Vai trò của các địa phương tới đây rất quan trọng. Chỉ có họ mới biết đâu là hộ nghèo, cận nghèo và hộ nông dân bình thường để phân loại hỗ trợ phí bảo hiểm theo thông tư của Bộ Tài chính.

Các địa phương phải vào cuộc càng sớm càng tốt để hướng dẫn, tuyên truyền cho nông dân. Khuyến nông các địa phương phải bắt tay vào hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình thì mới được bảo hiểm. Các doanh nghiệp cũng sẽ dựa vào thông tư của Bộ Tài chính vừa ban hành để thực hiện các hợp đồng bảo hiểm.

Tôi cho việc thực hiện thí điểm BHNN thành công hay không phụ thuộc lớn vào việc các cấp ngành từ T.Ư tới địa phương ra sức tuyên truyền để nông dân sản xuất tốt hơn đến đâu.

Nông dân cũng cần lắng nghe, suy nghĩ và chuyển đổi cơ cấu, phương thức sản xuất của mình theo hướng hàng hóa, có chất lượng để không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân và còn giúp nền sản xuất nông nghiệp của ta hiện đại lên, tốt lên. Đây cũng là mục tiêu của Chính phủ khi ban hành Quyết định 315 về thí điểm BHNN.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem