Tỷ lệ virus thấp
Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Y tế phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cả nước hiện nay có hơn 140.000 người có HIV được điều trị thường xuyên bằng thuốc ức chế tải lượng virus HIV ARV. Từ trước tới nay, thuốc ARV được các tổ chức quốc tế tài trợ và được cấp phát miễn phí cho bệnh nhân HIV.
Từ năm 2020, thuốc Methadone để cai nghiện ma túy sẽ được phát về tận nhà (ảnh minh họa). Ảnh: L.M
Tuy nhiên, các tổ chức đã cắt dần viện trợ. Để đảm bảo thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân HIV, nhằm giảm tải lượng virus trong máu của họ, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV, từ tháng 3/2019, Việt Nam đã đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả. Năm 2019 đã có hơn 48.000 bệnh nhân HIV được BHYT chi trả thuốc ARV, đến năm 2020 sẽ chi trả cho hơn 106.000, 100% người mắc HIV có thẻ BHYT.
Việt Nam cũng là nước dẫn đầu trên toàn cầu về tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV đạt ngưỡng tải lượng virus ức chế. “Việt Nam có tỷ lệ tuân thủ uống ARV rất cao, sau 12 tháng điều trị đạt 88%. Hơn nữa tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (dưới 1.000 copy/ml máu) đạt 95% (mức ít lây nhiễm nhất và thậm chí có tới 92% dưới ngưỡng phát hiện (200 copy/ml máu) – mức hầu như không lây nhiễm” – PGS Long cho biết.
Tuy nhiên, nếu Quỹ BHYT chi trả thuốc ARV thì nhiều bệnh nhân sẽ phải đồng chi trả 5-20% tiền thuốc theo từng nhóm đối tượng (cận nghèo hoặc người bình thường) chứ không được miễn phí hoàn toàn như khi được viện trợ. “Người mắc HIV hầu như có kinh tế khó khăn, thuốc ARV lại phải điều trị cả đời, do đó nếu phải đồng chi trả có thể họ sẽ bỏ điều trị. Như vậy, không chỉ sức khỏe của họ giảm sút, mất sức lao động, tăng gánh nặng xã hội, đồng thời làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng” – PGS Long nói.
Hiện đã có 25/63 tỉnh, thành phố đã trích ngân sách địa phương để hỗ trợ số tiền thuốc ARV mà người HIV phải đồng chi trả. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là còn gần 10% người có HIV chưa có thẻ BHYT. “Không ít người có HIV còn e ngại bị kỳ thị do đó không đi khám tại các cơ sở y tế công, không tham gia BHYT. Do đó, cần phải tiếp tục vận động, truyền thông để giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người có HIV, tăng khả năng tiếp cận của người dân đến với các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, từ đó nâng cao tỷ lệ người HIV tham gia BHYT” – PGS Long nhận định.
Phát methadone về tận nhà
Theo PGS Long, hiện dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, nhưng diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (MSM, nghiện chích ma túy) và còn xa so với mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS. 9 tháng đầu năm 2019, cả nước phát hiện 7.779 người nhiễm HIV mới, tích lũy từ trước đến nay là hơn 211.000 người nhiễm HIV. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia, muốn kết thúc đại dịch AIDS thì số lượng nhiễm mới HIV được phát hiện hàng năm ở con số dưới 1.000 người.
Một trong mục tiêu giảm HIV hiện nay là giảm người nghiện ma túy. Tại Việt Nam, việc điều trị nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai hơn 10 năm với trên 53.000 bệnh nhân đang điều trị tại 63 tỉnh, thành. Việc sử dụng Methadone đã giúp cải thiện sức khoẻ, giảm lây nhiễm HIV và các bệnh qua đường tình dục, giảm tệ nạn xã hội...
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉ lệ người nghiện bỏ điều trị Methadone có xu hướng tăng, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân do người bệnh hàng ngày phải đi đến các cơ sở y tế để uống thuốc, trở nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn. Các báo cáo cho thấy bệnh nhân ở xa cơ sở điều trị Methadone từ 5km trở lên bỏ điều trị gấp 3 lần so với bệnh nhân ở gần cơ sở điều trị.
Để hạn chế tình trạng người nghiện bỏ thuốc, dự kiến trong năm 2020, Bộ Y tế sẽ thực hiện thí điểm cho người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone phát thuốc về nhà thay vì ngày nào cũng đến cơ sở y tế uống thuốc. “Cục Phòng chống HIV/AIDS đã trình Bộ Y tế phương án thí điểm mô hình cho người điều trị Methadone được mang thuốc về nhà uống hàng ngày. Dự kiến mô hình này sẽ được thí điểm ở các tỉnh miền núi từ tháng 7/2020 sau khi được các địa phương đồng thuận. Sẽ có những hướng dẫn cụ thể khi triển khai mô hình này để làm sao bệnh nhân được sử dụng thuốc đúng mục đích, tạo thuận lợi cho người bệnh. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện mô hình này cách đây khoảng 20 năm. Thời gian người bệnh được mang thuốc về nhà thuốc lâu nhất là trong vòng 1 tháng” – PGS Long cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.