Bảo tồn giống nếp quýt đặc sản 20 năm không bị thoái hoá

Văn Long Thứ sáu, ngày 13/12/2019 13:00 PM (GMT+7)
Đạ Tẻh là huyện trọng điểm về lương thực của tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, với diện tích đất nông nghiệp chuyên trồng lúa hơn 2.500ha, sản lượng trên 30.000 tấn, chính quyền và người dân địa phương đã và đang tiến hành bảo tồn giống nếp quýt - loại gạo đặc sản của địa phương.
Bình luận 0

Giống lúa không thoái hóa

Gạo nếp quýt được xem là đặc sản của huyện Đạ Tẻh, vì vậy địa phương mong muốn làm ra loại gạo được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng.

Theo lời ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh thì từ năm 1997, thầy giáo Ma Ngọc Thanh sau một lần về thăm quê ở Hòa An (Cao Bằng) đã mang về thôn 3 (xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh) 15kg lúa giống. Người dân ở An Nhơn thấy loại nếp quýt dễ trồng, năng suất cao lại cho chất lượng hạt gạo dẻo, thơm không loại nào sánh bằng nên đã “làm quen” với loại nếp này rồi trồng đến bây giờ. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có khoảng 400 - 500ha lúa nếp quýt được trồng mỗi năm.

img

  Nếp quýt Đạ Tẻh được chấm điểm 4 sao của Hội đồng OCOP huyện Đạ Tẻh.  Ảnh: V.L

Năm 2015, UBND huyện Đạ Tẻh đã tiến hành truy tìm nguồn gốc xuất xứ, lập hồ sơ để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “gạo nếp quýt Đạ Tẻh” và được UBND tỉnh chấp thuận vào tháng 4/2016. Đến tháng 11/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu lúa gạo nếp quýt Đạ Tẻh.

Cũng theo ông Hùng, đối với các loại gạo khác người dân chỉ trồng khoảng 5 năm là sẽ thoái hóa, năng suất giảm đi nhiều. Tuy nhiên, với giống nếp quýt tại Đạ Tẻh, dù đã hơn 20 năm nhưng vẫn giữ được hương vị thơm ngon, hạt gạo tròn đầy.

Ông Lê Mậu Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: “Địa phương đã tập trung đầu tư các cơ sở hạ tầng nông nghiệp cho các khu vực sản xuất, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng. Ngoài ra, huyện cũng đã hỗ trợ nông dân ở khu vực sản xuất gạo nếp quýt các kỹ thuật công nghệ cao nhằm sản xuất gạo theo hướng an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng”.

Hạt gạo nếp quýt được sản xuất trong quy trình khép kín, thân thiện với môi trường từ khâu ủ phân, gieo mạ, cày cấy đến điều tiết nước. Đặc biệt, người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ, các chất tăng trưởng, thuốc trừ sâu bệnh hại. Thay vào đó, người dân sử dụng các loại thuốc sinh học với quy trình kiểm soát chặt chẽ, trong quá trình  thu hoạch, bảo quản, chế biến để tuyệt đối không dùng hóa chất diệt nấm, diệt mối mọt và hóa chất bảo quản.

4 sao cho nếp quýt và tơ tằm

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đạ Tẻh cho biết: “Thực hiện hướng dẫn của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, huyện đã thành lập Hội đồng và tổ giúp việc cho Hội đồng đánh giá sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm vào cuối tháng 10/2019. Đến nay, Hội đồng thẩm định OCOP huyện đã tổ chức đánh giá chấm điểm xong 2 sản phẩm là gạo nếp quýt Đạ Tẻh đạt 78 điểm (4 sao) và tơ tằm 74 điểm (4 sao)”.

Ông Tiện cũng cho biết, trong năm 2019 Phòng NNPTNT đã tổ chức một lớp tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền cho cán bộ, đoàn thể cấp huyện, xã, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp về Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp các xã, thị trấn cử cán bộ, đoàn thể tham gia các lớp tập huấn Chương trình OCOP do tỉnh tổ chức.

Ngoài ra, trong năm 2019, huyện Đạ Tẻh đã thông báo đến các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đáp ứng tiêu chí tham gia OCOP. Có 4 đơn vị (4 sản phẩm) đăng ký tham gia chương trình OCOP. Cấp huyện đã lựa chọn 2 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2019 đó là sản phẩm gạo nếp quýt Đạ Tẻh của HTX Quyết Tâm (xã An Nhơn) và tơ tằm của Công ty Minh Quân (xã Mỹ Đức).

Cùng với đó 2 sản phẩm điều rang của Công ty tư nhân Chánh Thu (xã Đạ Lây) và sản phẩm bưởi da xanh của HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ cây ăn trái Mỹ Đức được lựa chọn tham gia chương trình chỉ đạo điểm OCOP 2019 - 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem