Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước mưa ít nhất 0,4-0,5m khi mùa mưa bão đến, đồng thời, đầm nện chắc chắn, tránh rò rỉ, nước tràn bờ.
Những vùng ruộng nuôi cá, đầm nuôi tôm cũng cần kiểm tra lại bờ vùng, đắp lại những nơi xung yếu, chống nước tràn qua bờ, tránh tôm cá theo nước ra ngoài. Cống thoát phải dọn sạch và thông để nước thoát nhanh, không ứ đọng gây tắc nước, nhất là vùng kết hợp nuôi cá với trồng lúa.
Những vùng nuôi lớn có thể cắm đăng hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhanh. Đối với nuôi cá bằng lồng bè ở sông, hồ cần kiểm tra lại lồng bè, tu sửa những nơi xung yếu, vệ sinh tẩy dọn lồng sạch sẽ để thoát nước nhanh.
|
Khu nuôi thuỷ sản ở xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) ngập chìm trong nước lũ. Ảnh: Xuân Trường |
Củng cố lại các dây neo, di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh khi gió bão lớn làm vỡ lồng, bè. Riêng cá, tôm nuôi ở vùng nước mặn, cần phải có phương án và chuẩn bị phương tiện khắc phục trước mùa mưa lụt để bảo vệ vật nuôi.
Tất cả các vùng nuôi thủy sản cần tính lại lịch thời vụ nuôi cho phù hợp để khắc phục và tránh né mùa mưa lũ. Các vùng nuôi tôm ao hồ ven biển, nuôi cá, tôm bằng lồng, bè nên thả giống sớm, tăng cường cho ăn để thu hoạch sớm trước mùa mưa bão. Phải chuẩn bị phương án di dời cá, tôm nuôi ở vùng nước mặn đến nơi an toàn, tránh bị ngọt hóa bởi mưa lũ ảnh hưởng đến vật nuôi.
Các vùng nuôi thủy sản cần tính toán nên thu hoạch trước tháng 10, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.
Việt Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.