Lâu nay, nhắc đến món bún thường mọi người sẽ nhớ đến bún riêu cua, bún bò, bún mọc… Cho đến khi được thưởng thức một bát bún cá giữa ngày mưa phùn, gió bấc mới thật thú vị. Tìm hiểu chút ít về cách làm, tên gọi của món này lại càng thấy thú vị hơn.
Những ngày này, sương giăng đầy trên mặt con sông Đà, mưa phùn thôi nhưng cũng đủ làm ướt sũng các con đường và gió sông thổi lạnh buốt bên tai. Khác với những bát bún khô khan với chả cá làm sẵn hay những bát bún cá tươi còn cảm thấy vị tanh, bát bún cá này vừa tươi ngon vừa thơm với hương vị rất lạ. Quả đúng như tên gọi: bún cá Thái Lan.
Bát bún cá (ảnh: BVP)
Chẳng biết, có phải vì trước đây, dưới hạ lưu con sông Đà có một dãy phố của những Việt kiều từ Thái Lan trở về mang theo nhiều phong tục tập quán nước bạn với món bún độc đáo này hay không mà hương vị của nó rất đặc trưng. Những sợi bún mềm ngon hình như cũng được hương thơm của những lớp thịt cá trắng tinh, được sức nóng của nước dùng làm cho nõn nà ngon mắt hơn.
Từng sợi rau bắp cải thái chỉ xanh non tựa như những ngọn mướp, ngọn xu xu non tơ mới vươn lên. Những lát hoa chuối mỏng và đều, thả vào bát bún đem lại vị ngon và bùi thật hấp dẫn.
Cùng với đó là ớt bột, rau thơm, món bún cá trở nên ngon miệng. Những miếng cá tươi ngon, trắng ngần được người đầu bếp nấu thật khéo. Nghe nói, người ta phải dùng đến một chút gừng, hành khô và rượu để khử mùi tanh để cho thịt cá thơm ngon. Toàn là những thứ gần gũi hàng ngày nhưng được kết hợp đã tạo ra sự tinh tế trong từng món ăn. Hẳn người đầu bếp ấy đã phải thức dậy từ rất sớm, đón những chú cá sông vừa được đánh bắt đêm qua trên mặt sông rồi về chế biến nên mới có vị tươi nguyên như thế.
Trong cái rét đầu đông, được thưởng thức bát bún cá với những loại rau thơm mộc mạc, ngắm dòng sông Đà mờ ảo trong sương mù thật ấm lòng và thú vị biết nhường nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.