Bất cập trong xét tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú sẽ được khắc phục như thế nào?

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 30/05/2023 09:06 AM (GMT+7)
Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NSƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Bình luận 0

Sau khi Nghị định số 62/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của Chính phủ được ban hành năm 2014, Bộ VHTTDL đã tổ chức được 3 đợt xét tặng danh hiệu NNND, NSƯT. Theo đó, có 131 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND và 1750 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT.

Bất cấp trong xét tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú sẽ được khắc phục như thế nào? - Ảnh 1.

Nghị định mới sẽ khắc phục nhiều bất cập về xét tặng nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: TL.

Việc xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, di sản văn hóa nói chung.

Tuy nhiên, so với thực tiễn đời sống, quá trình xét tặng danh hiệu NNND, NSƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho thấy còn một số bất cập, cần phải khắc phục.

Nhiều bất cập trong xét tặng danh hiệu nghệ nhân

Đối tượng nghệ nhân nghề thủ công truyền thống có thể nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu ở cả lĩnh vực lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì công tác xét tặng (xét theo loại hình tri thức dân gian) hoặc đề nghị xét tặng danh hiệu ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ do Bộ Công thương chủ trì công tác xét tặng. Điều này dẫn đến việc cùng danh hiệu vinh dự Nhà nước NNND, NSƯT đang có sự bất cập, chồng chéo, trùng lặp về đối tượng xét tặng mặc dù tiêu chí để xét danh hiệu của 2 lĩnh vực này có những điểm khác biệt.

Bên cạnh đó, căn cứ xác định mốc thời gian hoạt động trong nghề, số lượng học trò đào tạo được, giải thưởng do cơ quan nào khen tặng chưa được quy định rõ ràng.

Nghị định 62/2014/NĐ-CP cũng chưa quy định "thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể" là thời gian được tính như thế nào dẫn đến khó xác định được và việc xác định cũng không thống nhất tiêu chuẩn về thời gian để xét tặng.

Trong trình tự làm việc của Hội đồng cấp tỉnh chưa đề cập đến trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể phải đạt từ 75% ý kiến đồng ý của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, một số Hội đồng cấp tỉnh chưa ưu tiên mời các cá nhân có chuyên môn cao liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành; thiếu các nhà nghiên cứu về loại hình di sản văn hóa phi vật thể tham gia Hội đồng xét tặng.

Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định "Trong một kỳ xét tặng, thành viên Hội đồng cấp tỉnh không đồng thời là thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước" là chưa phù hợp vì thực tế qua 3 đợt xét tặng vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất khó khăn để mời thành viên tham gia Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước. Hầu hết các chuyên gia có uy tín nghề nghiệp tại các khu vực, vùng miền đã tham gia Hội đồng cấp tỉnh. Việc các chuyên gia có thể tham gia nhiều cấp Hội đồng là do uy tín nghề nghiệp cá nhân của từng người. Những thảo luận, đánh giá của họ tại Hội đồng có thể sẽ giúp các thành viên khác trong Hội đồng có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn khi xem xét hồ sơ.

Theo Bộ VHTTDL, việc xây dựng hồ sơ đòi hỏi phải có minh chứng như: băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ, hoặc các giấy tờ liên quan tới giải thưởng … các nghệ nhân có nhưng rất ít và nếu có thì làm thất lạc. Trong quá trình xây dựng hồ sơ không đủ tính thuyết phục do còn thiếu nhiều minh chứng nên hồ sơ bị loại dù thực tế bản thân có nhiều đóng góp cho việc trao truyền di sản văn hóa phi vật thể (nhiều hồ sơ kê khai rất sơ sài, nội dung chung chung, khó phân biệt được sự đóng góp của từng nghệ nhân trong cùng một thôn, xã hoặc câu lạc bộ).

Ngoài ra, Bản tóm tắt thành tích của Hội đồng cấp tỉnh chưa thể hiện rõ tri thức và kỹ năng mà nghệ nhân đang nắm giữ cũng như quá trình thực hành di sản của nghệ nhân (thiếu các mốc thời gian cụ thể trong quá trình thực hành, thời gian bắt đầu truyền dạy học trò).

Thay đổi để phù hợp với thực tiễn đời sống

Từ những lý do nêu trên, để triển khai hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và bảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, theo Bộ VHTTDL, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 62/2014/NĐ-CP là cần thiết.

Theo đó, trong Dự thảo Nghị định mới, ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 5 Chương, 19 điều bao gồm: Chương I: Quy định chung gồm 07 điều: Từ Điều 1 đến Điều 7. Chương II: Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể gồm 02 điều: Điều 8 và Điều 9.

Chương III: Hội đồng xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể gồm 04 điều: Từ Điều 10 đến Điều 13. Chương IV: Hồ sơ, quy trình và thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể gồm 04 điều: Từ Điều 14 đến Điều 17. Chương V: Điều khoản thi hành gồm 02 điều: Điều 18 và Điều 19.

Việc xây dựng Dự thảo Nghị định bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo Nghị định trong hệ thống pháp luật nói chung và các văn bản là căn cứ pháp lý nói riêng.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng: "Các chính sách phong tặng theo Nghị định nước ta còn thiếu một đối tượng rất quan trọng, chúng ta luôn nói rằng di sản phải gắn liền với phát triển bền vững nhưng khi phong tặng mới chỉ quan tâm đến các đối tượng đã làm, đã được vinh danh mà chưa quan tâm đến đối tượng tiềm năng đang sản xuất, tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm.

Bây giờ chúng ta nói là công nghiệp văn hóa tạo ra sự phát triển bền vững cho xã hội. Nghị định của chúng ta chưa có và chúng ta cần phải bổ sung để cho những người tiếp cận nghệ nhân đó tham gia vào. Các nước trên thế giới có những chính sách dành riêng cho các nghệ nhân và những người tiếp cận. Đặc biệt, còn có cả những chính sách dành cho các lớp trẻ mới khuyến khích được người trẻ tham gia bảo vệ di sản và phát triển bền vững".

Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, đối với quy trình thủ tục hội đồng thì hội đồng tham gia cần phải hiểu rõ về chính sách. Các nhà chuyên môn không thể nắm vững được hết các loại hình, mỗi nhà chuyên môn chỉ nắm vững về một loại hình riêng như: âm nhạc, ẩm thực… nhưng tất cả đều phải hiểu về chính sách. Bởi nếu hội đồng chỉ nói theo chuyên môn, theo quan điểm của cá nhân mà không bám với chính sách sẽ gây sự bất cập và thiệt thòi cho các nghệ nhân.

Chia sẻ với Dân Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đã gọi là nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể thì phải có quá trình cống hiến và phải có thử thách. Trừ những nghệ nhân tuổi đã cao, họ không thể tiếp tục việc giữ gìn và bảo tồn thì những nghệ nhân trẻ khi được xét tặng phải có thử thách. Những tiêu chí đưa ra phải mang tính chuẩn mực và phù hợp với thực tiễn đời sống.

"Tôi cho, lĩnh vực xét tặng NNND, NNƯT là rất khó. Nghệ nhân dân gian là phải có sự thừa nhận của xã hội, những cái khác thì thị trường cũng có cách đánh giá. Cho nên tôi nghĩ, cần phải nghiên cứu kỹ. Hiện tại đang lẫn lộn xét tặng giữa Bộ VHTTDL và Bộ Công thương. Những nghệ nhân về ngành nghề truyền thống thì do Bộ Công thương xét tặng nhưng có những loại hình lại thuộc xét tặng của Bộ VHTTDL. Vì thế, chúng ta phải giải quyết sự chồng chéo này.

Ở các nước, việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân không phải là Nhà nước mà là các hội nghề nghiệp. Hội nghề nghiệp có tính chất xã hội cao, đi sâu sát vào đời sống thì mới xem xét thấu đáo và chính xác được. Bây giờ, nghệ nhân thuộc Bộ Công thương xét tặng thì có mời một số chuyên gia nhưng không phải các chuyên gia đều biết hết được. Tôi cũng được mời ngồi Hội đồng xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT nhưng chỉ biết được một phần nào đó thôi, không thể biết hết được. Chính hội nghề nghiệp là những người biết rõ về hội viên và quá trình đóng góp của hội viên nhất".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem