Khu vực Ninh Qưới (Bạc Liêu) với hơn 8.000ha và gần 2.000ha thuộc vùng giáp ranh huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) với Bạc Liêu là 2 địa bàn mà nông dân gieo sạ sớm.
Không thiếu giống, phân bón...
Kỹ sư Phan Văn Liêm - cán bộ Trung tâm Giống Nông nghiệp Bạc Liêu, tự tin rằng, năm nay nhiều khả năng không sốt giống. Bởi theo ông Liêm, ngay đầu vụ, trung tâm chuẩn bị 1.400 tấn giống lúa cấp xác nhận và 22 CLB sản xuất giống với gần 3.000ha cũng sẵn sàng cung ứng.
|
Nông dân tỉnh Trà Vinh bước vào sản xuất vụ hè thu với nhiều nỗi lo về giá vật tư nông nghiệp tăng cao. |
Trong khi tại các CLB giống của tỉnh Sóc Trăng, hiện cũng đang cung ứng ra cửa hàng bán lẻ, gồm các chủng loại OM 6162, OM 4900, OM2517 là những giống được ngành NNPTNT khuyến cáo sản xuất nhiều vụ liên tiếp. Ngoài ra, một bộ phận nông dân tự giữ lại giống, trao đổi giống, sử dụng giống vừa thu hoạch đưa vào sản xuất vụ hè thu này nên dự báo đủ giống là có cơ sở.
Một yếu tố mang tính đột phá, đó là vốn cho sản xuất được quan tâm đáng kể cùng với kế hoạch bảo hiểm nông nghiệp. Ông Lý Nam Hải - Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Cà Mau, cho biết đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó, hơn 2.500 tỷ thực thi Nghị định 41. Vấn đề ứng dụng công nghệ cũng tiến bộ hơn khi gặt đập bằng máy liên hợp và làm đất bằng cơ giới tăng mạnh.
Ông Võ Văn Lăng - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cũng đồng tình, rằng khả năng trao đổi giống lúa tốt trong dân rất lớn, không phải lo nhiều về khâu giống.
Theo ghi nhận của NTNN, nhiều nông dân bán lúa đông xuân xong cũng mua ngay phân, thuốc trừ sâu tích trữ cho đầu vụ hè thu. Hiện có hơn 40.000 tấn phân bón đang tồn tại nhiều kho lớn, thuộc các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau.
Chưa kể trên 300 cơ sở bán lẻ phân bón, thuốc BVTV cùng phân phối tại các địa bàn, tận vùng sâu, vùng xa. Điều mới nhất niên vụ này, là số doanh nghiệp cung ứng phân hữu cơ sinh học phục vụ nông nghiệp ngày càng nhiều, mở ra hướng canh tác nông nghiệp kiểu sinh thái bền vững, như các loại phân Thiên Phú (Trà Vinh), ADC (Cần Thơ)…
Còn nhiều nỗi lo
Thế nhưng, đầu vụ hè thu này, nông dân ĐBSCL cũng đang lo sốt vó vì chi phí sản xuất (xăng dầu, phân bón, vật tư nông nghiệp...) tăng cao.
Ông Danh Nhỏ (ấp Bà Gồng, Ngan Dừa, Hồng Dân, Bạc Liêu) than: Tiền thuê máy xới làm đất để sạ sớm tốn 2,5 triệu đồng/ha (tăng 700.000 đồng so năm ngoái). Còn ông Nguyễn Văn Việt (ấp Bình Thạnh, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, Bạc Liêu) cho biết giá giống đã khá cao (12.000-14.000 đồng/kg); phân urê, DAP, NPK trên 600.000 đồng/bao, tăng trên 10% mỗi loại.
Tính ra, trước đây tiêu tốn khoảng 600.000 tiền phân/công đất lúa, giờ phải 700.000-800.000 đồng/công mới tạm đủ… Mấy anh chị em nhà bà Nguyễn Thị Treo (xã Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu) cũng lo lắng: Nếu tập trung lo bón đủ phân cho lúa vụ này, nhiều hộ phải vay nóng bên ngoài hoặc mua thiếu, chịu trả lãi tại các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp.
Ông Ngũ Văn Cần (thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết: "Lúa mới hơn 1 tháng tuổi nhưng tôi phải bón phân 2 lần, 1 lần xịt thuốc trị bệnh đạo ôn, thuốc diệt cỏ tốn gần 4 triệu đồng. So với vụ đông xuân vừa rồi giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng hơn 20%". Theo tính toán của ông Cần thì chi phí sản xuất lúa vụ đông xuân chỉ 2 triệu đồng/công (1.000m2) thì đến vụ hè thu này đã tăng lên từ 2,5 đến 3 triệu đồng/công.
Ông Thạch Kiên (xã Hòa Hiệp, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) thì nói như than: "Giá xăng vừa lên thì công cày, xới đất đã rục rịch tăng theo. Bây giờ ruộng tui chưa xuống giống, nhưng nghe nói phân bón, thuốc trừ sâu đã tăng nên vụ này rất khó khăn, nhất là không biết giá lúa tới khi thu hoạch có còn cao như hiện nay không".
Một nỗi lo khác của nông dân các tỉnh ĐBSCL lâu nay vẫn chưa thể giải toả nổi, đó là vấn đề sân phơi, khi hơn 20% lúa hè thu thu hoạch hàng năm được bày phơi đầy cả tuyến quốc lộ, trong khi nhiều nông dân đánh giá là lúa hè thu phơi sân đất làm giảm chất lượng hạt lúa, thiệt thòi cho nhà nông.
Phải giảm tối đa chi phí sản xuất
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: "Năm nay, vụ lúa hè thu ở vùng ĐBSCL lại gặp rất nhiều bất lợi do khô hạn, nước mặn xâm nhập vào nội đồng; nước lũ không về nên kéo theo đó là sâu bệnh, dịch hại gia tăng...".
Cũng vì lo lắng chi phí tăng cao, nhiều nông dân như ông Trần Thuận ở đầu kênh xã Tân Long, huyện Ngã Năm, Sóc Trăng, mong muốn Nhà nước thiết lập nhiều các dịch vụ hỗ trợ nhà nông tận nông thôn sẽ giảm thiểu chi phí sản xuất hơn.
Theo nhiều chuyên gia, để vượt qua khó khăn như hiện nay thì nông dân cần phải tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Trong đó các biện pháp được nông dân áp dụng rộng rãi như: 3 giảm 3 tăng (giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu; tăng năng suất, chất lượng, giá trị), 1 phải 5 giảm (phải sử dụng giống xác nhận; giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước, thất thoát sau thu hoạch).
Ông Trần Trung Hiền - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: "Ngành nông nghiệp địa phương đang khuyến khích, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành. Trong đó, các mô hình cánh đồng mẫu đang thực hiện ở địa phương đã giảm tối đa chi phí sản xuất và là hướng đi mới sẽ được triển khai, nhân rộng trong thời gian tới".
Theo tiến sĩ Bảnh, nông dân ĐBSCL muốn giảm chi phí sản xuất thì nhất thiết phải tập hợp lại thành lập tổ hợp tác, HTX hay công ty cổ phần nông nghiệp để có diện tích đất sản xuất lớn. Có vậy, nông dân mới dễ dàng đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, giảm tối đa chi phí bơm tưới, cày xới, thu hoạch... Từ đó lợi nhuận đem lại mới cao và bền vững nhất là trong điều kiện giá cả, chi phí sản xuất tăng cao.
Vũ Khánh - Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.