"Bất lực" với lò mổ không phép xả thải ra môi trường ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), người dân tiếp tục kêu cứu

Hồng Nhân - Phạm Hiệp Thứ ba, ngày 18/04/2023 09:46 AM (GMT+7)
Chính quyền huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) kêu "khó" dừng hoạt động của lò mổ không phép, lãnh đạo xã Hợp Thanh chỉ "hứa" khiến nhiều người dân trên địa bàn tiếp tục kêu cứu vì phải sống chung với môi trường ô nhiễm.
Bình luận 0

Khó dừng hoạt động lò mổ không phép!

Tháng 3/2023, Báo điện tử Dân Việt có loạt bài "Bốn lò mổ trong một con ngõ, chất thải đổ tràn ra đường, người dân Mỹ Đức (Hà Nội) sống trong ám ảnh" thông tin về việc nhiều người dân tại xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) bày tỏ nỗi bức xúc khi phải sống chung quá lâu với các lò mổ tự phát, gây ô nhiễm môi trường.

Ngay sau bài viết, chính quyền đã lập biên bản, xử lý vi phạm một số lò mổ và tiến hành phun khử khuẩn, thế nhưng mới đây người dân xã Hợp Thanh lại kêu cứu bởi địa phương xử lý không dứt điểm, chỉ dọn dẹp được 1, 2 hôm đầu khi báo phản ánh, sau đó tình trạng ô nhiễm tiếp tục tái diễn.

Huyện Mỹ Đức (Hà Nội) "bất lực" trước lò mổ không phép xả thải ra môi trường, người dân tiếp tục kêu cứu - Ảnh 1.

Hình ảnh lò mổ gây ô nhiễm do phóng viên Dân Việt ghi nhận trước đó.

"Người dân chúng tôi không biết kêu ai và không biết làm thế nào. Khi Báo Dân Việt vào cuộc, thấy xã có đến dọn rác thải trên mặt ruộng và mương nước gần đó, đồng thời phun khử khuẩn, thế nhưng đến nay thì im lìm. Buổi tối các lò mổ vẫn hoạt động rầm rộ, vẫn vô tư đổ chất bẩn ra đường, ra mương, hôi thối kinh khủng", chị T.T (người dân sống gần lò mổ) cho biết.

Về việc này, mới đây, trao đổi với phóng viên, ông Trương Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức thông tin, xã báo cáo đã làm việc với 4 hộ, xử phạt và yêu cầu ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

"Địa phương đang đề xuất xây dựng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú ý, huyện cũng làm công văn chỉ đạo", vị Trường phòng nói.

Phóng viên đặt câu hỏi nếu các hộ tiếp tục vi phạm, không đảm bảo vệ sinh thì với tư cách là Trưởng phòng kinh tế huyện Mỹ Đức, ông Tuấn sẽ xử lý thế nào?

Huyện Mỹ Đức (Hà Nội) "bất lực" trước lò mổ không phép xả thải ra môi trường, người dân tiếp tục kêu cứu - Ảnh 2.

Hình ảnh phóng viên ghi nhận tháng 3/2023 về việc xả thải ra môi trường.

Ông Tuấn cho biết: "Chúng tôi lại cho cơ quan chuyên môn vào xử lý theo quy định. Nếu tiếp tục vi phạm lại tăng cường kiểm tra, lập biên bản xử lý, còn để dừng là khó. Mình yêu cầu họ cam kết, nếu vi phạm sẽ xử phạt tiếp".

Chủ tịch xã Hợp Thanh chỉ "hứa"

Trước đó, ngày 27/3, khẳng định với phóng viên Dân Việt, ông Hoàng Văn Hai – Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh cho biết, các lò mổ nếu tái diễn tình trạng đổ thải ra môi trường sẽ yêu cầu chấm dứt hoạt động.

"Địa phương đã có quy hoạch khu giết mổ thế nhưng đến nay chưa triển khai được. Hiện tình trạng các lò mổ trong khu dân cư là vẫn còn, địa phương sẽ rà soát và xử lý những tồn tại.

Về 4 lò mổ không phép như Báo Dân Việt phản ánh, chính quyền cũng đã đứng ra xử lý, yêu cầu dọn sạch, nếu tái phạm chúng tôi sẽ đình chỉ ngay", vị lãnh đạo xã Hợp Thanh khẳng định.

Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, sau lời "hứa" của Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh, một số lò mổ không phép trong khu dân cư tiếp tục đổ chất thải xuống mương nước gần đó, quây bạt gom chất thải bốc mùi hôi thối gây bức xúc trong nhân dân.

Huyện Mỹ Đức (Hà Nội) "bất lực" trước lò mổ không phép xả thải ra môi trường, người dân tiếp tục kêu cứu - Ảnh 4.

Bạt gom chất thải lộ thiên bốc mùi hôi thối ngay trên bờ ruộng gây bức xúc cho người dân.

Huyện Mỹ Đức (Hà Nội) "bất lực" trước lò mổ không phép xả thải ra môi trường, người dân tiếp tục kêu cứu - Ảnh 5.

Hình ảnh đổ tiết ra thẳng mương nước của một lò mổ.

Ngày 11/4, phóng viên tiếp tục cung cấp thông tin về việc một số lò mổ vẫn xả thải để ông Hoàng Văn Hai xử lý như đã hứa, thế nhưng đến nay đã hơn 1 tuần trôi qua, các lò mổ không phép vẫn hoạt động, việc xử lý chất thải không được xử lý triệt để.

Nhiều người dân Hợp Thanh vẫn tin và hi vọng chính quyền huyện Mỹ Đức sẽ có phương án xử lý dứt điểm các lò mổ hoạt động không phép gây ảnh hưởng tới môi trường chứ không phải những lời kêu "khó" từ vị Trường phòng Kinh tế và lời "hứa suông" từ Chủ tịch UBND xã.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội, kinh doanh cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để kinh doanh hợp pháp ngành nghề này, người kinh doanh cần chuẩn bị các điều kiện luật định và xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở kinh doanh giết mổ.

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 66/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 123/2018/NĐ-CP ) quy định cụ thể như sau:

Điều 20. Điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

2. Về địa điểm giết mổ

a) Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải có khoảng cách an toàn với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm;

b) Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khi hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

"Việc các cơ sở hoạt động không phép, còn đổ chất thải thẳng ra môi trường là đang thách thức pháp luật", ông Nghĩa chia sẻ.

Bốn lò mổ trong một con ngõ, chất thải đổ tràn ra đường, người dân Mỹ Đức (Hà Nội) sống trong ám ảnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem