Hệ thống giao thông của Singapore cực kỳ hiện đại và văn minh
Ngay từ năm 1971, chính phủ Singapore đã quy hoạch chiến lược mạng lưới các trục giao thông để hình thành bộ khung cứng cho hệ thống giao thông trong tương lai sau 40 năm, và được phân kỳ đầu tư từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 15 năm.
Sau 10 năm quy hoạch, được xem xét điều chỉnh một lần. Tầm nhìn chiến lược của Singapore là xây dựng hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao. Mục tiêu đến năm 2030 của Singapore là tăng cường mạnh hệ thống giao thông công cộng lên 75%, xây dựng hệ thống giao thông cho người sử dụng Door to Door, giảm thời gian di chuyển và 80% hộ gia đình chỉ mất 10 phút đi bộ đến trạm xe công cộng.
Hệ thống giao thông của Singapore trong 50 năm qua, gồm hệ thống giao thông và phương tiện vận tải công cộng và tư nhân.
Hệ thống giao thông công cộng gồm các phương tiện tàu điện ngầm, xe buýt, xe taxi. Tàu điện ngầm MRT cung cấp dịch vụ vận tải khối lượng lớn có 147km đường, 97 nhà ga, giá vé và tiêu chuẩn dịch vụ được Nhà nước quy định, do 2 Công ty SBST và SMRT đảm nhận.
Xe buýt với 342 tuyến, 4.000 xe, giá vé và tiêu chuẩn dịch vụ được Nhà nước quy định, cũng do 2 Công ty SBST và SMRT đảm nhận theo khu vực phục vụ đã được phân chia.
Singapore đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các trung tâm giao thông tích hợp để kết nối các phương tiện công cộng, các trung tâm thương mại và nơi cư dân sinh sống.
Taxi là dịch vụ giao thông công cộng cá nhân cao cấp với 27.000 xe, giá dịch vụ taxi được tự điều chỉnh và cho phép thành lập công ty mới.
Hệ thống tàu điện ngầm là hệ thống giao thông xương sống của Singapore, có 84 ga với chiều dài 171km. Khu vực trung tâm thành phố, hệ thống này chạy dưới đường ngầm, phía ngoài khu vực trung tâm được thiết kế nằm tầng trên cao và song song với các trục đường bộ dành cho xe ô-tô. Taxi cũng là một phương tiện giao thông khá phổ biến ở Singapore nhưng đắt trong giờ cao điểm.
Hệ thống giao thông đường bộ mặc dù không lớn nhưng được tính toán, phân luồng một cách khoa học và chặt chẽ; phần lớn đều tổ chức giao thông một chiều; các nút giao thông đều được tổ chức các ngã rẽ phụ, nhằm hạn chế lưu lượng xe vào nút hoặc tổ chức giao thông khác mức.
Hầu hết các tuyến đường lớn đều có cầu vượt cho người đi bộ và xe thô sơ. Đặc biệt, vỉa hè trên các tuyến giao thông đều có thiết kế lối đi riêng dành cho người đi bộ, cách ly với mặt đường bằng dải cây xanh và hoa để tạo ra cảnh quan, gây cảm giác an toàn và dễ chịu cho người đi bộ; người đi bộ chỉ được phép qua đường tại các vị trí có tín hiệu đèn xanh, đỏ và cầu vượt hoặc hầm chui…
Để tránh tình trạng ùn tắc giao thông, cân bằng việc đi lại trong đô thị, Chính phủ Singapore đã có các chính sách và giải pháp hạn chế sở hữu cá nhân. Việc sở hữu xe tại Singapore rất đắt đỏ, do phải nộp thêm nhiều chi phí phụ khác.
Ngoài chi phí mua xe, tiền bảo hiểm, thuế đường, phí đỗ xe, người mua xe phải đấu giá và nộp một khoản tiền cho Nhà nước để được quyền mua và lưu hành xe. Khoảng hai tháng, chính quyền tổ chức đấu giá một lần với số lượng hạn chế, số xe được nhập vào cân đối với số xe thải ra và một số nhu cầu cấp thiết.
Do Singapore có diện tích rất hẹp, nên chính quyền Singapore thường có những biện pháp đặc biệt để tránh tình trạng nghẽn xe, tắc đường. Hệ thống thuế giờ cao điểm ERP (Electronics Road Pricing) được đưa vào hoạt động trong khu vực trung tâm thành phố để giảm lưu lượng xe lưu thông qua các khu vực này vào giờ cao điểm. Số tiền này được trừ thẳng vào thẻ EZLink cài trên xe hơi.
Tóm lại Singapore đã xây dựng được một hệ thống giao thông công cộng đạt các tiêu chí kết nối tốt, cung cấp dịch vụ tốt và phải đáng sống, hài hòa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.