Vì sao người Ấn Độ lạnh lùng bỏ mặc nạn nhân bị tai nạn giao thông

Phương Đăng (theo BBC) Thứ tư, ngày 08/06/2016 08:34 AM (GMT+7)
Khi xảy ra tai nạn giao thông, người qua đường thường tích cực giúp đỡ các nạn nhân hoặc ít nhất tìm kiếm sự hỗ trợ họ. Ở Ấn Độ - đất nước có những con đường nguy hiểm nhất thế giới thì khác, hầu như các nạn nhân tai nạn giao thông phải tự tìm cách cứu mình vì sẽ không có ai chìa tay ra giúp đỡ họ.
Bình luận 0

img

Giao thông hỗn loạn là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn đau lòng trên các con đường ở Ấn Độ.

Kanhaiya Lal đã tuyệt vọng khóc nấc cầu xin người qua đường giúp đỡ gia đình anh trong một vụ tai nạn giao thông nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng, ánh nhìn lạnh lùng, những người thờ ơ bỏ đi. Nhiều chiếc xe ô tô đi qua, nhưng cũng không chịu dừng lại mà vội vàng phóng đi.

Sau khi cả gia đình gặp tai nạn, chỉ duy nhất anh Kanhaiya vẫn còn ý thức. Con trai bé nhỏ của anh đã bất tỉnh nằm cạnh thi thể của mẹ bé và em gái mới sinh. Gần đó, chiếc xe máy của gia đình Kanhaiya nằm lăn lóc trông như đống sắt vụn, các bộ phận vỡ nát, méo mó. Mới chỉ trước đó mấy giây, cả gia đình anh vẫn còn toàn vẹn trên chiếc xe.

Đoạn video ghi lại vụ tai nạn giao thông của gia đình Kanhaiya ở miền Bắc Ấn Độ được phát sóng rộng rãi,  không chỉ cho thấy nỗi đau khổ, tuyệt vọng của các nạn nhân mà còn phản ánh sự thờ ơ đến mức tàn nhẫn của những người qua đường chứng kiến vụ tai nạn.

Lâu sau, một số người đi xe máy và cảnh sát đến, nhưng đã quá muộn. Vợ và con gái anh Kanhaiya đã chết. Cái chết của hai mẹ con đã gây ra một cuộc tranh luận quốc gia về sự thờ ơ của con người khi bắt gặp các vụ tai nạn giao thông trên đường. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ mạnh mẽ lên án, mô tả bi kịch của gia đình Kanhaiya phản ánh “mức đáy mới về sự thờ ơ của công chúng” hay tệ hơn là “Ngày nhân loại qua đời”.

Mới đây nhất, một lần nữa, lòng trắc ẩn, sự nghĩa hiệp trong xã hội Ấn Độ lại bị đánh động khi đoạn video về vụ tai nạn giao thông khác được phát sóng. Một chiếc xe ô tô đã tông mạnh vào hai mẹ con Anita Jindal và Vinay trên một con đường ở Đông Delhi. Chàng thanh niên 20 Vinay bị bắn ra xa và bất tỉnh, máu chảy lênh láng.

img

Chân dung của chàng thanh niên xấu số Vinay

Đoạn phim cho thấy, rất nhiều người đi đường chứng kiến và đứng quây quanh nạn nhân để xem vụ tai nạn nhưng họ không làm bất cứ điều gì. Vụ này đã khiến ngay cả Thủ tướng Narendra Modi cũng phải lên tiếng báo động.

Nhà vận động an toàn giao thông Piyush Tewari cho biết, bi kịch của gia đình Kanhaiya rất phổ biến ở Ấn Độ và gia đình ông cũng từng gặp phải tình huống tương tự. Cách đây 10 năm, người anh em họ của Piyush khi đó mới 17 tuổi, gặp tai nạn trên đường từ trường về nhà và đã chết vì không nhận được  sự giúp đỡ kịp thời.

“Có rất nhiều người đã dừng lại xem nhưng không ai chìa tay ra giúp đỡ. Em ấy đã bị chảy máu cho đến chết trên lề đường”, ông Piyush chia sẻ.

Cái chết của người em họ đã khiến Piyush theo đuổi công việc hiện nay. Ông nghiên cứu hành vi thờ ơ, lạnh lùng đến tàn nhẫn của người qua đường trong các vụ tai nạn giao thông và phát hiện ra rằng, mô típ này lặp đi lặp lại và xảy ra trên khắp Ấn Độ.

img

Nhà vận động an toàn giao thông Piyush Tewari từng mất em họ vì tai nạn giao thông và không được ai cứu giúp

Ước tính, trung bình Ấn Độ có 15 người chết mỗi giờ vì tai nạn giao thông. 20  trẻ em mất đi cuộc sống mỗi ngày vì nguyên nhân tương tự. Một triệu người đã chết vì tai nạn giao thông ở Ấn Độ trong thập kỷ qua. Ngoài ra, trong cùng thời gian đó, 5 triệu người khác bị thương nặng hoặc tàn phế suốt đời vì nguyên nhân tương tự.

Trong một cuộc khảo sát trên phạm vi quốc gia, có 74% người  Ấn Độ được hỏi cho biết họ sẽ không giúp đỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông, kể cả khi những người xung quanh chìa tay ra giúp đỡ.

Theo ông Piyush, nguyên nhân cho việc này là mọi người sợ bị liên luy, sợ phải trở thành nhân chứng trong một vụ án rắc rối, phức tạp với thủ tục pháp lý lằng nhằng.

“Nguyên nhân quan trọng nhất là mọi người sợ bị hiểu lầm. Thông thường nếu bạn giúp đỡ ai đó, cảnh sát sẽ cho rằng bạn đang giúp người đó che giấu tội lỗi”, ông Piyush chia sẻ.

img

Người Ấn Độ sợ liên lụy nếu ra tay cứu giúp nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Ngoài ra, nếu đưa nạn nhân tới bệnh viện, nhiều người sợ sẽ phải cam kết đóng viện phí và điều trị y tế. Shrijith Ravindran, một giám đốc điều hành của một chuỗi nhà hàng ở Ấn Độ chia sẻ, ông từng đưa một cụ ông bị tai nạn giao thông tới bệnh viện và đã phải mất tới 3 tiếng đồng hồ để hoàn tất các thủ tục nhập viện cho nạn nhân.

Sau đó, khi bệnh viện biết ông không phải người nhà nạn nhân, họ đã không làm gì cả. Shrijith cho biết, bệnh viện chỉ cứu nạn nhân khi họ được đảm bảo rằng tiền viện phí, điều trị chắc chắn sẽ được gia đình nạn nhân thanh toán. Cuối cùng, cụ ông đã chết ngay trong bệnh viện vì không được cấp cứu kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem