Đại sứ Trần Đức Mậu
Thứ hai, ngày 31/08/2020 17:00 PM (GMT+7)
Nếu ông Joe Biden và Đảng Dân chủ không nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và sách lược vận động tranh cử thì kết cục bầu cử cách đây 4 năm dễ lặp lại hơn là xảy ra kịch bản kết Nhà Trắng sẽ đổi chủ.
Hơn hai tháng trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ, hai đảng phái chính trị lớn nhất ở đất nước này là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà đã tiến hành đại hội đảng toàn quốc để chính thức đề cử ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống của đảng cho cuộc bầu cử tổng thống ấy.
Ở phía Đảng Cộng hoà, cặp đôi đương nhiệm Donald Trump và Mike Pence được đảng này đề cử lại. Còn ở phía Đảng Dân chủ có sự pha trộn nhân sự đặc biệt chưa từng thấy ở nước Mỹ khi liên danh tranh cử chính thức là cựu phó tổng thống Joe Biden và nữ thượng nghị sỹ da màu gốc xuất thân nước ngoài Kamara Harris.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra đã làm thay đổi cơ bản cách thức tổ chức sự kiện lớn này năm nay của cả hai đảng khi từ trực tiếp sang thành trực tuyến là chủ yếu, nhưng không làm thay đổi gì tính chất quyết liệt của sự kiện. Cả hai bên đều dùng sự kiện này để chấn chỉnh hàng ngũ trong nội bộ đảng và củng cố diện cử tri trung thành truyền thống, đồng thời tranh thủ diện cử tri hiện vẫn còn phân vân chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên của bên nào và diện cử tri thường chao đảo giữa hai phe.
Hai bên rất giống nhau ở chỗ dùng ngôn từ to tát và cách hùng biện thống thiết để làm cho cử tri tin rằng phía bên kia thắng cử sẽ đẩy nước Mỹ vào cơn ác mộng. Đừng bỏ phiếu bầu bên kia là thông điệp trọng tâm của bên này phát đi từ đại hội đảng năm nay gửi tới cử tri Mỹ. Khuấy động nỗi lo sợ và nghi ngại về triển vọng tồi tệ của nước Mỹ nếu phía bên kia đắc cử là chiêu bài được cả hai phía sử dụng, mức độ quyết liệt hơn và thái quá hơn đương nhiên thuộc về phía ông Trump và Đảng Cộng hoà.
Không thấy bên nào đưa ra được cương lĩnh tranh cử với những nội dung và ý tưởng giúp phác hoạ sơ bộ đường lối chính sách sẽ được thực hiện nếu đắc cử mà chỉ đưa ra cam kết chung chung nhằm ru ngủ lý trí của cử tri, nghe thì rất to tát và bùi tai nhưng lại không đi kèm tính khả thi trên thực tế được đảm bảo. Chẳng hạn như ông Biden cam kết tạo thêm 5 triệu chỗ làm việc trong năm cầm quyền đầu tiên nếu thắng cử còn ông Trump hứa sẽ tạo ra 10 triệu chỗ làm việc trong 10 tháng cầm quyền đầu của nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai nếu được tái đắc cử. Cả hai phía đều coi cuộc bầu cử tổng thống này như thể trận đấu quyết định về "tiếp tục tồn tại hay không tồn tại nữa" đối với nước Mỹ.
Sau các đại hội đảng này, lợi thế vẫn thuộc về phía ông Biden nhưng khoảng cách hơn ông Trump đang bị thu hẹp lại. Cục diện thay đổi thế nào và triển vọng cụ thể rồi sẽ ra sao phụ thuộc rất quyết định vào diễn biến của 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa ông Trump và ông Biden từ cuối tháng 9 và trong tháng 10. Ở Mỹ hiện có ít người tin rằng ông Biden "thắng" ông Trump trong 3 cuộc này hơn là tin điều ngược lại bởi ông Biden quá hiền lành khi tranh luận so với ông Trump quá cực đoan, bởi ông Biden tự ràng buộc vào những tiêu chí về đạo đức chính trị và quy tắc văn hoá ứng xử trong khi ông Trump luôn phá cách.
Ông Biden chỉ có thể giành về được phần thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay khi trong nội bộ Đảng Dân chủ tranh thủ được cánh hữu và cấp tiến, khi cùng bà Harris vận động thuyết phục được cử tri Mỹ đi bầu cử, đặc biệt diện cử tri là phụ nữ, là người da màu gốc xuất thân nước ngoài, khi tranh thủ được bộ phận cử tri vẫn còn đang phân vân chưa quyết định lựa chọn. Đồng thời, ông Biden chỉ có cơ hội đắc cử khi tự thể hiện để cử tri Mỹ tin rằng mình là sự lựa chọn tốt nhất cho họ và cho nước Mỹ chứ không phải kêu gọi họ bầu mình vì mình khác ông Trump và vì ông Trump tiếp tục cầm quyền sẽ là thảm hoạ đối với nước Mỹ. Ông Biden phải chỉ ra được cho cử tri thấy lối thoát cho nước Mỹ ra khỏi thảm trạng hiện tại và thể hiện bản lĩnh lãnh đạo nước Mỹ thoát khỏi khó khăn và thách thức chứ không chỉ có cam kết chung chung, phải cụ thể và xác thực chứ không nhạt nhoà và mơ hồ.
Ông Trump vẫn có cơ hội đắc cử bởi phía ông Biden và Đảng Dân chủ hiện chưa tìm ra được cách thức đối phó hiệu quả với cách thức vận động tranh cử cực đoan và dân tuý, cố tình đảo ngược thực tế và sự thật ở Mỹ. Ông Trump có lợi thế của người đương nhiệm và có thể dùng những quyết sách cầm quyền độc đáo để chi phối tâm lý cử tri trong thời gian tới, tức là có nhiều hơn ông Biden rất nhiều những con chủ bài đắc dụng nhất ở vào những thời điểm quyết định nhất của chặng nước rút của cuộc vận động tranh cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ. Nếu ông Biden và Đảng Dân chủ không nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và sách lược vận động tranh cử thì kết cục bầu cử cách đây 4 năm dễ lặp lại hơn là xảy ra kịch bản kết Nhà Trắng sẽ đổi chủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.