Ông Nguyễn Văn Đệ (Bầu Đệ) tỏ ra bất bình với việc phân biệt đối xử giữa bệnh viện công và tư.
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” diễn ra chiều 26.10, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam - cho biết, bản thân ông rất cảm động trước sự chuyển biến của Chính phủ khi từ Chính phủ bao cấp, quản lý, phân chia đã chuyển đổi thành Chính phủ kiến tạo, đồng hành.
Dù vậy, không phải bộ, ngành địa phương nào cũng hiểu. Nhiều nơi vẫn muốn bám giữ lấy việc được bao cấp. Chính điều này đã khiến cho những mong muốn của Thủ tướng, Chính phủ chưa đạt được.
Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Đệ, do cán bộ, công chức nhiều nơi không chịu chuyển mình, làm việc qua loa. Nhiều dự án, DN phải gặp từ chuyên viên trở lên, nếu không mọi thứ sẽ bị đình trệ, đổ bể.
Lấy ví dụ trong ngành y tế, ông Đệ cho biết, qua nhiều năm thực hiện chủ trương xã hội hóa, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực y tế. Chủ trương xã hội hóa 1-2 năm đầu rất tốt nhưng dần dà tiếng nói hệ thống y tế tư nhân mất luôn. Chính sách ra đời thường chủ yếu tác động cho bệnh viện công, còn với bệnh viện tư thì có những văn bản mang tính ngăn chặn, kìm hãm.
Nhiều bệnh viện tư nhân khi so sánh với bệnh viện nhà nước luôn bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm quản trị, thiếu nhân lực trình độ cao nên không thu hút được bệnh nhân, không sử dụng hết công suất giường bệnh, gây lãng phí.
Ông Đệ nói: “Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đổi mới. Từ đó, huy động được nguồn lực trong dân vào xây dựng bệnh viện, giúp tiết kiệm ngân sách khi đất nước đang gặp khó khăn. Song trong quá trình thực hiện xã hội hóa, việc phân biệt đối xử giữa bệnh viện công và bệnh viện tư là không thể chấp nhận được. Việc đầu tư bệnh viện tư nhân không còn nằm trong danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư. Các ưu đãi về mặt bằng, tiền sử dụng đất không còn được thực hiện theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội hóa.
Hiện có những bệnh viện tư nhân 15-20 năm nay hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính. Họ bỏ vốn đầu tư, chịu mọi ràng buộc, trách nhiệm luật pháp nhưng họ vẫn sống, vẫn hoạt động.
Trong khi đó, các bệnh viện Nhà nước không chịu tự chủ, vẫn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Bệnh viện do Nhà nước bỏ tiền xây, nên họ xin ngân sách xây dựng càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, là cán bộ, nhân viên thuộc biên chế, do Nhà nước đào tạo. Môi trường cũng được Nhà nước giúp đỡ… Cái gì cũng được Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ”.
Vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. (Ảnh minh họa)
Về giấy phép con, ông Đệ cho biết, Chính phủ yêu cầu hạn chế, còn các Bộ, cụ thể là Bộ Y tế lại “đẻ” thêm. Ngoài ra, một số quy định về khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế đang gây khó khăn cho hệ thống các bệnh viện tư nhân.
“Đơn cử việc xếp hạng bệnh viện cho các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, xác định tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế”, ông Đệ nói.
Theo ông Đệ, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hiện gặp nhiều khó khăn do một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm tạo điều kiện để các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.