Chia sẻ với PV Dân Việt, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh – Phó trưởng khoa Bệnh da liễu phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, mới đây khoa có tiếp nhận 1 bệnh nhi với làn da sần sùi như "da kỳ đà" vì viêm da cơ địa nhưng lơ là điều trị, chăm sóc.
Toàn thân sần sùi vì viêm da cơ địa
Bệnh nhi là bé trai 7 tuổi (nhà ở Thạch Thất, Hà Nội), bị viêm da cơ địa từ bé. Bệnh nhi phát hiện bệnh khá sớm nhưng điều trị không khỏi, bị tái đi tái lại rất nhiều lần.
Khi vào viện, toàn thân của bệnh nhân đều phủ lớp "da kỳ đà" dày cộm, khô, cứng. Nguyên nhân là do không tuân thủ việc chăm sóc da thường xuyên, một yêu cầu bắt buộc đối với người bị viêm da cơ địa.
Do chăm sóc kém nên làn da bị tổn thương nặng nề và "chất chồng" nhiều lớp da chết, dẫn đến tình trạng da sần sùi như "kỳ đà" toàn thân, đặc biệt ở các vị trí có nhiều da chết như cổ, đầu gối, tay…
Bác sĩ Linh chia sẻ, để điều trị cho bệnh nhân này, các bác sĩ dùng băng gạc to, phết vaseline, một dạng mỡ dùng trong da liễu vô khuẩn, quấn lên các vùng da bị tổn thương để da mềm ra. Ngoài ra, dùng kem dưỡng ẩm liên tục, nhiều lần trong ngày.
Sau nhiều ngày điều trị, chăm sóc đúng cách, da chết đã bong chóc nhiều, tình trạng viêm da đỡ hơn.
"Trong viêm da cơ địa, để quản lý tốt phải cần phải làm tốt 2 việc đó là điều trị và chăm sóc dự phòng. Hai việc này phải đi song song với nhau. Khi có tổn thương trên da phải bôi thuốc điều trị. Còn dự phòng bao gồm chế độ tắm rửa, sinh hoạt rồi kiêng 1 số đồ quần áo mặc trên người. Hai việc này phải kiên trì hàng ngày, quanh năm.
Đa phần ở Việt Nam, người bị viêm da cơ địa chỉ tập trung điều trị lúc đang bị bệnh nặng, còn khi khỏi các triệu chứng là quên hết, lại sinh hoạt như người bình thường, dẫn đến việc tái phát rất là dày, chưa khỏi đợt bệnh này đã đến đợt bệnh khác.
Điều này dẫn đến việc da chưa kịp phục hồi đã bị tổn thương, viêm nhiễm tiếp, da dày cộm lên. Da dày ở đây là do các tế bào viêm "chất chồng" lên nhau, hết lớp này đến lớp khác. Nhẹ thì vài nốt, vài bộ phận bị "da kỳ đà", nặng thì "da kỳ đà" có thể phủ toàn thân", bác sĩ Linh phân tích.
Viêm da cơ địa có thể khỏi nếu điều trị và chăm sóc đúng
Theo bác sĩ Linh, nếu tắm rửa thường xuyên, dưỡng ẩm đầy đủ thì các tế bào chết sẽ được bong tróc đi, da mỏng bình thường. Còn nếu lười tắm, không dưỡng ẩm thì các tế bào khô sẽ dính lại với nhau, hết lớp này đến lớp khác.
"Vào mùa hè, người bị viêm da cơ địa gặp tình trạng bội nhiễm khá cao. Nguyên nhân nắng nóng nhiều mồ hôi gây ngứa ngáy, người bệnh ngứa ngãi nhiều khiến các vết thương rỉ dịch nhiều nên gây ra nguy cơ bội nhiễm cao hơn.
"Trong mùa hè, tình trạng chốc trong viêm da cơ địa khá là nhiều. Những trường hợp vào viện đều kèm theo nhiễm khuẩn"
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh
"Việc này khiến bệnh nhân lại càng gãi, càng ngứa nhiều và nguy cơ bội nhiễm càng cao, thành vòng xoắn bệnh lý khiến tế bào viêm tiếp tục sinh sôi. Bệnh sẽ không đỡ, không khỏi", bác sĩ Linh nhận định.
Theo bác sĩ Linh, nếu viêm da cơ địa quá nặng, da tiếp tục dày lên, sần sùi, khiến cho lớp da mới không mọc ra được. Những đám da sần sùi đó đến khi không còn độ đàn hồi nữa sẽ bị nứt ra, gây chảy máu, nhiễm trùng. Đã có những bệnh nhân viêm da cơ địa bị nhiễm trùng huyết, gây nguy hiểm tính mạng.
"Viêm da cơ địa thông thường được phát hiện khi trẻ khoảng 3 tháng tuổi trở lên. Một thống kê cho thấy, các phát hiện bệnh sớm thì khả năng khỏi sớm càng cao. Còn trẻ ngoài 2 tuổi mới phát hiện bệnh thì nguy cơ bệnh kéo dài đến tuổi dậy thì và trưởng thành rất cao.
50% bệnh nhân viêm da cơ địa phát hiện sớm và được điều trị, chăm sóc đúng cách thì đến 2 tuổi sẽ tự khỏi. Sau đó sinh hoạt bình thường, không còn có các tổn thương gì về viêm da cơ địa nữa", bác sĩ Linh chia sẻ.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa
Theo các bác sĩ da liễu, khi phát hiện con bị viêm da cơ địa từ nhỏ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Ngoài ra, cha mẹ cần tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc da đúng cách.
Cụ thể:
Không tắm lá: Quan niệm sai lầm của các bà các mẹ tắm lá giúp mát da, tốt cho da trẻ, nhưng thực sự tắm lá khiến da khô hơn do làm thay đổi độ PH da và có chứa nhiều vi khuẩn, chất bẩn gây nhiễm trùng trên da, làm hàng rào bảo vệ da bị tổn thương. Vì vậy, tắm các loại nước lá là nguy cơ tiềm ẩn gây nên viêm da cơ địa.
Dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên: Kem dưỡng ẩm chính là cách phòng bệnh tốt nhất. bắt nguồn từ bệnh lý khô da, mất chất bảo vệ trên da. Chính vì vậy, để phòng viêm da, việc giữ ẩm cho da cần được chú trọng hơn cả nhất là trong thời tiết hanh, khô.
Cần bôi dưỡng ẩm dày, bôi vùng da tổn thương và vùng da bình thường, bôi nhiều lần trong ngày và bôi liên tục giúp giảm tỷ lệ tái phát bệnh cho trẻ.
Tránh các yếu tố gây bùng phát bệnh ở trẻ: Dị ứng thức ăn, dị ứng lông chó mèo, mạt bụi nhà, thuốc lá,...
Chọn quần áo có chất liệu vải cotton mềm mại cho trẻ: Bố mẹ nên chọn những món đồ được làm từ các chất liệu thoáng, thấm hút tốt như sợi cotton hoặc sợi thiên nhiên, tránh các loại vải cứng, vải sợi đồ len dạ tiếp xúc trực tiếp với trẻ vì có thể khiến bé khó chịu, ngứa ngáy, kích ứng da.
Hạn chế cào gãi, gây tổn thương da: Viêm da cơ địa có triệu chứng khô da, gây ngứa ngáy khó chịu thường khiến trẻ cào gãi đến trầy da. Bố mẹ nên canh chừng trẻ, khi nhìn thấy bé có động tác kỳ gãi, chà xát thì can thiệp ngay.
Bên cạnh đó, khi trẻ ngứa ngáy có thể bôi dưỡng ẩm và xịt khoáng thường xuyên trong ngày để làm dịu da, giảm kích ứng và giúp trẻ không còn ngứa ngáy muốn cào gãi, có thể sử dụng kháng histamin giảm ngứa cho trẻ.
Mời các bạn xem video bác sĩ chia sẻ về các bệnh về da trong mùa hè:
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh chia sẻ về các bệnh về da trong mùa hè. Clip: Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.