Bệnh khảm lá gây hại khắp nơi, Tây Ninh vẫn quyết duy trì trồng sắn

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 11/07/2019 13:50 PM (GMT+7)
Trong nhóm cây trồng truyền thống, khoai sắn (mì) vẫn đang là loại cây mang lại lợi nhuận kinh tế cao nhất so với ngô, lúa. Do đó, Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh đề nghị tiếp tục duy trì diện tích sản xuất hiện tại để quản lý dịch bệnh, trong bối cảnh dịch khảm lá vẫn đang tiếp tục gây hại phức tạp.
Bình luận 0

Trong khi đó, theo Cục BVTV, tính đến cuối tháng 6/2019, diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá virus trên cả nước đã tăng lên gần 36.870ha, tăng 5.800ha so với cùng kỳ năm trước. Bệnh khảm lá đang gây hại tại 15 tỉnh, thành trên cả nước.

Dịch bệnh tiếp tục gây hại

img

Dù bệnh khảm tiếp tục lây lan, cây sắn vẫn đang cho hiệu quả kinh tế cao hơn các cây truyền thống khác. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Võ Đức Trong cho biết, ngoài việc quản lý dịch bệnh, chuỗi giá trị cây sắn, cần tái cơ cấu lại khâu chế biến tinh bột bằng công nghệ mới; đa dạng hóa sản phẩm sau tinh bột và tận dụng phế phẩm để nâng cao giá trị. Nhất là không cấp chủ trương đầu tư mới nhà máy chế biến tinh bột.

Ở Tây Ninh, bệnh khảm lá tiếp tục phát sinh gây hại diện tích vụ đông xuân 2018 - 2019 và hè thu 2019 với diện tích 34.723ha. Tuy mức độ lây nhiễm nhẹ và triệu chứng bệnh có giảm nhưng cũng có gần 70% diện tích sắn bị lây nhiễm. Ngành nông nghiệp địa phương vẫn đang căng mình tìm giải pháp khắc phục.

Ngay tại 2 mô hình thử nghiệm sản xuất giống sạch, bệnh khảm lá vẫn lây nhiễm trên một tỷ lệ nhất định. Tại mô hình triển khai trên quy mô 160ha ở xã Tân Hội (huyện Tân Châu), cây sắn hiện được 6 tháng tuổi cũng đã xuất hiện bệnh với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 14,5 - 24%.

Còn tại mô hình trồng thâm canh cây sắn bền vững đã triển khai trên diện tích 27ha tại xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu), sắn được gần 5 tháng tuổi. Dù ngành chức năng đã hướng dẫn cho người dân phòng trừ bọ phấn trắng nhưng sắn vẫn bị nhiễm bệnh khảm lá, với tỷ lệ nhiễm khoảng 30%.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc kiểm soát và quản lý nguồn sâu bệnh hại còn khó khăn nên tiềm ẩn nhiều khả năng bùng phát. Thời gian sinh trưởng của 1 vụ sắn từ 8 - 10 tháng nhưng thời vụ sản xuất thường từ 2 - 3 vụ/vùng/năm nên cây sắn luôn hiện diện trên đồng. Nguồn sâu bệnh hại có điều kiện gia tăng mật số, tỷ lệ bệnh, phát tán khắp các vùng nguyên liệu.

Người trồng cũng không chú ý tốt đến giống sạch bệnh khiến dịch hại lây lan từ vụ này qua vụ khác, vùng này qua vùng khác. Không chỉ bệnh khảm lá mà còn nhiều bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và năng suất cuối vụ của sắn như bệnh chổi rồng, xì mủ thân cây hay rệp sáp bột hồng.

Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, cây sắn hàng năm lấy đi nhiều chất dinh dưỡng từ đất. Tuy nhiên, tập quán canh tác lâu nay của người dân rất ít sử dụng phân hữu cơ nhằm cải tạo đất mà chủ yếu là phân vô cơ trong thời gian dài. Đất trồng sắn ngày càng trở nên bạc màu, suy giảm hệ vi sinh vật có lợi, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng phát triển của cây và tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh trong đất (thối gốc, thối củ) phát sinh gây hại.

Vẫn còn hiệu quả

Tuy nhiên, xét về khía cạnh kinh tế, cây sắn vẫn đang cho hiệu quả cao hơn so với các cây trồng truyền thống khác là lúa, mía, cao su. Sắn là nguồn nguyên liệu quan trọng sử dụng trong sản xuất tinh bột và các ngành công nghiệp, thực phẩm khác, thức ăn gia súc và Ethanol.

Tổng kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Thái Lan, đạt 1,35 tỷ USD năm 2018. Ước tính con số này có thể đạt 2 tỷ USD vào năm 2023. Bộ NNPTNT cũng đang ưu tiên phát triển 3 loại cây trồng truyền thống là lúa, ngô và sắn. Ngay tại Tây Ninh, từ năm 2010 đến nay, diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh gia tăng liên tục, đầu tư thâm canh cao và năng suất tăng dần theo các năm.

Theo tính toán của Sở NNPTNT, tổng chi phí đầu tư cho 1ha sắn khoảng 42,3 triệu đồng/ha/vụ. Trong đó, chi phí vật tư khoảng 19,7 triệu đồng/ha (chiếm 46,6%). Chi phí duy trì sản xuất như làm đất, công lao động và chi khác 22,6 triệu đồng/ha (chiếm 53,4%).

Từ khi xảy ra dịch bệnh khảm lá, giá thu mua củ sắn tươi trên địa bàn tỉnh đạt trung bình ở mức 2.400 đồng/kg với củ đạt 30% chữ bột. Như thế, với năng suất trung bình khoảng 31 tấn/ha; chữ bột trung bình ở mức 25% thì người dân thu được khoảng 62 triệu đồng/ha/vụ; lợi nhuận khoảng 19,6 triệu đồng/ha/vụ. Giá thành sản xuất 1kg sắn tươi là 1.366 đồng.

Trong đề án tái cơ cấu, diện tích sản xuất loại cây hiệu quả thấp sẽ được chuyển đổi sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, trong nhóm cây trồng truyền thống (lúa, sắn, mía, cao su), sắn đang là loại cây mang lại lợi nhuận kinh tế cao nhất trong nhóm và là cây có triển vọng phát triển. Cây sắn vì thế vẫn là cây trồng được duy trì sản xuất. Nếu giải quyết được vấn đề dịch bệnh, định hướng diện tích sắn năm 2020 sẽ là 50.000ha.

Hiện toàn tỉnh Tây Ninh có 67 nhà máy, khả năng chế biến trên 4 triệu tấn củ sắn tươi; vượt gấp 2,5 lần nguyên liệu sản xuất trong tỉnh, nên có sự cạnh tranh về nguyên liệu, lãng phí đầu tư xã hội.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến không có nhiều khả năng để khép chuỗi hoặc tạo ra nhiều giá trị gia tăng từ cây sắn, cũng như chưa chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu gắn kết với từng nhà máy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem