Phố Nguyễn Thị Định (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lâu nay vẫn được mệnh danh là phố ẩm thực Hàn Quốc giữa lòng Hà Nội. Chỉ dài chừng khoảng hơn 1km nhưng con phố này có đến hàng chục nhà hàng Hàn Quốc mọc lên, thực khách ra vào tấp nập.
Thế nhưng, có lẽ ít người biết rằng, cũng tại con phố này có một nhà hàng mang tên Bình Nhưỡng do người Triều Tiên làm chủ đã tồn tại được 10 năm nay. Nhà hàng chủ yếu bán các món ăn đặc sắc của người Triều Tiên.
Nhà hàng Bình Nhưỡng nằm trên đường Nguyễn Thị Định (Hà Nội) đã tồn tại được 10 năm
Nếu lượn một vòng quanh phố Nguyễn Thị Định, thực khách dễ dàng nhận thấy sự khác lạ giữa nhà hàng Bình Nhưỡng và những nhà hàng Hàn Quốc. Các nhà hàng Hàn Quốc đều rất sáng đèn, biển hiệu bắt mắt và thiết kế quán cũng mang phong cách kiến trúc của người Hàn.
Còn nhà hàng Bình Nhưỡng lại mộc mạc với thiết kế nhà ống 5 tầng nhưng chỉ có 2 tầng sáng đèn. Tấm biển hiệu Bình Nhưỡng Quán với 2 loại chữ Triều Tiên và Việt Nam khá lớn nhưng lại không nổi bật và nấp sau lùm cây xanh khiến nhiều người khó quan sát.
Những bàn ăn ở tầng 1 được ngăn cách bằng những vách ngăn cao gần bằng đầu người
Không gian bên trong tầng 1 quán khá hiu hắt vì thiếu ánh sáng đèn điện
Chúng tôi đến quán Bình Nhưỡng vào một tối cuối tuần. Cảm nhận đầu tiên khi bước vào quán là cảm giác khá chật chội. Dù lúc đó đang là 19h30 nhưng tầng 1 chỉ có 2 thực khách đang ngồi ăn. Các bàn ăn ở tầng 1 được ngăn bằng những vách ngăn cao gần bằng đầu người, vì vậy, khi ngồi ăn, 2 bàn cạnh nhau không thể nhìn thấy nhau.
Quán trang trí cũng rất đơn sơ, bàn ghế gỗ, một chiếc tivi LCD cũ phát những tư liệu về đất nước Triều Tiên. Chỉ có một lối cầu thang đi lên trên tầng, được ngăn bằng cửa kính nằm ngay cạnh quầy lễ tân.
Không chỉ phục vụ đồ ăn, nhà hàng có có dịch vụ cà phê, giải khát
Trong ánh điện mập mờ, một cô gái trẻ tuổi bước ra tiếp chúng tôi. Biết chúng tôi là thực khách Việt Nam, cô gái nói giọng tiếng Việt lơ lớ và cho biết, tầng 2 đã hết bàn rồi sắp xếp cho chúng tôi một bàn ở tầng 1.
Tôi hỏi tên cô gái, cô cho biết mình tên tiếng Việt là Hoa Đào, 23 tuổi. Hoa Đào là thực tập sinh và đã sang Việt Nam được 2 năm. Trước khi sang, Hoa Đào chưa biết tiếng Việt. Thế nhưng, sau 2 năm tự mày mò, tự học, Hoa Đào đã có thể giao tiếp tốt với người Việt Nam như chúng tôi.
Thấy tôi giơ máy ảnh lên, Hoa Đào liền dùng tay che mặt và cho hay: “Ở đây không được chụp ảnh, quay phim”. Tôi ngỏ ý muốn chụp không gian của quán, Hoa Đào cũng nói không. Ngay cả menu của quán, khi Hoa Đào đưa cho chúng tôi chọn món cũng không quên dặn là không được chụp ảnh menu.
Tôi thắc mắc thì Hoa Đào giải thích: “Đây là quy định của quán, không được quay phim, chụp ảnh”.
Phía trên tầng 2 có tiếng nhạc phát ra. Hoa Đào cho biết, đó là chương trình ca nhạc của quán. Cứ khoảng 19h30 mỗi tối, quán lại tổ chức một chương trình văn nghệ để phục vụ các thực khách.
Tôi đi lên tầng 2. Tại đây chỉ có một phòng ăn rộng khoảng 100m2 đều đã chật kín khách. Một phía góc phòng được trang trí làm sân khấu. Ca sĩ ở đây đều là “cây nhà, lá vườn”.
Tiếng nhạc xập xình nổi lên, không MC, không lời giới thiệu, chỉ sau vài giây, các cô phục vụ bàn đã nhanh chóng thay Hanbok, cột tóc đuôi ngựa, kẹp nơ lớn xanh đỏ, vừa hát vừa đánh organ, guitar và trống truyền thống jang-gu. Nhìn phong cách biểu diễn, người ta liên tưởng đến sân khấu ca nhạc ở những năm thập niên 80, 90.
Phía trên tầng 2 là một phòng ăn riêng rộng khoảng 100m2 và có sân khấu ca nhạc
Các ca sĩ đều là “cây nhà, lá vườn”. Cách bố trí sân khấu giống như sân khấu ca nhạc những năm thập niên 80, 90
Đồ ăn của Triều Tiên khá giống đồ ăn Hàn Quốc, rất cay và nhiều kim chi. Với những người không ăn được cay thì đến đây, khó có thể chọn một món đồ ăn hợp vị. Chúng tôi gọi món mì xào mực, há cảo. 21h, từng tốp, từng tốp khách bắt đầu rời nhà hàng. Hoa Đào đứng ở gần lối đi chào tạm biệt khách. Khách Hàn, Hoa Đào chào bằng tiếng Hàn còn khách Việt, cô chào bằng tiếng Việt.
Đồ ăn của người Triều Tiên khá cay vì nhiều ớt
Kim chi là món không thể thiếu trong thực đơn và khẩu vị của người Triều Tiên
Chúng tôi cũng thanh toán ra về. Hoa Đào không quên nở một nụ cười tạm biệt. Cô chia sẻ, sẽ ở Việt Nam khoảng 1 năm nữa là sẽ hết thời gian thực tập và phải về nước.
Quả thực, đối với những thực khách lần đầu đến nhà hàng Bình Nhưỡng sẽ không khỏi bỡ ngỡ về phong cách phục vụ nơi này.
Trong danh sách này không ít món khiến thực khách “phát hoảng“ ngay từ cái tên: nghêu nướng xăng, buger “thảm họa“,...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.